Bao sái bát hương cuối năm phải nắm những điều này để không phạm

Bao sái bát hương hay tỉa chân hương, rút chân nhang và dọn dẹp bàn thờ là những việc quan trọng cuối năm để cầu mong may mắn, bình an cho một năm mới.

Bao sái bát hương là gì?

Bao sái bát hương là một nghi lễ đặc biệt quan trọng được diễn ra vào dịp cuối năm Âm lịch của người Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản thì bao sái bát hương chính là công việc vệ sinh bàn thờ, lau chùi bát hương, tỉa chân nhang và thay thế phần tro trong bát nhang.

Cách bao sái bàn thờ cuối năm đúng cách

Lễ vật cần chuẩn bị để bao sái bát hương

1 đĩa xôi

1 miếng thịt luộc

1 đĩa hoa trái theo mùa

1 ấm trà và bộ 5 chén nhỏ

3 chén rượu nhỏ

1 chén nước sôi để nguội

3 lễ tiền vàng

2 lọ hoa tươi

Chi tiết cách bao sái bàn thờ

Bước 1: Bạn chuẩn bị lễ cúng đầy đủ, sau đó đọc bài khấn bao sái bát hương và đợi cho hương tàn thì bắt đầu thực hiện lau dọn, vệ sinh ban thờ.

Bước 2: Bạn hạ các đồ vật muốn lau dọn xuống. Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không được hạ hoặc di chuyển bát hương bạn nhé. Lý do là bởi theo quan niệm dân gian, nếu bát hương bị di chuyển sang hướng xấu có thể gây ra xui xẻo, những điều không may cho gia chủ.

Bước 3: Bạn chuẩn bị 1 chiếc bàn rồi phủ vải hoặc giấy đỏ và đặt đồ thờ cúng (bài vị, di ảnh, bình hoa, chén nước...) xuống.

Lưu ý: Nếu ban thờ nhà bạn có bài vị gia tiên và bài vị các thần đặt chung thì phải để ra hai chỗ khác nhau.

Bước 4: Bạn dùng một chiếc khăn sạch, ẩm hoặc sử dụng nước ngũ vị hương có pha rượu gừng để lau toàn bộ đồ thờ cúng.

Bước 5: Bạn dùng một chiếc khăn sạch khác để lau khô toàn bộ đồ thờ cúng.

Bước 6: Sau khi lau bài vị xong, bạn tiến hành rút tỉa chân nhang và dọn bát hương. Theo quan niệm dân gian, bạn nên dùng một chiếc thìa nhỏ và xúc từng thìa tro trong bát nhang đổ ra ngoài. Sau đó, bạn mới tiến hành lau sạch bát hương. Bạn cần lưu ý là không nên nhấc bát hương lên để đổ hết tro ra ngoài bởi làm như vậy có thể dẫn tới tình trạng "tán tài".

Lưu ý: Khi tỉa chân hương, bạn cần lấy một tay giữ bát hương, một tay dọn dẹp và rút chân nhang. Nếu trạch chủ là nam thì nên giữ lại 7, 17, 27, 37 chân nhang, không được giữ lại 47 chân nhang vì đó là số tử thần. Còn nếu trạch chủ là nữ hoặc gia đình mẹ góa con côi… thì nên giữ lại 9, 19, 29, 39 chân nhang, không được giữ lại 49 chân nhang.

Bước 7: Cuối cùng, bạn đặt lại đồ thờ cúng đúng vị trí, đồng thời thay nước, thay chum gạo muối (nếu có), quét dọn ban thờ rồi khấn xin thỉnh các ngài về và báo cáo đã xong việc lau dọn ban thờ.

Bài khấn xin phép bao sái lau dọn bàn thờ

Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Tín chủ tên là:

Cư ngụ tại địa chỉ:

Hôm nay ngày... tháng... năm... xét thấy bản thân mình chưa chu toàn nên để hương án bị bụi, bị rác, xin thành tâm sám hối.

Tín chủ xin kính cáo với các chư vị (tùy theo bàn thờ đó thờ thần linh, hộ pháp, hay gia tiên…), chọn được ngày lành tháng tốt hôm nay xin cho phép tín chủ được sái tịnh để cho bàn thờ được trang nghiêm thanh tịnh, kính mong các chư vị chứng minh và gia hộ.

Mong các vị độ cho con lau dọn được khang trang mỹ hảo, cho hương án được an chính vị, cho âm phần được an yên, cho gia cư được lạc thổ.

Chúng con người trần mắt thịt, tội lỗi đầy thân, chỉ biết kính cẩn tâm thành nếu có gì si mê lầm lỡ kính xin được tha thứ bỏ quá đại xá cho.

(Xong vái 3 vái).

Theo Khoevadep

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/bao-sai-bat-huong-cuoi-nam-phai-nam-nhung-dieu-nay-de-khong-pham-1492787.html