Bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường ngay trong mỗi nếp nhà

Thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành kiểm kê đối với di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Ông Bùi Mãnh Liệt, tổ 10, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình đam mê nghiên cứu lịch tre của người Mường.

Kết quả đã kiểm kê được 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường, trong đó 1 di sản tiếng nói, 33 di sản ngữ văn, 29 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 23 di sản về tập quán xã hội, 35 lễ hội truyền thống, 4 nghề thủ công, 142 di sản về tri thức dân gian. Đáng phấn khởi là đến nay đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình; Mo Mường Hòa Bình; Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình; Lịch tre của người Mường Hòa Bình.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực như ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình… Trên cơ sở các đề án, kế hoạch, hàng năm, UBND tỉnh bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, mặc dù đã được quan tâm nhưng việc bố trí nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng đã ảnh hưởng, tác động mạnh đến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Trong đó, đáng lo ngại là nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc. Văn hóa là cuộc sống, chỉ khi mỗi người dân tộc thiểu số thật sự tự hào, yêu quý và trân trọng, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc mình ngay trong chính gia đình mình. Do đó, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, mỗi người dân, gia đình cần có tinh thần tự tôn dân tộc và bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc ngay trong chính gia đình mình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại tổ 10, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, ông Bùi Mãnh Liệt (71 tuổi) cho biết: Tôi là một người con của đất cổ Mường Bi (Tân Lạc). Tuy không phải là nhà nghiên cứu văn hóa nhưng tôi rất yêu thích, tự hào về văn hóa của dân tộc mình. Tôi tự hào về mo Mường, chiêng Mường, nhà ở, ẩm thực… và lịch tre của người Mường. Hiện nay, các cụ ở quê vẫn dùng lịch tre để xem ngày, chọn ngày đẹp, tháng lành để làm những việc quan trọng. Lịch tre dễ sử dụng, có thể truyền từ đời ông cha sang đời con cháu. Do đó, tôi đã sưu tầm được một bộ lịch tre và hiện đang nghiên cứu về cách sử dụng cũng như ý nghĩa và sẽ truyền lại cho đời con, đời cháu.

Thực tế cho thấy rất đáng trân trọng là nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tiền của, tâm sức để bảo tồn, giữ gìn giá trị đặc sắc của dân tộc mình như: chiêng Mường, lịch tre… Nhiều gia đình đã cố gắng giữ lại nếp nhà sàn Mường, trang phục truyền thống của người Mường, tiếng Mường, ẩm thực truyền thống hoặc dân ca, dân vũ. Đặc biệt, để phục vụ đời sống và sinh hoạt hàng ngày, người Mường đã sáng tạo và phát triển các nghề thủ công, tạo ra những sản phẩm tiện dụng và độc đáo mang bản sắc riêng. Tiêu biểu là các nghề: dệt, mộc, đan lát đồ gia dụng… Hiện nay, nhiều gia đình tại các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc vẫn còn giữ khung cửi, nghề dệt trong gia đình. Từ đó đã hình thành nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất phát triển nghề dệt truyền thống của người Mường, tạo ra các sản phẩm lưu niệm với những họa tiết trang trí đẹp mắt, được khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích.

Hi vọng, với sự trân trọng lưu giữ từ mỗi gia đình, bản sắc văn hóa dân tộc Mường sẽ được giữ gìn, phát huy và có sức sống trường tồn với thời gian.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/191161/bao-ton-cac-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-ngay-tr111ng-moi-nep-nha.htm