Bảo tàng – cầu nối di sản văn hóa tại TP.HCM
Không chỉ các bảo tàng công lập, hệ thống bảo tàng tư nhân tại TP.HCM cũng đang góp phần quan trọng vào việc lưu giữ văn hóa và lịch sử dân tộc.
Đẩy mạnh truyền thông
TP.HCM có 17 bảo tàng, trong đó 6 bảo tàng tư nhân. Mỗi bảo tàng trưng bày, lưu giữ các chủ đề phong phú như lịch sử, mỹ thuật, chiến tranh, áo dài, phụ nữ...
Chính vì trải dài nhiều lĩnh vực nên mỗi bảo tàng đều nỗ lực phát huy thế mạnh riêng để thu hút khách tham quan và đưa giá trị hiện vật đến gần hơn với công chúng.
Lê Thị Hạ, sinh viên năm nhất Trường ĐH Hùng Vương, đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết, đây là lần đầu Hạ đi bảo tàng tại Thành phố. Trước đó Hạ có xem trên mạng xã hội và nghe thông tin qua bạn bè.
“Em thấy bảo tàng trưng bày theo từng giai đoạn lịch sử, càng về sau các chi tiết càng tinh xảo, rõ nét hơn. Khi tham quan thực tế, em thấy không gian rộng và đẹp hơn", Hạ nói thêm.

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM

Hiện vật gốm Thái Lan, thế kỷ 15, được tìm thấy trong con tàu đắm tại Hòn Đầm (Kiên Giang)
Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biêt, nơi đây hiện lưu giữ khoảng 44.000 hiện vật từ thời tiền sử đến triều Nguyễn, cùng nhiều hiện vật văn hóa của các dân tộc phía Nam và một số quốc gia châu Á. Ngoài ứng dụng công nghệ để quản lý hiện vật, Bảo tàng còn đẩy mạnh công nghệ trong hoạt động trưng bày như lắp đặt màn hình cảm ứng, mã QR tại các khu trưng bày để khách tham quan có thể tìm hiểu chi tiết.
Sắp tới, Bảo tàng sẽ triển khai hệ thống thuyết minh tự động song ngữ (Việt - Anh) để giới thiệu 18 phòng trưng bày hiện có.
Theo bà Thi, công tác truyền thông được bảo tàng chú trọng, đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội nhằm tiếp cận giới trẻ.
“Năm trước, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập, Bảo tàng ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, được công chúng, đặc biệt là giới trẻ đã đón nhận tích cực, có thời điểm đạt hơn 2 triệu lượt tiếp cận/tháng. Cùng với các hoạt động trưng bày trực tuyến thì đây cũng là cách truyền thông hiệu quả", bà Thi nói.

Khách tham quan có thể đọc toàn bộ chi tiết thông tin về các hiện vật, giai đoạn lịch sử bằng màn hình được trang bị sẵn trong bảo tàng
Tương tự, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đang lưu giữ khoảng 30.000 hiện vật gắn với các chủ đề gồm: Truyền thống phụ nữ miền Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản, Bác Hồ với phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Nam với Bác Hồ, Sự hình thành và phát triển của các tổ chức phụ nữ Việt Nam; phụ nữ miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, phụ nữ miền Nam trong chính trị, quân đội, đối ngoại.
Bảo tàng cũng phối hợp với các đơn vị lữ hành, trường học để đưa khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử.
Mở cánh cửa cho bảo tàng tư nhân
Hệ thống bảo tàng tư nhân tại TP.HCM đang góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Dù là tư nhân, nhưng một số bảo tàng còn sở hữu nhiều hiện vật quý hiếm, độc đáo.
Tiêu biểu có thể kể đến như Bảo tàng Áo dài Việt Nam, Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam, Bảo tàng Đỗ Hùng (Quận 1), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn,...
Trong đó, Bảo tàng Áo dài do nhà thiết kế Sĩ Hoàng sáng lập, là một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP.HCM, trưng bày áo dài từ lúc hình thành đến hiện đại. Dù trải qua nhiều khó khăn, bảo tàng này đến nay vẫn tiếp tục phát triển bằng cách kết hợp với hoạt động du lịch.

Khách tham quan tại Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn

Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam, 1 trong những bảo tàng tư nhân
TP.HCM cũng mới có thêm hai bảo tàng tư nhân thuộc hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng là Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn.
Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam với hàng ngàn bộ trang sức cổ, trang phục truyền thống của các dân tộc, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng và phong tục từ hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ 20.
Còn Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày nhiều cổ vật quý thuộc về 13 đời vua triều Nguyễn, từ đồ dùng thường nhật đến trang phục, vật dụng triều chính,... Với hơn 30 năm nghiên cứu, sưu tập, ông Đỗ Hùng - người sáng lập cho biết, mỗi cổ vật ở đây đều mang theo giá trị lịch sử, nghệ thuật và những câu chuyện đặc biệt.
Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, hệ thống bảo tàng tại TP.HCM hoạt động thực sự sôi nổi so với cả nước. Bà lấy ví dụ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những bảo tàng có lượng khách tham quan đông đảo và hiệu quả, khi nói đến tội ác chiến tranh, di chứng để lại, chắc chắn bảo tàng này được rất nhiều công chúng quan tâm không chỉ với khách trong nước mà cả khách nước ngoài. Hay Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM cũng là điểm đến đặc biệt không thể thiếu đối với du khách khi đến thành phố mang tên Bác.
Bên cạnh đó, những bảo tàng ngoài công lập như Bảo tàng Áo dài hay Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nơi ghi dấu một giai đoạn đặc biệt của lực lượng chiến tranh cách mạng đều có những đóng góp quan trọng và mang sứ mệnh của riêng mình.
“Tuy có bảo tàng hoạt động thuận lợi, có bảo tàng còn gặp khó khăn, nhưng nhìn chung, cả hệ thống bảo tàng công lập và tư nhân ở TP.HCM đều có những đóng góp đáng kể cho việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa", bà Lê Tú Cẩm nói.
Dù đóng góp quan trọng vào việc lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc, tuy nhiên các bảo tàng tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển lâu dài. Ngoài chính sách hỗ trợ từ nhà nước, ưu đãi về thuế, rất cần nguồn nhân lực phù hợp để các bảo tàng này có thể phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/bao-tang-cau-noi-di-san-van-hoa-tai-tphcm-post1199668.vov