Bạo loạn ở Anh: 6.000 cảnh sát 'trực chiến', tình báo vào cuộc, các nền tảng trực tuyến bị đưa lên 'đầu sóng'

Chính phủ Anh yêu cầu khoảng 6.000 cảnh sát chống bạo động trong trạng thái trực chiến để chuẩn bị ngăn chặn nguy cơ xảy ra biểu tình bạo loạn.

Khoảng 6.000 cảnh sát bạo động Anh trong trạng thái sẵn sàng cao độ để ứng phó biểu tình bạo loạn. (Nguồn: TV47 Digital)

Khoảng 6.000 cảnh sát bạo động Anh trong trạng thái sẵn sàng cao độ để ứng phó biểu tình bạo loạn. (Nguồn: TV47 Digital)

Theo hãng tin AFP, khoảng 2.000 cảnh sát chống bạo động dự bị cũng được bố trí trên khắp cả nước để tăng cường lực lượng nhanh nhất có thể. Cảnh sát trật tự cũng đang tăng cường tuần tra các khu phố. Đây là đợt huy động cảnh sát lớn nhất tại Anh kể từ cuộc bạo loạn năm 2011.

Cảnh sát được trang bị máy quay gắn trên người để ghi lại diễn biến các cuộc bạo loạn, giúp nhận dạng các đối tượng có hành vi phạm pháp.

Lực lượng này cũng đang tiến hành rà soát các video clip được chia sẻ trên mạng xã hội để tìm bằng chứng và bắt giữ những kẻ gây rối, đồng thời truy quét những kẻ tổ chức và kích động phạm tội trực tuyến.

Trong khi đó, các nhóm tình báo đã được thành lập để theo dõi hoạt động mạng của các tổ chức nổi tiếng và những người có ảnh hưởng nhằm phát hiện các hoạt động biểu tình, cũng như các mục tiêu tấn công của những kẻ cực hữu.

Các vụ biểu tình bạo loạn xảy ra trên khắp nước Anh sau vụ đâm dao khiến ba bé gái thiệt mạng và 10 người khác bị thương ở Southport. Nghi phạm Axel Rudakubana, 17 tuổi, bị buộc các tội giết người và cố ý giết người.

Tuy nhiên, trước khi danh tính của nghi phạm được xác nhận, trên mạng xã hội đã lan truyền các thông tin sai sự thật rằng đối tượng là người Hồi giáo đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền và đang xin tị nạn.

Sau những thông tin sai lệch này, các thành viên cực hữu đã xuống đường biểu tình phản đối nhập cư và bài Hồi giáo tại các thành phố trên khắp nước Anh. Biểu tình đã biến thành bạo loạn khi nhiều cuộc đụng độ xảy ra giữa phe biểu tình cực hữu với cảnh sát hoặc với các nhóm biểu tình đối lập.

Các nhà chức trách, cảnh sát cũng như các nhà phân tích tại Anh cáo buộc các nền tảng trực tuyến như Telegram, TikTok và X đóng vai trò thúc đẩy các cuộc biểu tình bạo loạn tại Anh, đặc biệt là Telegram, sau khi một số nhóm cực hữu đã sử dụng ứng dụng này để trao đổi thông tin nhằm tổ chức và kích động biểu tình.

Theo dữ liệu của công ty phân tích trực tuyến Similarweb, số người sử dụng Telegram “trực tuyến” đã tăng vọt lên con số 3,7 triệu người vào ngày 30/7, ngày nổ ra cuộc biểu tình bạo loạn đầu tiên tại Anh khiến ít nhất 50 cảnh sát bị thương.

Trước đó, vào ngày 29/7, thời điểm xảy ra vụ đâm dao khiến 3 trẻ em thiệt mạng và 10 người khác bị thương ở thị trấn Southport, số người dùng Telegram cũng đã tăng từ mức trung bình 2,7 triệu người mỗi ngày kể từ đầu năm 2024 lên tới 3,1 triệu người.

Cơ quan giám sát truyền thông của Anh (Ofcom) đã thúc giục các nền tảng công nghệ “chủ động” gỡ bỏ các nội dung liên quan các hành vi bạo lực, kích động thù hận chủng tộc hoặc thúc đẩy bạo lực.

Trong hơn một tuần xảy ra các cuộc biểu tình bạo loạn tại hơn 20 thành phố và thị trấn của vùng England, xứ Wales và Bắc Ireland, cảnh sát đã bắt giữ 428 đối tượng có hành vi gây rối và tấn công cảnh sát. Hơn 100 cảnh sát cũng đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình, một số người bị thương nghiêm trọng.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-loan-o-anh-6000-canh-sat-truc-chien-tinh-bao-vao-cuoc-cac-nen-tang-truc-tuyen-bi-dua-len-dau-song-281747.html