Bảo tồn các kịch bản tiêu biểu của hát bội Bình Định: Nên tìm hướng đi mới, phù hợp thực tế
Hát bội Bình Định là một di sản văn hóa đặc sắc với nhiều vở tuồng kinh điển như: Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Ngũ hổ Bình Tây, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (còn có tên khác là Chém cáo, Cổ miếu vãn ca) của Nguyễn Diêu, Trầm hương các, Diễn võ đình và Cổ thành… của Đào Tấn.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng “tam sao thất bổn” đang trở nên phổ biến. Nhiều đoàn tuồng diễn sai lời, không thông hiểu các điển cố văn hóa - lịch sử quan trọng nên đã diễn ca không chuẩn lời thoại, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của kịch bản, chất lượng của vở diễn. Một trong những giải pháp trọng tâm là sưu tầm, chuẩn hóa các bản kịch gốc. Mỗi kịch bản tuồng hát bội cần được diễn giải, chú thích các điển cố một cách chính xác, đầy đủ, rõ ràng, giúp khán giả và diễn viên hiểu đúng nội dung và ý nghĩa của từng câu thoại, từng lớp diễn.

Đoàn tuồng Đào Tấn biểu diễn tại phường Quy Nhơn Đông. Ảnh: Ngọc Nhuận
Việc dịch thuật, giải nghĩa các thuật ngữ cổ, điển tích văn học-lịch sử phải được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa để đảm bảo tính chuẩn xác. Theo đó, việc đào tạo nghệ sĩ trẻ về tuồng cổ cần được đẩy mạnh, nhất là kiến thức văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc.
Bên cạnh đó, có thể áp dụng hình thức cấp chứng nhận biểu diễn chuẩn cho các đoàn tuồng tuân thủ nội dung gốc, góp phần nâng cao chất lượng biểu diễn và ý thức giữ gìn di sản. Để bảo tồn bền vững và thuận tiện trong việc truyền dạy, cần xây dựng kho dữ liệu số tập trung, bao gồm bản video các vở diễn chuẩn, kịch bản song ngữ kèm chú giải, hình ảnh minh họa về phục trang, đạo cụ, không gian sân khấu.
Kho tư liệu này sẽ là công cụ hữu ích không chỉ cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, mà còn cho sinh viên, học sinh, các nhà làm phim, tổ chức giáo dục tiếp cận và khai thác. Để đưa nghệ thuật hát bội Bình Định đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần đẩy mạnh việc lồng ghép các kịch bản tuồng cổ tiêu biểu vào các hoạt động giáo dục và trải nghiệm văn hóa địa phương.
Các chương trình sân khấu học đường, tiết học ngoại khóa, trại hè văn hóa truyền thống hay hành trình “một ngày làm nghệ sĩ hát bội” sẽ là những hình thức thiết thực để học sinh, sinh viên tiếp cận, hiểu và cảm nhận sâu sắc giá trị nghệ thuật tuồng cổ. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm như tham quan hậu trường, giao lưu cùng nghệ sĩ, học hát-hóa trang tuồng để tạo nên sự kết nối sống động giữa người học và di sản.
Đây cũng là cơ hội để các kịch bản được trình bày, giải thích, minh họa rõ ràng, giúp người học không chỉ xem mà còn “sống cùng hát bội”. Chính quyền địa phương nên tìm và xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường, đoàn nghệ thuật truyền thống tổ chức hoạt động này một cách thường xuyên, bài bản. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đồng hành trong vai trò bảo trợ văn hóa, góp phần nuôi dưỡng thế hệ trẻ yêu và hiểu sâu về tuồng cổ Bình Định.