'Bảo tàng cầu đường' thế giới ở Trung Quốc

Tỉnh Quý Châu ở phía Tây Nam Trung Quốc là nơi có địa hình đồi núi hiểm trở. Để xây cây cầu đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, nhưng Quý Châu vẫn quyết đổ tiền vào hạ tầng giao thông, trở thành 'bảo tàng cầu đường' của thế giới.

Mảnh đất của những cây cầu

Theo số liệu của Ủy ban Giao thông vận tải Quý Châu, tỉnh này hiện sở hữu 49 trong số 100 cây cầu cao nhất thế giới. Do số lượng cầu lớn, nhiều loại cầu khác nhau và công nghệ phức tạp sử dụng trong quá trình xây dựng, tỉnh này được mệnh danh là "bảo tàng cầu thế giới".

Cầu Bắc Bàn Giang được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận là cây cầu cao nhất thế giới.

Cầu Bắc Bàn Giang được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận là cây cầu cao nhất thế giới.

Một trong những cây cầu nổi nhất là cầu Bắc Bàn Giang, cao hơn 565m so với mực nước sông Bắc Bàn Giang hay còn gọi là Ni Châu ở Quý Châu, đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận là cây cầu cao nhất thế giới. Công trình dài 1.341m, khánh thành vào tháng 12/2016.

Đến cuối năm 2021, Quý Châu có 29.660 cầu, bao gồm cả cầu đang hoạt động và đang được xây dựng. Trong số đó, có 15.572 cây cầu được xây dựng để kết nối với đường cao tốc.

Ông Wang Chao, Giám đốc dự án tại China Communications Construction nhớ lại: "Quá trình xây dựng cầu Bắc Bàn chịu ảnh hưởng vì gió mạnh và đòi hỏi độ chính xác cao nên việc vận chuyển vật liệu đến hẻm núi rất khó khăn. Thông thường, chúng tôi lắp ráp trước và vận chuyển các đoạn đã lắp ráp đến nhưng trong dự án này, chúng tôi đã làm ngược lại bằng cách vận chuyển các bộ phận đến và lắp ráp tại chỗ".

Song kỷ lục này sẽ sớm bị vượt mặt bởi chính công trình được xây dựng tại Quý Châu. Nằm ở độ cao 625m so với mặt nước, cây cầu Hoa Giang dự kiến trở thành cây cầu cao nhất thế giới khi hoàn thành vào năm 2025, giúp rút ngắn thời gian di chuyển qua hẻm núi từ khoảng 1 giờ xuống còn 1 phút.

Ông Wu Chaoming, Giám đốc quản lý dự án xây dựng cho hay, vì địa hình nhiều hẻm núi sâu, dốc nên nhóm thực hiện dự án không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thiết kế một cây cầu cao như vậy.

Theo ông Liang Xianghua, kỹ sư trưởng của Ủy ban Giao thông Quý Châu, những ngày đầu, kết cấu cầu và đường hầm chiếm trung bình hơn 45% trên các tuyến đường cao tốc của Quý Châu. Nhưng thời gian gần đây, nhiều tuyến đường cao tốc được xây dựng với nhiều cầu và đường hầm hơn nữa.

Đơn cử, ở tuyến cao tốc nối Jianhe và Rongjiang khánh thành năm 2020, có hơn 77% kết cấu trên tuyến là cầu và đường hầm. Chi phí xây dựng tuyến đường này là 19,2 tỷ nhân dân tệ (2,79 tỷ đô la), gấp khoảng hai lần chi phí xây dựng cao tốc trên đường bằng phẳng.

Hút khách du lịch

Mới đây nhất, Quý Châu vừa khánh thành một cây cầu mang tên Dafaqu, dài 1.427m, bắc qua thung lũng sâu ở vùng núi phía Bắc của tỉnh. Cầu cao hơn 280m so với đáy thung lũng, tương đương với chiều cao của một tòa nhà 100 tầng.

Toàn cảnh cây cầu Dafaqu dài 1.427m.

Toàn cảnh cây cầu Dafaqu dài 1.427m.

Với kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông, cây cầu là dự án quan trọng trên đường cao tốc nối thành phố Tuân Nghĩa và Nhân Hoài của Quý Châu.

Tuyến cao tốc này dài 52,4km, 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h do Công ty Phát triển đường bộ Quý Châu xây dựng với khoản đầu tư 12,8 tỷ nhân dân tệ, mất 4 năm thi công.

"Tuyến cao tốc này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của trung tâm Quý Châu và thúc đẩy sự kết nối giữa phía Bắc của tỉnh và khu vực Tứ Xuyên - Trùng Khánh", ông Xu Yinglu, Giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Quý Châu cho biết.

Nhờ tuyến đường này, thời gian di chuyển 52,4km giữa Tuân Nghĩa và Nhân Hoài từ 90 phút xuống còn khoảng 30 phút.

Vòm chính của cầu dài 410m được sơn màu đỏ, tạo nên cảnh tượng tráng lệ, nổi bật trên nền khung cảnh núi non hùng vĩ và thung lũng hun hút, hấp dẫn đông đảo du khách đến ngắm cảnh.

Mở không gian phát triển mới

Do cầu Dafaqu nằm trên địa hình phức tạp, vách đá dựng đứng nên việc xây dựng cây cầu đặt ra nhiều thách thức với các kỹ sư và công nhân xây dựng. Tuy nhiên, những khó khăn này không làm suy giảm quyết tâm xây dựng cầu bởi đây là lựa chọn quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh này.

Cây cầu Hoa Giang được xây dựng trên hẻm núi lớn, bắc qua sông cùng tên, nổi tiếng với những vách đá dựng đứng và dòng nước chảy xiết.

Cây cầu Hoa Giang được xây dựng trên hẻm núi lớn, bắc qua sông cùng tên, nổi tiếng với những vách đá dựng đứng và dòng nước chảy xiết.

Cây cầu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng và ngôi làng bên cạnh (hiện đổi tên thành Tuanjie) là nơi tốt nhất để ngắm nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp của công trình. Kể từ khi khánh thành vào tháng 12, cầu Dafaqu đã trở thành tâm điểm trên Instagram, thu hút rất đông khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ, tết Nguyên đán vào tháng 1/2024.

Với người dân địa phương, để xây dựng một cây cầu tại khu vực vùng sâu vùng xa không dễ dàng nhưng khi vượt qua khó khăn, cây cầu này đã mang đến hạnh phúc, thịnh vượng, mở ra không gian phát triển mới.

Anh Cao Lihong đến từ thành phố Tuân Nghĩa chia sẻ đã cùng gia đình đến thăm ngôi làng trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm 2024.

"Nếu trước đây đi lại mất khoảng 2 giờ thì nay khi có đường cao tốc, chỉ mất khoảng 20 phút. Thật thú vị khi được nghỉ ngơi ở vùng nông thôn và thưởng thức ẩm thực cùng nhịp sống nhàn nhã", theo anh Cao.

Ông Vương Triều Hải, trưởng làng Tuanjie chia sẻ: "Ngày càng có nhiều người đến làng và hoạt động kinh doanh bùng nổ. Dân làng muốn tận dụng tối đa tuyến giao thông thuận tiện để bán gạo chất lượng cao và nhiều mặt hàng nông sản khác".

Còn ông Đường Hiểu Tùng, người dân trong làng Tuân Nghĩa xúc động nói: "Chúng tôi từng không có nước, không có điện, không có đường và chúng tôi không thể bán nông sản ra bên ngoài. Dân làng phải đi bộ đến thị trấn mua phân bón để trồng trọt. Bây giờ, chúng tôi không chỉ có nước và điện mà còn có thể tiếp cận đường cao tốc".

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bao-tang-cau-duong-the-gioi-o-trung-quoc-192250125161451188.htm