Bảo Lộc, đô thị miền sơn cước

Cao nguyên B'Lao xưa bây giờ là thành phố trẻ Bảo Lộc, trung tâm thứ hai của tỉnh Lâm Ðồng, một trong những đô thị mang bản sắc rõ nét trong chuỗi đô thị Tây Nguyên. Ðến Bảo Lộc, khách viễn du ngỡ ngàng trước hình ảnh đô thị miền sơn cước đẹp dịu dàng giữa không gian xanh. Mầu xanh của rừng, của bát ngát chè, cà-phê và những nương dâu…

Một góc thành phố Bảo Lộc. (Ảnh HUỲNH LONG)

Một góc thành phố Bảo Lộc. (Ảnh HUỲNH LONG)

Trong một lần đi tìm dấu tích khu mộ táng Ðại Làng của người Mạ mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng khẳng định “có một vương quốc Mạ xưa” ở đây, nhà nghiên cứu văn hóa Lâm Tuyền Tĩnh (đã mất) đưa tôi về buôn cổ Konhin B’Lao. Ðây là một trong ba buôn làng lâu đời nhất của vùng đất này. Trong men rượu cần, già làng kể tôi nghe những câu chuyện không đầu không cuối về một B’Lao xưa. Không gian B’Lao trong tiềm thức của già mang một nỗi buồn huyễn hoặc và đẹp bởi những huyền thoại dệt từ khát vọng của cư dân cổ. Nỗi buồn ấy nung chảy cảm xúc của người nghe. Tôi ám ảnh bởi huyền tích người Mạ “ăn hết lộc của Yàng” ở miền đất cũ, Yàng bắt phải đi tìm đất mới lập cư. Trong cuộc thiên di ấy, người Mạ buôn Konhin B’Lao đã vượt qua ba cánh rừng, lội qua ba con sông để đến nơi có ba con nước giao nhau, có đồi ma, có con cọp trắng, nơi chưa ai dám phát rẫy bao giờ. Nhưng nơi ấy có con sông Ðạ Bình, có ngọn núi S’Pung. Nơi ấy là đất lành, là Bảo Lộc ngày nay. Anh Lâm Tuyền Tĩnh chỉ tay mấy vòng như vẽ địa đồ cho tôi hiểu: “Buôn Konhin B’Lao sau này thành tên làng đầu tiên của người Kinh ở vùng Bảo Lộc khi họ lên lập cư từ đầu thế kỷ. Buôn Konhin S’re Rơlong nay thành đất của mấy phường. Buôn Konhin Ðạ giờ là phường B’Lao…”. Có một điều, sau ngày anh Lâm Tuyền Tĩnh mất thì trên vùng đất đó đã hình thành khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Lâm Ðồng - Khu công nghiệp Lộc Sơn. Thêm một điều nữa, ngành dâu tằm tơ từng đưa Bảo Lộc lên địa vị “thủ đô dâu tằm của cả nước” thì nay đã hết thời hoàng kim, nên những nông trường sản xuất dâu tằm có tên gọi “Konhin” cũng đã giải thể…

Ký ức cao nguyên cứ lùi dần, lùi dần vào những câu chuyện kể ngày càng hiếm hoi trong những đêm dài buôn cũ. Những tư liệu lịch sử, những hiện vật khảo cổ cũng về với bảo tàng. Người mới đến chỉ mơ hồ về quá khứ vùng đất này khi bất chợt nghe ai đó nhắc tên một địa danh. Vùng sơn nguyên với bề dày văn hóa mang đậm bản sắc xứ sở, với những trang bi tráng qua bao mùa chinh chiến trong lịch sử đã thay da đổi thịt. Các buôn làng cổ di dời đến nhiều nơi bởi những cuộc chiến tranh, những lần đổi thay quy hoạch. Khắp nơi bây giờ là phố xá, là cơ sở thương mại, là đường rộng, nhà máy lớn, là vườn cà-phê, vườn chè xanh ngát. Thành phố Bảo Lộc đã và đang mang một tâm thế mới, một tầm vóc mới. Từ ngọn đồi cao trên đèo nhìn về, Bảo Lộc đẹp như tranh giữa mầu xanh biếc của cây cối tốt tươi và khói sương đặc thù sơn cước. Trong dòng cảm xúc đó, tôi không muốn nhắc tới những quy hoạch, những hoạch định phát triển, những con số thể hiện thành tựu, những việc đã làm, đang làm, những khó khăn, vấn đề trên đường phát triển… mà lãnh đạo thành phố Bảo Lộc cung cấp. Tôi chỉ muốn chấm phá những nét thú vị đặc trưng, mang hồn phố cao nguyên trong đó. Mà nét đặc trưng nhất của xứ sở này có lẽ là miền đất hứa của cây chè. Quả thật, nếu ai từng đến đây đều phải thốt lên, Bảo Lộc đích thị là đô thị chè…

Mỗi lần từ đồng bằng trở về Ðà Lạt, khi xe leo qua đèo Bảo Lộc là trong tôi có một tâm trạng khác lạ. Cảm giác ấy có được khi ngắm nhìn những nương chè tiếp nối nhau trải dài, xanh ngút mắt. Những lối chè thẳng hàng trên những đồi tiếp đồi như muôn ngàn thiếu nữ rẽ đường ngôi cho mái tóc xuân thì. Không gian khoáng đạt, lãng mạn và tràn đầy sức sống. Tự nhiên, lòng cứ miên man về những biến dịch qua tháng qua năm của vùng đất ba-zan này, về thân phận những nông phu và cả nghiệp làm chè của những ông chủ đồn điền, các danh trà qua nhiều thế hệ. Hơn một thế kỷ qua cây chè cùng với người dân nơi đây chia sẻ chung số phận. Ở xứ sở này, cây chè lặng lẽ với thời gian, len vào cuộc sống của mỗi con người, từng góc vườn, ngõ phố. Người làm chè, chế biến trà Bảo Lộc đã bao lần lên hương và cũng bao phen khốn đốn với nghề của mình…

Từ vùng chè Cầu Ðất ở Ðà Lạt trên độ cao 1.000m, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ người Pháp mà cây chè lan dài xuống vùng Di Linh rồi Bảo Lộc theo lộ trình mới mở của con đường từ Ðà Lạt đi Sài Gòn thời thập niên 30 của thế kỷ 20. Chè bắt đầu quen đất B’Lao với các đồn điền của các ông chủ đến từ phương Tây như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierré… rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, vườn chè gia đình. Từ đó, ở vùng đất này đã xuất hiện đông đảo một tầng lớp cư dân chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất ba-zan đã khai mở từ gần một thế kỷ trước.

Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà ở vùng đất này đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của “thương hiệu B’Lao” mà các danh trà sau này, ngoài tên gọi cơ sở sản xuất đều dùng thêm chữ “trà B’Lao” trên bao bì sản phẩm, cho dù danh trà của họ có nổi tiếng đến mấy. “Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ” - ông chủ đời thứ ba của một danh trà đã khẳng định với tôi như thế. Ðiều đó minh chứng thêm cho sự hòa quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất ấy.

Ngoài các thương hiệu truyền thống, ở Bảo Lộc vài chục năm trở lại đây xuất hiện rất nhiều doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến để làm nghề này. Họ là những ông chủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến đầu tư thuê đất đai, nhân công và trồng trà, chế biến các loại trà cao cấp làm giàu. Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Trà B’Lao không chỉ còn là sản phẩm nội tiêu mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, người dân địa phương và khách thưởng lãm trà nhiều miền khi nhắc đến trà B’Lao thì trong tâm tưởng của họ bao giờ cũng hiện lên hình ảnh những trang trại trà, xưởng trà, phố trà danh tiếng đã xuất hiện từ mấy mươi năm trước. Ở Bảo Lộc, tên gọi của những đồn điền từ thuở nước nhà còn dưới ách đô hộ của ngoại bang bây giờ vẫn là những địa danh không đổi, như nhắc nhở về quá vãng nô dịch. Trên mỗi tấc đất ba-zan vẫn như còn in dấu bàn chân nặng nề của những người nông phu Kinh, Thượng thuở xưa phơi nắng, uống sương, oằn lưng roi đòn, cõng cái đói nghèo truyền kiếp của kẻ nô lệ để cho bọn thực dân bóc lột, vơ vét…

Thời gian trôi bất tận. Từ cuộc thiên di của những cư dân Mạ cổ xưa, đất B’Lao được khởi lập theo ý Yàng, hôm nay, thành phố Bảo Lộc đang hiện lên những đường nét hiện đại và năng động. Chiều đã in tím sẫm, tôi ngắm ngọn núi S’Pung trong cảm xúc hoài niệm về một không gian cao nguyên hoang dã B’Lao trong miền xa ký ức.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/bao-loc-do-thi-mien-son-cuoc-214181.html