Bảo tồn đa dạng sinh học: Góp phần phát triển bền vững
Bình Dương không chỉ là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp mà còn sở hữu hệ sinh thái đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đa dạng sinh học không chỉ có giá trị về mặt môi trường mà còn liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch sinh thái và lâm nghiệp.

Trồng cây xanh giúp tăng cường thảm phủ thực vật, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Lực lượng vũ trang tham gia trồng cây tại huyện Phú Giáo
Tài nguyên quý giá để phát triển xanh
Tuy diện tích rừng tự nhiên không lớn nhưng Bình Dương vẫn có những khu vực rừng quan trọng, như rừng tự nhiên ở huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật bản địa, đóng vai trò là “lá phổi xanh” của tỉnh. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), các khu vực quan trọng về đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn tỉnh bao gồm hồ Dầu Tiếng với hệ sinh thái thủy sinh phong phú; vườn cây ăn trái Lái Thiêu (TP.Thuận An), không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là nơi bảo tồn nhiều giống cây đặc sản như măng cụt, mít tố nữ, dâu, bòn bon; sông Sài Gòn, sông Bé là hành lang sinh thái quan trọng, bảo vệ nguồn nước và hệ động thực vật ven sông.
Một trong những mô hình nổi bật tận dụng lợi thế ĐDSH tại Bình Dương là phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp hữu cơ. Khu vực hồ Dầu Tiếng, rừng phòng hộ núi Cậu (huyện Dầu Tiếng) và vườn cây ăn trái Lái Thiêu là địa điểm lý tưởng để kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Dội, khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định, TP.Thuận An, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ chuyên canh cây ăn trái. Vài năm gần đây, tôi kết hợp mô hình dịch vụ ăn uống với dịch vụ khám phá vườn cây, thưởng thức trái cây tươi ngay tại vườn. Mô hình này đạt kết quả khả quan, thu hút khách hàng, tăng thu nhập cho gia đình”.
Thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã chuyển sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, giảm thiểu hóa chất độc hại. Những mô hình này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ đất đai, nguồn nước và đa dạng sinh học địa phương. Tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), việc trồng cây ăn trái được áp dụng kết hợp giữa kỹ thuật trồng cây tiên tiến và bảo vệ môi trường. Mô hình này không chỉ tập trung vào năng suất mà còn chú trọng đến việc phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu. Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động, người nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí, sản lượng tăng lên nhiều so với phương pháp truyền thống.
Bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái
Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn ĐDSH. Cụ thể, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh làm thu hẹp diện tích cây xanh, phá vỡ hệ sinh thái. Ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp và sinh hoạt làm suy giảm chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh. Cùng với đó, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sự phân bố của động thực vật, làm giảm độ phì nhiêu của đất và thay đổi mô hình canh tác. Tình trạng xâm lấn đất rừng cũng làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên.
Trong bối cảnh đó, Bình Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ gìn tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển bền vững. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong những năm qua Bình Dương đã xác định các khu vực quan trọng như vùng đất ngập nước, cảnh quan sinh thái, các cơ sở bảo tồn ĐDSH cần tập trung bảo tồn, phát triển. Đây là những khu vực có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015 - 2020, nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng, hệ sinh thái và đất ngập nước. Các chương trình quản lý rừng bền vững cũng được triển khai, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ núi Cậu - hồ Dầu Tiếng nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khỏi nạn chặt phá rừng và săn bắn động vật trái phép.
Cùng với đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương đã và đang triển khai mạnh mẽ các chương trình trồng cây xanh tại khu vực đô thị và nông thôn, góp phần xây dựng một hệ sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống. Việc phát triển cây xanh không chỉ giúp cải thiện cảnh quan mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2, kiểm soát xói mòn, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, bảo vệ nguồn nước ngầm và tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu và triển khai các giải pháp tăng cường thảm phủ thực vật theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, chương trình phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái vườn cây ăn trái truyền thống như Lái Thiêu cũng được đẩy mạnh nhằm bảo tồn giá trị nông nghiệp gắn với môi trường sinh thái…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay toàn tỉnh có 64 cơ sở gây nuôi 76 loại, 5.004 cá thể động vật rừng hoang dã; có 20 cơ sở trồng cấy thực vật hoang dã với tổng diện tích trên 189 ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đang lập thủ tục xin chuyển thành trung tâm bảo tồn động vật hoang dã (tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng). Trung tâm này sẽ là nơi nghiên cứu, chăm sóc và bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã, góp phần quan trọng vào việc duy trì ĐDSH trên địa bàn tỉnh.