Bảo tàng ở Huế thông tin về ngai vua triều Nguyễn vừa bị phá hoại

Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa vừa bị phá hoại là hiện vật gốc, độc bản, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Hiện vật gốc

Những ngày qua, sau khi xảy ra sự việc ngai vua triều Nguyễn ở điện Thái Hòa, Đại nội Huế bị phá hoại, có thông tin cho rằng hình ảnh ngai vua này khác với những hình ảnh tư liệu trước đây.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế xác nhận, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh ngai khác nhau. Trong đó, có hình ảnh của ngai vua ở điện Thái Hòa (vừa bị người đàn ông phá hoại), một hình ảnh ngai vua không có phần tựa tay hình rồng và ngai vua dưới thời vua Duy Tân...

Ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa trước khi bị người đàn ông phá hoại. Ảnh: Đ.Hoàng.

Ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa trước khi bị người đàn ông phá hoại. Ảnh: Đ.Hoàng.

Ông Minh cho biết, ngai vua ở điện Thái Hòa vừa bị phá hoại là hiện vật gốc, độc bản, tồn tại hàng trăm năm, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2015.

Theo ông Minh, việc có nhiều hình ảnh khác nhau không loại trừ khả năng ngai vua bị sửa chữa trước thời điểm lập hồ sơ công nhận bảo vật Quốc gia, có thể sửa chữa dưới thời các vị vua triều Nguyễn nhưng không có những tư liệu ghi lại.

"Khi làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, trung tâm cùng các đơn vị liên quan thành lập hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định để nghiên cứu, đánh giá", ông Minh nói.

Theo Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, chiếc ngai vua có số đăng ký TH 25 - ĐM 04 (Thái Hòa 25 - đồ mộc 04) được làm bằng gỗ, với chiều dài 87 cm, rộng 72 cm, cao 101 cm; đế dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm; trọng lượng khoảng 60 kg. Ngai bằng gỗ, sơn son thếp vàng.

Thân ngai có 4 trụ nối đế với vòng lưng và tay ngai; lưng ngai trang trí chạm nổi đề tài "long hàm thọ". Tay ngai hình vòng cung; điểm tay ngai chạm lộng đề tài "lá hóa dơi". Hai đầu tay ngai chạm nổi hình đầu rồng ở tư thế vươn về phía trước.

Đế ngai hình chữ nhật, kích thước 87cm x 72cm. Phần nối đế ngai và chân được chia ô trang trí theo hình vuông và hình chữ nhật xen kẽ, trong lót kính, xung quanh viền hoa văn chạm lộng. 4 chân ngai được tạo dáng kiểu chân quỳ...

Theo bản thuyết minh đề nghị công nhận hiện vật quốc gia của ngai vua triều Nguyễn, hiện trạng ngai trước đó có các vị trí ghép mộng bị hở. Các ô kính tráng thủy trang trí phía dưới bệ ngai bị hư hỏng.

Tay ngai bên phải bị gãy rời, đã được gia cố tạm bằng dây thép. Tay ngai bên trái bị nứt, lớp sơn thếp bị bong tróc. Một số chi tiết trang trí ở lưng ngai không còn nguyên vẹn. Đế ngai bị bong lớp sơn son thếp vàng và có hiện tượng mục gỗ.

Thời điểm đó, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xử lý, bằng biện pháp bảo quản cấp thiết là vệ sinh toàn bộ ngai vàng, gia cố các mộng gỗ. Đồng thời, bảo quản phòng ngừa bằng việc bơm thuốc bảo quản vào các mộng gỗ và các phần gỗ đang có nguy cơ bị mục, vệ sinh thường xuyên và kiểm tra định kỳ.

Biểu tượng quyền lực

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho hay, theo như bản thuyết minh, ngai vua triều Nguyễn (1802 - 1945) là nơi các vua Nguyễn làm lễ đăng quang, điều hành lễ Đại triều, tiếp kiến các sứ thần ngoại giao, tổ chức lễ Vạn thọ (sinh nhật nhà vua) và các nghi lễ quan trọng khác của triều đình từ khi thiết lập vương triều Nguyễn cho đến khi kết thúc vào năm 1945.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, khu vực Hoàng thành bị thiệt hại nhiều nhưng điện Thái Hòa và đặc biệt là ngai vua triều Nguyễn vẫn còn gần như nguyên vẹn.

"Ngai vua là một trong những vật dụng không thể thiếu của mỗi triều đại quân chủ ở mọi nơi trên thế giới. Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Vì vậy, ngai vua triều Nguyễn là chiếc ngai duy nhất còn lại ở Việt Nam, là hiện vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc", Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho hay.

Là biểu tượng quyền lực của vương triều phong kiến Nguyễn, ngai vua triều Nguyễn có đồ án trang trí chủ đạo là rồng được tập trung đặc tả dưới nhiều dáng vẻ phong phú về hình thức thể hiện và đa dạng.

Cụ thể, dạng mặt ngang (lưng ngai, đế ngai) hay đầu rồng nhô cao (tay ngai, bệ ngai), "long hàm thọ", "long - vân", "lưỡng long triều nhật", "long chầu chữ Thọ"... mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như sự trường thọ, hạnh phúc, quyền lực cao quý.

Ngai vua triều Nguyễn được đặt giữa điện Thái Hòa dưới thời Nguyễn, nơi triều đình tổ chức các sự kiện trọng đại của mỗi đời vua Nguyễn. Trong suốt 143 năm của triều đại, trải qua nhiều đời vua, ngai vua triều Nguyễn không hề có sự thay đổi chức năng hay xê dịch vị trí...

Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, lúc 11h55 ngày 24/5, Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, quê TP Huế; cư trú tại TP HCM) mua vé vào cổng Đại nội Huế.

Khi vào khu vực điện Thái Hòa, Tâm có biểu hiện không bình thường. Một nhân viên bảo vệ mời đối tượng ra phía hậu điện. Tuy nhiên, sau đó đối tượng quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét rồi làm gãy phần tựa tay phía trước, bên trái.

Nhân viên bảo vệ tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12h10 ngày 24/5, lực lượng bảo vệ mới khống chế được Tâm.

Sau khi xảy ra sự việc, Công an TP Huế huy động lực lượng phối hợp với VKSND quận Phú Xuân khám nghiệm hiện trường.

Kết quả test nhanh ma túy của đối tượng cho kết quả âm tính. Cơ quan điều tra tiến hành giám định tâm thần và tạm giữ hình sự, tuy nhiên chưa thể ghi lời khai do đối tượng có biểu hiện loạn thần, nói nhảm.

Minh Phong - Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bao-tang-o-hue-thong-tin-ve-ngai-vua-trieu-nguyen-vua-bi-pha-hoai-169250527121008563.htm