Theo tờ báo Mỹ, lợi thế đầu tiên của Su-75 là tên lửa, kho vũ khí của Checkmate sẽ bao gồm tên lửa không đối không R-37M - loại đạn không chiến tầm xa và nhanh nhất trong lớp của nó. Tốc độ Mach 6 của R-37M khiến mục tiêu có rất ít thời gian để phản ứng và né tránh.
Đồng thời sự kết hợp với radar mảng pha quét chủ động mạnh mẽ của máy bay mới cho phép nó bắn ở cự ly tối đa 400 km. Trong khi đó tên lửa tầm xa nhất của Mỹ là AIM-120D có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách chỉ 180 km.
Rất có thể trong tương lai gần, các tên lửa không chiến thế hệ mới, thậm chí nhanh hơn và tầm xa hơn sẽ được đưa vào kho vũ khí trang bị của máy bay chiến đấu Nga.
Lợi thế thứ hai là độ tinh xảo khi Checkmate được áp dụng công nghệ tàng hình. Hơn nữa chúng cân bằng về tỷ lệ giá cả - chất lượng: Su-75 sẽ phải cạnh tranh với máy bay của Mỹ và Trung Quốc, khi đó chi phí cho một giờ bay và thời gian bảo dưỡng là một đối số rất quan trọng ở đây.
Su-75 Checkmate có diện tích phản xạ radar thấp trong hình chiếu trực diện, đặc biệt là do hệ thống hút khí siêu âm trực tiếp của nó, không chỉ cung cấp luồng khí cho động cơ ở mọi chế độ mà còn ẩn bề mặt cánh quạt của turbine khỏi sóng radio từ hầu hết các góc độ.
Thứ ba là tốc độ siêu thanh và khả năng siêu cơ động, theo nhà phát triển, Checkmate sẽ có thể bay với tốc độ siêu thanh mà không cần bật tăng lực - lợi thế này khiến Su-75 chiếm được vị trí thuận lợi nếu phải đối đầu với những chiếc F-35 có vận tốc tối đa chỉ Mach 1,6.
Được biết động cơ của tiêm kích thế hệ mới do Nga chế tạo tích hợp sẵn vector lực đẩy có điều khiển, điều này khiến cho máy bay có khả năng siêu cơ động và mang lại lợi thế cực lớn trong không chiến tầm gần.
Cho đến nay, nhiều máy bay Nga có thể tự hào về cấu hình này, bao gồm Su-30SM, Su-35, Su-57, bên cạnh đó là J-10C của Trung Quốc và một phần là F-22 Raptor của Mỹ, trang bị vòi phun có thể quay theo mặt phẳng thẳng đứng và ngang.
Lợi thế thứ tư là khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn, giống như tất cả các máy bay chiến đấu tiền tuyến của Nga được thiết kế để sử dụng trong chiến trường mở, Checkmate chắc chắn được thiết kế để triển khai từ sân bay dã chiến với đường băng ngắn.
Các đối thủ phương Tây bị cho là "không biết cách" làm điều này, trong khi đó việc cất cánh và hạ cánh trong thời gian ngắn không chỉ là tiềm năng của tiêm kích hạm, mà còn là một lợi thế quan trọng trong chiến tranh trên bộ.
Cuối cùng là chi phí vận hành thấp, máy bay chiến đấu một động cơ được đánh giá cao vì yêu cầu người sử dụng phải bỏ ra số tiền tương đối thấp trong cả công tác mua sắm lẫn đảm bảo sức chiến đấu.
Tiêm kích Su-75 Checkmate sẽ ít tốn công sức bảo dưỡng hơn nhiều so với người tiền nhiệm nặng ký của nó là Su-57 Felon, đặc biệt phù hợp với những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn hẹp.
Ngoài ra, sự tương đồng trong thiết kế của Su-57 và Su-75 sẽ là điểm hấp dẫn tiếp theo đối với các quốc gia chuẩn bị mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga.
Giá rẻ và dễ bảo trì có thể là chìa khóa thực sự dẫn đến thành công của Su-75 Checkmate - như những gì các nhà thiết kế từng thu được đối với MiG-21 và F-16.
Việt Dũng