Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số - Trăn trở của những người trong cuộc - Bài 1: Những người giữ hồn văn hóa dân tộc giữa lòng Thủ đô
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung và di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, được đặt trong tổng thể sự phát triển quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, nhờ các chính sách tích cực, hiệu quả, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần quan tâm khắc phục. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài 'Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số - Trăn trở của những người trong cuộc'.
Bài 1: Những người giữ hồn văn hóa dân tộc giữa lòng Thủ đô
Tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), chúng tôi đã gặp những Nghệ nhân Ưu tú, những người bằng tình yêu, trách nhiệm và cả những băn khoăn, trăn trở đang ngày ngày bền bỉ, lặng thầm giữ gìn hồn cốt văn hóa dân tộc. Họ không chỉ là những người trực tiếp bảo tồn di sản văn hóa mà còn thắp lên ngọn lửa đam mê, truyền cảm hứng để những giá trị quý báu không bị lãng quên, mai một.
Lớp cha trước, lớp con sau
Trong không gian rộn ràng sắc Xuân của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tiếng nhạc ngũ âm bỗng vang lên, dẫn dắt du khách vào một thế giới kỳ diệu của nghệ thuật múa Rô băm.
Múa Rô băm không giống những loại hình nghệ thuật khác. Nó không chỉ đơn thuần là múa mà là sân khấu cung đình của người Khmer, nơi những hoàng tử, công chúa bước ra từ cổ tích để kể lại câu chuyện về thiện và ác, chính và tà. Tất cả được kể lại qua từng động tác của Đoàn Nghệ thuật Rô băm Reasmei Bưng Chông dưới sự dìu dắt của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương - người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để gìn giữ một loại hình nghệ thuật “cha truyền con nối” hình thành cách đây hơn 200 năm, và là đoàn nghệ thuật Rô băm duy nhất còn được kế tục, lưu truyền hoạt động ở Sóc Trăng hiện nay.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương giới thiệu các bằng khen, giấy khen - "gia tài" lớn nhất của bà.
Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 60m² của bà tại Sóc Trăng treo kín bằng khen, giấy khen và những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các vai diễn Rô băm. Với bà Lâm Thị Hương, đó chính là gia tài lớn nhất!
“Từ khi còn bé, tôi đã nghe tiếng đàn, tiếng trống Rô băm vang lên trong những đêm hội. Tôi thấy cha tôi cẩn thận tô vẽ từng chiếc mặt nạ, tỉ mẩn may từng bộ trang phục. Trong tâm thức của tôi, Rô băm không phải chỉ là một điệu múa, một vở diễn, mà đó là linh hồn, là hơi thở của cả dân tộc mình”, bà Hương chia sẻ với ánh mắt tự hào.
Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer, nhà lý luận và phê bình sân khấu Nghệ sĩ Ưu tú Sang Sết, nhận định: Múa Rô băm là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh đời sống sinh động của cộng đồng người Khmer. Đây không đơn thuần là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một biểu tượng văn hóa, phản ánh sâu sắc tâm hồn và bản sắc của người Khmer. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, Rô băm phát triển mạnh mẽ, trở thành phương tiện chuyển tải tư tưởng, thế giới quan và những giá trị đạo đức của cộng đồng, là kho tàng lưu giữ lịch sử, tín ngưỡng và triết lý sống của người Khmer.
Tình yêu ấy đã theo bà suốt những năm tháng tuổi thơ, rồi trở thành sứ mệnh dẫn dắt đoàn nghệ thuật của gia đình khi cha bà qua đời vào năm 2003. Không dừng lại ở việc duy trì nghệ thuật trong phạm vi địa phương, bà Hương cùng chồng là nghệ nhân Sơn Del đã đưa múa Rô băm ra khỏi ranh giới phum, sóc đến với đông đảo công chúng. Từ năm 2016, bà đưa một số diễn viên ra Hà Nội, tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ở đây, ngày ngày bà cùng đoàn luyện tập, biểu diễn, giới thiệu về nguồn gốc và ý nghĩa của từng động tác múa, từng chiếc mặt nạ trên sân khấu Rô băm cho du khách trong nước và quốc tế.
Bà chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình sẽ nghỉ ngơi. Dù ở Sóc Trăng hay Hà Nội, dù ở sân khấu lớn hay một góc làng nhỏ, bà vẫn sẽ múa, vẫn sẽ truyền dạy, vẫn sẽ kể những câu chuyện Khmer bằng nghệ thuật Rô băm.
Với những cống hiến không ngừng, tháng 3-2019, bà Lâm Thị Hương vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; năm 2021, bà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì những đóng góp cho hoạt động bảo tồn văn hóa Khmer. Tháng 8-2024, bà tiếp tục được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, ghi nhận vai trò của bà trong việc xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.
Người đảng viên Xơ Đăng đam mê bảo tồn văn hóa dân tộc
Giữa muôn vàn âm thanh kỳ diệu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếng đàn K’lông Pút vang lên trầm tĩnh, thẳm sâu như hơi thở của đại ngàn Tây Nguyên. Theo thanh âm ấy, chúng tôi tìm đến Nghệ nhân Ưu tú, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam người Xơ Đăng Y Sinh.
Chậm rãi rót chén cà phê đậm đà hương vị núi rừng mời chúng tôi thưởng thức, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh chia sẻ: “Tôi sinh ra giữa tiếng chiêng trầm hùng, lớn lên trong nhịp xoang rộn rã và những câu chuyện sử thi về các vị anh hùng bảo vệ buôn làng. Ngày còn bé, tôi đã say mê tiếng đàn T’rưng, đàn K'lông Pút… Lớn lên, tôi đi dạy học ở Trường Nội trú huyện Đắk Tô".
Trong ký ức của bà, cuộc gặp gỡ định mệnh với Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên vào dịp Tết năm 1979, chính là bước ngoặt để bà quyết định giữ gìn và bảo tồn tiếng đàn K'lông Pút của dân tộc Xơ Đăng. Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên khi thấy bà đánh đàn K'lông Pút cho các em học sinh nghe đã ân cần nói: "Nhớ nhé con nhé, con phải tiếp tục giữ gìn tiếng đàn này nhé", và nhận bà làm con nuôi.
Khi đó, bà Y Sinh được bà con buôn làng gọi là “nghệ nhân” vì tài năng chơi đàn Klông Pút và đàn T’rưng, nhưng thời điểm đó bà chưa hiểu rõ danh xưng ấy có nghĩa là gì. Mỗi khi bà cất tiếng đàn, làng xóm lại xúm lại lắng nghe và cái tên "nghệ nhân" cứ thế theo bà suốt bao năm tháng.
Đến năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Với mong muốn giữ gìn, lan tỏa di sản truyền thống của cha ông, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh quyết định rời Kon Tum, đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân tộc thiểu số Xơ Đăng luôn đau đáu với bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Y Sinh cho biết thêm: “Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tôi càng ý thức được rằng bảo tồn văn hóa dân tộc mình là trách nhiệm lớn lao với một hành trình dài hơi. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, tôi có cơ hội giữ gìn và phát huy những giá trị quý báu này. Hơn nữa, là một đảng viên, tôi càng phải có tinh thần dấn thân, làm thật tốt công việc này như lời Bác Hồ dạy về người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.
Tại đây, mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng bà vẫn kiên trì, say mê từng điệu đàn, từng bài hát, bảo ban từng em nhỏ về cách chế tác đàn K’lông Pút, về cách chơi đàn T’rưng… Trong suốt 7 năm gắn bó với Làng, Nghệ nhân Y Sinh đã trực tiếp tham gia truyền dạy âm nhạc dân tộc cho các em nhỏ, đặc biệt là những học sinh đến từ Kon Tum, mỗi đợt từ 6 đến 8 em.
Giới thiệu về cây đàn K’lông Pút, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh say sưa kể: Đàn K’lông Pút chuẩn của người Xơ Đăng được ghép từ các ống nứa, loại 9 ống sẽ đánh được tất cả các bài hát của đồng bào Tây Nguyên, còn nguyên bản là loại đàn 6 ống - là đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng. Đặc biệt, đàn K’lông Pút là nhạc cụ dành riêng cho phụ nữ, thường được chơi vào mùa lúa, khi người Xơ Đăng lên rẫy, hay vào những đêm lễ hội trong nhà rông...
Từ bỏ cuộc sống thành thị về quê tập đàn, hát Then
Một câu chuyện khác về nỗ lực bền bỉ nhằm lan tỏa giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc mà chúng tôi được chứng kiến là trường hợp nghệ nhân hát Then Nguyễn Thị Xuyến.
Sinh ra và lớn lên giữa không gian văn hóa đậm đà bản sắc của người Tày ở Thái Nguyên, Nguyễn Thị Xuyến từ nhỏ đã quen với tiếng hát Then bên bếp lửa, bên cánh đồng ngô, nương sắn để rồi trong những năm tháng mưu sinh, rời xa bản làng, bà Xuyến mới nhận ra nỗi trống trải trong tâm hồn mình.
“Ngày đó, tôi đi làm xa, sống giữa phố thị nhộn nhịp nhưng trong lòng lúc nào cũng vang lên tiếng đàn Tính, lời Then của mẹ. Có những đêm nằm nhớ quê, nhớ tiếng đàn Tính đến da diết, tôi chợt nhận ra, không có Then, cuộc đời tôi như mất đi một phần quan trọng nhất. Hát Then là một phần máu thịt của mình, một thứ không thể mất đi”, bà Xuyến bồi hồi nhớ lại.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Xuyến cho rằng, việc bảo tồn Then không đơn giản chỉ là hát, mà còn phải hiểu, cảm nhận được cội nguồn sâu xa của nó.
Năm 2007, trong một hội trà Xuân tại Thái Nguyên, khi nghe những vị khách phương xa nói về vẻ đẹp của những làn điệu dân gian, bà Xuyến cất lên một câu Then. Tiếng hát ấy ngay lập tức thu hút mọi người, lắng nghe, xao động. Chính khoảnh khắc ấy đã đánh thức trong bà một sứ mệnh lớn lao hơn: Trở thành người gìn giữ và lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quyết định quay về với Then, bà Xuyến lao vào học hỏi, tìm tòi, sưu tầm những làn điệu cổ, các làn điệu Then vang vọng, từ Tàng bốc, Tàng nặm đến Giáp ba, Thoỏng hương, Khảm khắc…. Then không đơn thuần chỉ là một loại hình nghệ thuật mà nó còn là tâm linh, là hơi thở cuộc sống của người Tày. Mỗi câu hát Then không chỉ kể chuyện về cuộc sống, về thiên nhiên mà còn thể hiện những ước nguyện thiêng liêng của con người trước trời đất. Chính vì vậy, việc bảo tồn Then không đơn giản chỉ là hát, mà còn phải hiểu, phải cảm nhận được cội nguồn sâu xa của nó.
Năm 2015, sau khi xuất sắc giành Giải A toàn quốc Cuộc thi nghệ thuật hát Then, bà Xuyến quyết định về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tiếp tục hành trình lan tỏa môn nghệ thuật này. Đối với bà Xuyến, việc biểu diễn Then trước du khách là một điều vô cùng tự hào, nhưng quan trọng nhất phải làm sao truyền dạy cho thế hệ sau. Năm 2023, bà đã mở lớp truyền dạy hát Then đầu tiên với hơn 60 học viên, trong đó có rất nhiều bạn trẻ người Tày, người Kinh, người Nùng…
Bà Xuyến chia sẻ: “Ngày trước, tôi hát Then chỉ vì đam mê, vì yêu văn hóa dân tộc. Nhưng khi nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, tôi hiểu rằng mình có trách nhiệm lớn hơn là phải gìn giữ, trao truyền để không một mạch nguồn văn hóa nào bị đứt gãy”.
Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo bà Xuyến, danh hiệu đó là niềm tự hào lớn lao, nhưng chỉ thực sự có ý nghĩa khi Then vẫn còn được cất lên trong đời sống.
“Di sản có thể được công nhận, nhưng nếu không có người thực hành, không có những người truyền dạy, thì nó cũng chỉ nằm trên giấy. Tôi muốn Then sống mãi, muốn thế hệ sau vẫn cất lên những câu Then như cha ông đã từng làm. Nếu mất đi Then, cũng có nghĩa là mất đi một phần tâm hồn của người Tày”, bà nhấn mạnh.
(còn nữa)
Bài 2: Tiếng lòng của chủ thể văn hóa
THANH HƯƠNG - HỒNG PHÚC (thực hiện)