Bảo hiểm vi mô đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro
Sáng 29/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm vi mô…
Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và các đại biểu phân tích, Luật sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…
Cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện này.
Theo các vị đại biểu, cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù, xây dựng một chương riêng cho dự thảo; cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức triển khai sản phẩm là bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp; thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, đầu tư nông nghiệp…
Liên quan đến nội dung của hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Việt Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, chỉ ra rằng, tại Điều 14 của Dự luật quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm với nhiều nội dung tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung thêm nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng vì đây là những điều khoản quy định về hành vi pháp lý, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng trên thực tế; đảm bảo cơ sở để giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, cần rà soát và làm rõ các quy định về nội dung này để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Nên khuyến khích kinh doanh bảo hiểm vi mô
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, đại Nguyễn Thị Thu Hà- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tán thành việc bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô, khẳng định đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ định 2 điều về bảo hiểm vi mô chưa đầy đủ, gây khó khăn vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng: bảo hiểm vi mô bao gồm các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế, cung cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, và những người yếu thế trong xã hội, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tài chính toàn diện. Với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu, bảo hiểm vi mô đáp ứng được nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.
Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm vi mô ở Việt Nam chưa phổ biến, do bộ phận đối tượng hướng đến của loại hình bảo hiểm này là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chi phí triển khai lớn hơn và rủi ro cao hơn bảo hiểm thông thường. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô, đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô, làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô với các loại hình bảo hiểm thông thường; xác định rõ vai trò của các tổ chức tham gia.
Một số đại biểu phân tích thêm, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô như tổ chức và điều kiện triển khai bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm vi mô, quản trị rủi ro, nguồn vốn và hoạt động thu-chi, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường.
Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm…