Bảo vật quốc gia - Bia Ma nhai Ngự chế tại Cao Bằng

Cao Bằng tự hào vì còn lưu lại nhiều dấu tích văn hóa người xưa để lại trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, trong đó, dấu ấn khá sâu đậm còn lại đến ngày nay chính là hệ thống di tích nhà Lê, triều đại có nhiều đóng góp trong lịch sử nước ta, cả về những chiến tích đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Các dấu tích còn lại nằm rải rác trên khu vực huyện Hòa An và Thành phố Cao Bằng. Một trong những dấu tích đó đã được công nhận là bảo vật Quốc gia, đó là bia Ma nhai Ngự chế nằm trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (Hòa An).

Hình ảnh bia Ma nhai Ngự chế được khắc trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (Hòa An).

Hình ảnh bia Ma nhai Ngự chế được khắc trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (Hòa An).

Bảo vật quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ tại xã Hồng Việt (Hòa An) là hiện vật gốc độc bản có niên đại năm 1431 - khẳng định chủ quyền quốc gia Đại Việt ở vùng biên viễn. Bia có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc tìm hiểu nghiên cứu về bia Ma nhai góp phần tuyên truyền phát huy, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.

Hệ thống văn bia ở huyện Hòa An, Cao Bằng phong phú về thể loại, với nhiều loại hình khác nhau như bia ma nhai (bia khắc trực tiếp vào vách đá); bia lăng mộ; bia xây dựng, trùng tu kiêm công đức; bia hậu. Đây là những cổ vật có giá trị về nhiều mặt, là nguồn sử liệu gốc không có bản sao. Sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của hệ thống văn bia Hòa An đã góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu, nghiên cứu diện mạo xã hội Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời kỳ trung và cận đại.

Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ nằm trong tổng thể di sản văn bia Việt Nam nên vấn đề nghiên cứu bảo vật quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế là công việc hữu ích, thiết thực và cấp bách góp phần quan trọng vào công tác khai thác, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp, quý báu của di sản văn hóa Việt Nam. Kết quả nghiên cứu tìm hiểu Bảo vật Quốc gia Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt (Hòa An),góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Bài thơ Ngự chế của vua Lê Thái Tổ được khắc trên núi đá Phja Tém, xã Hồng Việt, huyện Hòa An là di sản văn hóa quý hiếm, là áng văn chương vô giá, là nguồn tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Cao Bằng nói riêng, lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Bia Ngự chế của vua Lê Thái Tổ, đây là tác phẩm độc đáo về nghệ thuật chạm khắc chữ vào vách đá. Nghệ nhân khắc bia đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ để tạo nên tác phẩm có giá trị lớn về nhiều mặt, lưu lại cho muôn đời sau. Tấm bia khắc trên vách núi ghi lại chiến công của vua Lê Thái Tổ là một trong những tấm văn bia tốn nhiều giấy mực của các sử gia thời phong kiến. Đã 6 thế kỉ trôi qua nhưng bài văn khắc trên núi đá như vẫn còn tươi nét bút.

Bế Khắc Thiệu vốn họ Nguyễn, tằng tổ quê ở Phủ Tống Sơn, trấn Thanh Hóa lên Cao Bằng dạy học chữ nho rồi làm con nuôi nhà họ Bế; từ đó đổi sang họ Bế - một dòng họ lớn nhất vùng, danh môn hào kiệt ở xã Bác Khê, tổng Xuất Tính, châu Thạch Lâm, Trấn Thái Nguyên (tức vùng Hòa An, Cao Bằng) ngày nay. Bế Khắc Thiệu là một hào trường giàu có, thích làm việc thiện, được nhiều người mến mộ. Ông thường giao du, kết bạn với nhiều người. Bế Khắc Thiệu kết thân với Nông Đắc Thái cũng là một hào trưởng giỏi võ nghệ, bắn cung trăm phát trăm trúng. Qua vài lần tiếp xúc, hai người ý hợp tâm đầu, kết nghĩa làm anh em và cùng nuôi chí hướng đánh đuổi quân Minh xâm lược.

Năm 1410, khi quân Minh kéo đại quân lên Quảng Nguyên, Bế Khắc Thiệu đã chiêu mộ nghĩa quân ngày đêm xây thành đắp lũy. Để gây thanh thế, nghĩa quân đã dựng cờ đại nghĩa với khẩu hiệu "Khắc Thiệu vi vương", "Đắc Thái vi thần" với mục đích là chống quân Minh xâm lược, bảo vệ dân làng.

Tháng Giêng năm Mậu Tuất (1416), hào trưởng Bế Khắc Thiệu đã từ Quảng Nguyên lặn lội vào tận Lam Sơn (Thanh Hóa) ứng nghĩa khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa. Ông được Lê Lợi cử về quê hương xây dựng lực lượng chống quân Minh và làm hậu thuẫn cho cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của Bế Khắc Thiệu đã trở thành một bộ phận quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhiều trận đánh do Bế Khắc Thiệu chỉ huy đã diễn ra và thu được thắng lợi lớn như trận Nà Khuổi (1426), tiêu diệt gần 4.000 quân Minh.

Sau chiến thắng, Bế Khắc Thiệu được tứ phong Quản lĩnh trấn Thái Nguyên, Nông Đắc Thái quản việc quân. Nhân dân lại được trở về với cuộc sống thái bình. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của một số thổ tù khác vào thời kỳ đó, Bế Khắc Thiệu đã nổi dậy chống chính quyền Trung ương, mưu đồ cát cứ. Vì vậy buộc Vua Lê Thái Tổ phải thân chinh cầm quân lên dẹp, trấn áp. Sự kiện lịch sử đặc biệt này diễn ra vào tháng 11, năm 1430 và đã được khắc thành bài thơ trên núi Phja Tém, xã Hồng Việt, huyện Hòa An để ghi nhớ. Sách "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư", Ngô sỹ Liên có ghi lại: "Năm Thuận Thiên thứ 3 (1430). Mùa đông, tháng 11, Vua đi đánh bọn nghịch tặc ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Bấy giờ Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái tranh nhau tự lập nên phải đi đánh. Sách "Việt sử thông giám cương mục" do sử gia nhà Nguyễn cũng chép sự kiện này, tuy có chút khác biệt: "Lê Thái Tổ đã tiến quân đến châu Thạch Lâm, thắng trận, Khắc Thiệu phải chạy rồi chết, bắt được Đắc Thái, kéo quân về".

Sự kiện vua Lê Thái Tổ lên Cao Bằng dẹp Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái năm 1430 được khắc thành thơ vào núi đá Phja Tém có nội dung phiên âm như sau:

Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ

Duy dục biên phương xích tử tô

Thiên địa bất dung gian đảng tại

Cổ kim thùy xá bạn thần tru

Trung lương tự khả ưng đa phúc

Bạo bội chung gian bảo nhất khu

Đái lệ bất di thần tử tức

Danh thùy vạn cổ dữ sơn câu

Bài thơ có khắc chữ: Thuận thiên tứ niên Tân Hợi chính nguyệt nhị thập nhật đề (21 tháng 1, năm 1431)

- Dịch nghĩa:

Đường xa chẳng ngại quản ra quân

Chỉ muốn biên phương cứu lấy dân

Trời đất chẳng dung phường phản tặc

Xưa nay ai xá tội gian thần

Trung lương ắt tự giành nhiều phúc

Phản nghịch đành khôn giũ chiếc thân

Sông cạn đá mòn truyền hậu thế

Danh thơm lưu lại với muôn xuân

Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Hợi niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 (1431) đề Đời Vua Tự Đức thứ 18 (1865), khi biên soạn cuốn "Đại Nam Nhất thống Chí", phần viết về Cao Bằng có giới thiệu bài thơ "Ngự Chế" của Vua Lê Thái Tổ được dịch theo thể lục bát như sau:

“Đem quân chẳng ngại đường xa

Muốn yên trăm họ mới ra biên thùy

Bọn tà trời có dung chi

Xưa nay ai có tha gì kẻ gian

Hiền lương hưởng phúc chứa chan

Những phường bội nghịch khó toàn được thân

Đá đai ghi tiết trung thân

Tiếng tăm cùng với muôn xuân dội truyền”

Ý nghĩa của bài thơ “Ngự chế” trong sáng như một chân lý, một nguyên tắc ứng xử của một vị quân vương. Việc vua lên Cao Bằng dẹp loạn để thấy rằng, nhà vua thực lòng muốn yên trăm họ. Một nguyên tắc được nhà vua nêu lên đó cũng là truyền thống của dân tộc Việt Nam: trời đất không dung bọn tà, con người lương tri không tha kẻ gian. Điều ấy cho thấy Lê Thái Tổ khuyên mọi người dân nước Việt phải sống hiền lành, lương thiện, nằm trong kỉ cương, pháp luật, phép nước thì hạnh phúc sẽ tới. Biết giữ tư cách của bản thân tiếng tăm sẽ mãi lưu truyền.

Bài thơ Ngự chế là một trong ba trước tác hiếm hoi (đều được khắc trên đá) của vua Lê Thái Tổ, là niềm tự hào của người Cao Bằng về mảnh đất có vai trò quan trọng - làm “phên dậu” cho nước nhà.

Trải qua mấy trăm năm tồn tại, dưới sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết đã làm cho di tích bia lịch sử thời Lê không còn được nguyên trạng. Đặc biệt hiện tại núi Phja Tém đã bị phá để lấy đá, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di tích. Vì vậy, cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nhân dân để bảo tồn và phát huy, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, nét đẹp áng thơ cổ của bài thơ Ngự chế. Chúng tôi, những người con vùng đất giàu truyền thống cách mạng mong muốn với những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc thì vùng đất này sẽ trở thành điểm hẹn du lịch đầy hấp dẫn với du khách bốn phương.

Tuy nhiên, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt với nét đẹp áng thơ cổ của bài thơ Ngự chế tại Phia Tém, rất cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, sưu tầm, thu thập, ghi chép lại từ những người cao tuổi, những câu chuyện lịch sử gắn liền với di tích, Bảo vật Quốc gia bia Ma nhai Ngự chế; lồng ghép tuyên truyền qua giờ học, buổi ngoại khóa; tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại khu di tích... Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên, tuyên truyền giới thiệu với gia đình, bạn bè, du khách về giá trị của di tích Bảo vật Quốc gia, từ đó mỗi người dân ý thức hơn trong việc gìn giữ nguyên trạng di tích, góp phần bảo tồn di tích, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của quê hương.

Lã Đàm Phương Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-vat-quoc-gia-bia-ma-nhai-ngu-che-tai-cao-bang-3173956.html