Báo Mỹ: Ukraine gặp mối lo mới khi đứng về phía Israel
Sự hỗ trợ ngay lập tức và mạnh mẽ của Ukraine dành cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas đã ảnh hưởng đến những nỗ lực phối hợp của Kyiv nhằm giành được sự ủng hộ của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo trong xung đột với Nga.
Những tuyên bố ban đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky ủng hộ Israel sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng, đã giúp Ukraine được quốc tế chú ý và đặt nước này đứng hoàn toàn về phía Mỹ.
Tuy nhiên, với hoạt động quân sự của Israel chuẩn bị bước sang tuần thứ tư và thương vong dân sự Palestine ngày càng gia tăng, cuộc chiến ở Gaza đang đặt ra một trong những thử thách ngoại giao khó khăn nhất đối với Kyiv.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi và Qatar - các quốc gia đã đóng góp hỗ trợ cho Kyiv - cáo buộc phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép ở Gaza so với tình hình ở Ukraine.
Theo Washington Post, một số chuyên gia lưu ý rằng Israel đã khẳng định rõ rằng họ sẽ không đáp lại sự ủng hộ của Ukraine trong cuộc chiến với Hamas bằng việc hỗ trợ nhiều hơn cho Kyiv.
Randa Slim, chuyên gia xây dựng hòa bình tại Viện Trung Đông, cho biết Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ với Moscow, một phần vì sự ảnh hưởng của Nga tại Syria. Israel thậm chí đã từ chối lời đề nghị đến thăm của Tổng thống Zelensky sau khi Hamas tấn công.
Bà Slim cho rằng nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Israel và Nga hơn là giữa Israel và Ukraine.
“Khu vực Ả Rập đang so sánh Nga và Israel nhiều hơn”, bà nói và nhấn mạnh Ukraine chưa sẵn sàng chỉ trích những gì Israel đang làm ở Gaza.
Tờ Washington Post nhận định Tổng thống Zelensky đã tránh lên án trực tiếp các cuộc tấn công của Israel, bất chấp cái chết của hàng nghìn thường dân Palestine và ít nhất 21 công dân Ukraine ở Gaza thiệt mạng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, những nước đóng vai trò quan trọng trong đàm phán giữa Ukraine và Nga về các vấn đề như trao đổi tù binh chiến tranh và việc Nga phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đã đưa ra một tuyên bố chung cáo buộc phương Tây “tiêu chuẩn kép”.
Kristian Ulrichsen, một thành viên tại Đại học Rice (Mỹ) nghiên cứu về quan hệ Ukraine-Ả Rập, cho biết Kyiv chưa có được tiếng nói có trọng lượng trong khu vực Ả Rập.
“Đó là một cuộc xung đột không liên quan đến họ. Cuộc chiến Israel-Hamas đang là mối quan tâm hàng đầu đến mức tôi không nghĩ có ai ở Trung Đông thực sự nghĩ đến Ukraine lúc này”, bà nói.
Cuối tuần này, Ukraine dự kiến tổ chức vòng đàm phán thứ ba ở Malta nhằm thúc đẩy sự ủng hộ toàn cầu cho “kế hoạch hòa bình” của mình - kêu gọi Nga rút khỏi lãnh thổ và khôi phục hoàn toàn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Hiện chưa rõ, Ả Rập Saudi có tham dự sự kiện cuối tuần này hay không.
Trước đó vào tháng 8, hơn 30 quốc gia, trong đó có Trung Quốc họp tại Jeddah (Ả Rập Saudi) để thảo luận về kế hoạch hòa bình cho Ukraine, căn cứ vào đề xuất 10 điểm của Kyiv để chấm dứt chiến tranh.
Tổng thống Ukraine Zelensky đầu tuần này đã điện đàm với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, Riyadh chưa đưa ra tuyên bố liên quan đến hội nghị Malta hoặc hỗ trợ thêm cho Ukraine.
Hãng tin Bloomberg cũng cho biết, Trung Quốc sẽ không tham dự sự kiện ở Malta. Còn Thổ Nhĩ Kỳ dự định cử một phái đoàn tham gia.
Với việc Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công ở mặt trận phía đông, các chuyên gia cho rằng Ukraine không nên để tuột mất bất kỳ mối quan hệ quan trọng nào.
Tại Mỹ, các thành viên đảng Cộng hòa ngày càng phản đối việc gửi thêm viện trợ cho Ukraine. Tổng thống Biden đã đề xuất hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Trong một bài phát biểu gần đây, ông đã liên kết viện trợ Ukraine gắn với Israel.
Tuy nhiên, Mike Johnson, vị chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ, đã nhiều lần bỏ phiếu chống lại việc tài trợ thêm cho Kyiv. Trả lời phỏng vấn Fox News, Johnson tiết lộ ông có ý định tách nguồn viện trợ Kyiv khỏi khoản ngân sách dành cho Israel.
Johnson khẳng định Washington sẽ không bỏ rơi Ukraine song hoài nghi về mục tiêu cuối cùng của Nhà Trắng.
Tại châu Âu, Viktor Orban, Thủ tướng Hungary - quốc gia thành viên của cả EU và NATO - đang cố gắng bác bỏ đề xuất viện trợ 50 tỷ euro từ Liên minh châu Âu cho Ukraine.
Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine, bày tỏ lạc quan rằng chính quyền ông Zelensky sẽ đưa ra kế hoạch hợp lý nhằm tăng cường hỗ trợ quốc tế cho Ukraine và duy trì sự chú ý đến cuộc chiến trong ngắn hạn và trung hạn.
Ukraine cũng được cho là đang chuẩn bị cho kịch bản giảm dần sự hỗ trợ của Mỹ, theo Orysia Lutsevych, giám đốc chương trình Ukraine tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh).
“Kế hoạch B của Ukraine là tránh xa các hoạt động chính trị bên ngoài càng nhiều càng tốt. Họ đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với các công ty vũ khí của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí Anh và Mỹ.
Nếu Washington hoàn toàn từ bỏ Ukraine thì tình hình sẽ rất khó khăn, nhưng Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu bằng nguồn lực tự mình có được và từ các đồng minh châu Âu”, Lutsevych cho hay.