Bảo tàng Hải Phòng: Nơi lưu giữ ký ức biển, đảo và lịch sử hàng hải Việt Nam

Bảo tàng Hải Phòng gây ấn tượng mạnh với du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên nhờ vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc độc đáo. Đây là tòa nhà do người Pháp xây dựng từ năm 1919, mang phong cách kiến trúc Gothic điển hình. Không chỉ là một công trình mang giá trị lịch sử và nghệ thuật, bảo tàng còn là nơi lưu giữ kho tư liệu quý giá với hơn 22.000 hiện vật, hơn 11.400 hình ảnh, 3.285 tài liệu văn bản gốc và hơn 720 đầu sách. Trong số đó, nổi bật là hai không gian trưng bày chuyên đề về văn hóa biển, đảo, kinh tế biển và chủ quyền quốc gia - một 'tài nguyên tinh thần' quý giá, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân tại thành phố hoa phượng đỏ.

Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh chia sẻ tư liệu về Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh chia sẻ tư liệu về Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương

Hai gian trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan là khu tư liệu, hình ảnh về Hoàng Sa - Trường Sa và khu trưng bày về Hải Phòng thời Pháp thuộc. Khi bước vào đây, du khách dễ dàng hình dung về một thời kỳ hình thành và phát triển đầu tiên của thành phố. Trong đoạn hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trong chuyến công cán đến Hải Phòng năm 1897, ông đã mô tả hình ảnh một đô thị đang khởi sắc với hơi thở công nghiệp hiện đại: “Một pháo hạm biển có bánh lái là Alouette, hai pháo hạm sông Avalanche và Jacquin, có hai xưởng đóng tàu đã bắt đầu hạ thủy những con tàu hơi nước...”. Đây là những dấu mốc cho thấy, từ hơn 120 năm trước, Hải Phòng đã manh nha trở thành trung tâm hàng hải quan trọng, mở đầu cho sự phát triển ngành công nghiệp tàu thủy tại Việt Nam.

Bức tranh kinh tế biển của Hải Phòng không tách rời với đời sống văn hóa bản địa. Tầng hai của bảo tàng trưng bày 3 chiếc chum lớn để mô phỏng nghề làm nước mắm truyền thống ở vùng Cát Hải - nơi nổi tiếng với thương hiệu nước mắm Vạn Vân lừng danh thời Pháp thuộc. Người xưa từng truyền tụng: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Nước mắm Vạn Vân chính là tiền thân của nước mắm Cát Hải ngày nay, từng vang danh khắp Đông Dương.

Tại gian trưng bày hình ảnh Nam Hải Đại thần vương ở đảo Hòn Dáu, nhiều người ban đầu có thể nhầm lẫn với thần Nam Hải Đại tướng quân - tức cá Ông, vị thần được ngư dân miền biển khắp cả nước thờ phụng. Tuy nhiên, theo các tư liệu lịch sử, Nam Hải Đại thần vương là một danh tướng dưới trướng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Tương truyền, sau khi mất, ông hiển linh tại Hòn Dáu, che chở và độ trì cho ngư dân ra khơi đánh bắt. Đi qua nhiều tỉnh, thành phố ven biển và dễ nhận ra, nghề biển nơi nào càng gian nan thì sự tín ngưỡng dân gian lại càng sâu xa, trở thành chỗ dựa về mặt tinh thần giúp ngư dân an tâm bám biển.

Một trong những hiện vật giá trị được bảo tàng lưu giữ là bức ảnh chụp lễ hạ thủy tàu Bình Chuẩn ngày 7/9/1919 tại cửa sông Cấm - sự kiện gắn liền với tên tuổi doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932), người được mệnh danh là “Vua tàu thủy” của Việt Nam. Ông từng thuê 3 chiếc tàu của người Pháp để mở tuyến đường biển Nam Định, Hà Nội và Nghệ An. Việc hạ thủy chiếc tàu Bình Chuẩn vào thời đó đã tạo cho ông tiếng vang lớn, vì chiếc tàu này do người Việt Nam thiết kế và thi công.

Bảo tàng Hải Phòng còn trưng bày nhiều hình ảnh về các con tàu hiện đại do Việt Nam thiết kế và đóng mới. Đáng chú ý là tàu chở dầu, hóa chất trọng tải 13.000 tấn, hạ thủy năm 2023, do Công ty đóng tàu Phà Rừng thực hiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc Yentec. Cùng với đó là tàu Trường Minh Dream 01 - tàu chở hàng có trọng tải lên đến 65.000 tấn - cũng do Hải Phòng đóng theo đơn đặt hàng từ Hàn Quốc. Qua đó cho thấy, ngành công nghiệp đóng tàu của Hải Phòng đã có lịch sử phát triển gần 130 năm, đóng vai trò chủ lực trong ngành kinh tế biển của đất nước. Trong dòng chảy phát triển đó, luôn thấp thoáng hình ảnh những người lính Biên phòng ở các đảo, làng chài, cảng biển.

Điều khá thú vị với khách tham quan là Bảo tàng Hải Phòng dành hẳn một không gian rộng để trưng bày hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa. Gian phòng này giống như một phần thu nhỏ của Nhà trưng bày Hoàng Sa ở thành phố Đà Nẵng. Dọc theo gian phòng này là các tảng san hô được Quân chủng Hải quân mang về từ 21 đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa. Bên cạnh những tảng san hô này là các tờ châu bản Hán Nôm của triều đình nhà Nguyễn được phóng khổ lớn, nội dung thông tin về lịch sử, khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, nhân viên bảo tàng chia sẻ: “Những tờ châu bản luôn thu hút sự chú ý của các chiến sĩ Hải quân, BĐBP, học sinh và người dân. Chẳng hạn, tờ châu bản ngày 13/7/1835 ghi: "Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng”.

Trong khi phần lớn hình ảnh về Trường Sa được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân (quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), thì Bảo tàng Hải Phòng tập trung giới thiệu tư liệu lịch sử về Hoàng Sa thời Pháp thuộc, trong đó nổi bật là hình ảnh ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1899 theo chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Các tư liệu cũng ghi rõ, ngày 12/10/1937, một đoàn công tác của Pháp bao gồm tàu Marne, thủy phi cơ và các chuyên gia hàng hải đã rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa để lắp đặt hệ thống đèn biển. Đây là dấu mốc khẳng định sự hiện diện và quản lý hành chính rõ ràng của chính quyền Đông Dương tại quần đảo này, nối tiếp hành trình khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-tang-hai-phong-noi-luu-giu-ky-uc-bien-dao-va-lich-su-hang-hai-viet-nam-post488929.html