'Bão ra hồn bão': Lời bay theo gió không gì đuổi theo
'Bão ra hồn bão'. Chắc mọi người sẽ nghĩ ngay tới phát ngôn gây xôn xao dư luận mấy ngày qua của một biên tập viên tham gia chương trình Dự báo thời tiết trên VTV.
Đây là toàn văn diễn ngôn mà cô biên tập viên nọ đăng trên tài khoản facebook của mình (giữ nguyên cách viết, chính tả):
“24h không ngủ
1 đêm thức trắng
1 tiếng 1 bản tin trực tiếp
Lâu lắm mới được đón một con bão ra hồn bão”
Câu cuối cùng (Lâu lắm mới được đón một con bão ra hồn bão) chính là “tác nhân” gây ra phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Bởi “cứ theo ý tứ mà suy” thì rõ ràng, việc mọi người lên án cô “vô cảm”, “thiếu trách nhiệm” là có cơ sở.
Trong hoàn cảnh cả nước và đồng bào miền Trung đang gồng mình chống bão, mong sao bão lớn không về gây thiệt hại cho mọi người thì “người của công chúng” này lại thích thú với một cơn bão lớn mà đã lâu, bây giờ cô mới có dịp tác nghiệp. Tôi không có ý định tham gia bình luận thêm về vấn đề này, mà theo tôi, cô biên tập viên nọ trong lúc hưng phấn đã đưa ra một phát ngôn “vụng về”, làm lệch ngữ nghĩa cần diễn đạt. Trong bài này, tôi chỉ bàn về cấu trúc “A ra hồn A” được dùng ở đây.
Đây là một cấu trúc rất ít xuất hiện trong tiếng Việt (kiểu “sách ra hồn sách”, “nhà ra hồn nhà”, “bài thơ ra hồn bài thơ”,…). Tiếng Việt trong giao tiếp khẩu ngữ, chỉ có tổ hợp “ra hồn” dùng phổ biến với nghĩa “có đủ những giá trị cần có để có thể gọi là được như vậy”. (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Ta thường nghe nói: “Mang danh nhà thơ mà chẳng có bài nào ra hồn”; “Thử hỏi từ ngày vào Công ty, anh có làm được việc nào ra hồn không?”; “Con gái được coi là gia giáo gì mà làm một bữa cơm đãi khách không ra hồn”, v.v…
“Hồn” ở đây được hiểu là “những gì làm nên cái cốt cách, tinh thần của một sự vật hay hiện tượng nào đó”. Một bài thơ vô hồn không thể gọi là thơ. Một bức tượng vô hồn chỉ là một mớ chất liệu chả diễn tả được ý tưởng nghệ thuật điêu khắc gì. Một bài phát biểu vô hồn chỉ là một chuỗi phát ngôn hỗn độn… (Ở mức độ thấp hơn, nhưng chấp nhận được, tiếng Việt còn có tổ hợp “sạch nước cản”).
Trở lại câu nói trên của cô biên tập viên nọ. Có lẽ cô chỉ muốn đưa ra một nhận định: “Cơn bão này thật lớn, đúng là một cơn bão thực sự (chứ không như những cơn bão khác mà mình được chứng kiến)”. Cô đã chọn một cách nói (như đã nói, vụng, tùy hứng, thiếu kỹ năng diễn đạt) dẫn đến chuyện người nghe không chấp nhận.
Bởi vì, nếu “cô lập”, phân tích riêng biệt câu cuối này thì ngữ đoạn “bão ra hồn bão” đã trở thành “tai nạn phát ngôn” báo hại cô. Dù cô có giải thích, thanh minh đến mấy thì người ta vẫn cứ “án tại hồ sơ” mà bắt lỗi. Thế mới hay, ngôn từ của mỗi người, nhất là “người của công chúng” quả là hết sức hệ trọng.
Cô biên tập viên sau đó đã thể hiện một thái độ cầu thị chân thành. Không ít người tỏ ra thông cảm và chia sẻ. Nhưng dù sao, chuyện cũng đã rồi. Âu cũng là bài học cho nhiều người xét từ góc độ dụng ngôn:
Nhất ngôn tứ mã nan truy
Lời bay theo gió không gì đuổi theo.
PGS-TS. Phạm Văn Tình
(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)