'Bảo tàng nước' lớn nhất Đông Nam Á không còn bình yên - Bài 3: Bảo vệ nguồn lợi, nguồn sinh kế

Bảo vệ an toàn, sinh sôi cho nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học cũng chính là bảo vệ 'bầu sữa' cho ngư dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

 Thuyền ngư dân sau một ngày khai thác

Thuyền ngư dân sau một ngày khai thác

Tăng năng lực tuần tra, kiểm soát

Nhiều năm “chinh chiến” với "ngư tặc" trên vùng đầm phá Tam Giang, ông Đặng Quý Sinh, Chủ tịch Hội Nghề cá Thủy An, xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) trao đổi, sự manh động, hành nghề trái phép có tổ chức của ngư tặc trên đầm phá đặt ra yêu cầu phải nâng cao năng lực đối với lực lượng tuần tra, kiểm soát, truy bắt các đối tượng vi phạm.

Mong mỏi của Hội Nghề cá Thủy An cũng như các địa phương ven đầm phá phải được trang bị phương tiện đò, thuyền công suất lớn, thậm chí ca nô đảm bảo khả năng truy bắt các đối tượng khai thác thủy sản trái phép. Hoạt động tuần tra, giám sát trên đầm phá không chỉ dừng lại mỗi tháng một vài chuyến mà tăng tần suất này lên thường xuyên hơn. Khi phát hiện ngư tặc lộng hành phải có sự phối hợp, vào cuộc của các ban ngành, cộng đồng ngư dân, huy động càng nhiều thuyền công suất lớn thì việc truy bắt càng hiệu quả.

Để làm được điều này cần phải hỗ trợ nhiên liệu từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Ông Sinh đề xuất, nguồn kinh phí thu từ xử phạt hành chính từ các vụ vi phạm khai thác thủy sản trái phép cần được trích một phần cho các chi hội nghề cá, ngư dân tham gia tuần tra, truy bắt các đối tượng.

 Đánh bắt thủy sản trên đầm phá

Đánh bắt thủy sản trên đầm phá

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo chia sẻ, để bảo vệ hiệu quả NLTS, ngăn chặn "ngư tặc" trên đầm phá, chính quyền địa phương tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Sau đó mời các đối tượng này đến để tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ NLTS chính là bảo vệ nguồn sống của chính mình, kết hợp phổ biến các quy định xử phạt hành chính và cam kết không vi phạm về khai thác thủy sản trái phép.

Sau khi tuyên truyền, vận động nhiều ngư dân đã giảm bớt nghề lừ, đặc biệt là lừ mắt lưới nhỏ trái phép. Từ 30 ngàn bộ lừ trước đây, đến nay tại địa phương chỉ còn hơn 20 ngàn lừ, hầu hết hoạt động đúng quy định. Riêng nghề nò sáo được sắp xếp, ổn định theo quy hoạch của tỉnh, hiện tại Quảng Lợi chỉ còn 95 trộ nò sáo hoạt động có hiệu quả. Đây cũng là một trong những biện pháp hạn chế ngư dân hành nghề khai thác thủy sản trái phép.

Kiên trì đấu tranh kết hợp tuyên truyền vận động

Theo kế hoạch, các phương tiện phục vụ tuần tra, truy bắt đối tượng vi phạm được huy động, sử dụng bằng ca nô của công an, trưng dụng đò máy của các chi hội nghề cá trên địa bàn, cole của ngư dân và các dụng cụ hỗ trợ nghiệp vụ cần thiết. Lực lượng tham gia phòng ngừa và ứng phó ngư tặc gồm lực lượng vũ trang, chi hội nghề cá và cộng đồng ngư dân.

 Tôm vùng đầm phá Tam Giang

Tôm vùng đầm phá Tam Giang

Các địa phương phối hợp với công an xây dựng kế hoạch thực hiện phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản mang tính hủy diệt trên phá Tam Giang. Lực lượng được bố trí, nắm tình hình hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép tại các khu vực, địa bàn trọng điểm. Từ đó, cùng các thôn trưởng, công an viên rà soát các tổ chức, cá nhân đánh bắt thủy sản bằng công cụ kích điện, hủy diệt môi trường để tuyên truyền, vận động ký cam kết không tái diễn.

Ông Phan Đăng Bảo đề nghị, công an các địa phương, các huyện có sự phối hợp, thường xuyên nắm chắc tình hình, thông tin, trao đổi giữa các lực lượng để phối hợp giải quyết các vụ việc. Sau khi hoàn thành việc xử lý từng vụ việc thì gửi thông báo cho các đơn vị liên quan biết để theo dõi và giám sát, quản lý. Các tụ điểm tập kết, hộ thu mua thủy sản có được từ các hành vi vi phạm cũng phải được rà soát để nắm chắc việc hoạt động của các đối tượng và chủ động làm tốt công tác nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trước hết phải nâng cao ý thức bảo vệ NLTS chính là bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và nguồn sống của con người. Ngành thủy sản tiếp tục tuyên truyền thông qua nhiều hình thức, phương tiện truyền thông đại chúng về phòng, chống hành vi sử dụng chất độc, chất nổ và các nghề, ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Để có giải pháp căn cơ phòng, chống khai thác thủy sản hủy diệt trên các vùng đầm phá, ngành nông nghiệp đã đề xuất và được UBND tỉnh đưa vào chương trình công tác năm 2024 về việc xây dựng “Kế hoạch bảo vệ và phát triển NLTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2030”. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này là tăng cường chống khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, cụ thể là nghề giã cào xâm hại vùng gần bờ và vấn nạn sử dụng các nghề hủy diệt, cào cấu vùng đầm phá.

Ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch triển khai tổ chức tái tạo NLTS tại các vùng nước, phục hồi hệ sinh thái san hô, cũng như thả các rạn nhân tạo ở vùng đầm phá, tạo nơi trú ẩn, tổ ấm cho tôm, cá sinh sôi và phát triển. Mục tiêu hướng đến là bảo vệ an toàn cho môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tạo nguồn làm sinh kế bền vững cho các cộng đồng ngư dân sống dựa vào NLTS.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ - BÁ TRÍ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/bao-tang-nuoc-lon-nhat-dong-nam-a-khong-con-binh-yen-bai-3-bao-ve-nguon-loi-nguon-sinh-ke-143175.html