Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ: Mở ra những cách tiếp cận mới

Công nghệ AI là 'cánh tay nối dài' để hỗ trợ cho tiến trình bảo tồn di sản văn hóa hay phục dựng các tác phẩm nghệ thuật trở nên dễ dàng hơn, mở rộng hơn và lan tỏa nhanh hơn đến với công chúng. Tuy nhiên, công nghệ AI vẫn không thể xử lý các vấn đề hoàn toàn độc lập mà song hành với nó là cần phải kết hợp với các nghiên cứu của các nhà khoa học.

Đó là những chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia trong tọa đàm "Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo – Vai trò công nghệ với bảo tồn ký ức văn hóa" vừa qua.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những con đường mới để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Khi công nghệ kỹ thuật số tiến bộ, AI đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo tuổi thọ và khả năng tiếp cận của di sản văn hóa chung của công chúng. Bằng cách tận dụng AI, có thể hiểu rõ hơn và bảo tồn các chi tiết phức tạp của các tác phẩm nghệ thuật cũng như các hiện vật di sản khác.

Điển hình có thể kể đến, dự án phục dựng bức tranh nổi tiếng "Thăng đường nhập thất" của danh họa Victor Tardieu. Đây là bức họa khổng lồ với kích thước 11x7m, được vẽ theo phong cách phương Tây nhưng nội dung tác phẩm hoàn toàn mang chất Việt. Dù được công chúng biết đến nhiều qua bản vẽ lại vào năm 2006, nhưng những tâm tư của danh họa cách nay một thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn.

Không gian tọa đàm

Không gian tọa đàm

Giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội- TS Trần Hậu Yên Thế cho biết: "Bức tranh "thăng đường nhập thất" phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây với hơn 200 nhân vật, nhiều trong số đó là các nhân vật có thật và có địa vị trong xã hội đương thời. Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, bức tranh còn là tài liệu lịch sử quý giá, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về xã hội phương Đông dưới ảnh hưởng của phương Tây như hệ thống vật dụng, phương tiện giao thông, dạng thức kiến trúc, đặc điểm địa lý, giống cây trồng, vật nuôi, trang phục… Bằng sự tiến bộ thần tốc của khoa học trí tuệ nhân tạo, việc làm sống lại những tác phẩm mỹ thuật để đưa đến công chúng là hoàn toàn trong khả năng của chúng ta".

Qua đó, tác phẩm đã được TS. Trần Hậu Yên Thế, TS. Phạm Long cùng kỹ sư Viên Hồng Quang, nghệ sĩ Triệu Minh Hải dựa trên ảnh đen trắng, sử dụng AI học màu qua tranh sơn dầu gốc, kết hợp video art và chuyển động (animation), làm bức tranh "sống" lại với những con người như đang hiện diện trong thế giới "thật" trong tranh.

Giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ tại tọa đàm

Giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ tại tọa đàm

Tuy nhiên, theo giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ: "Trong quá trình sử dụng công nghệ AI để phục dựng tác phẩm, tôi nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Bởi, công nghệ AI không phải "cây đũa thần" chúng ta chỉ cần chấm một cái là nó có thể tự hoàn thiện tác phẩm. AI có thể hỗ trợ chúng ta phục dựng tác phẩm cổ bằng khả năng chuyển đổi hình ảnh và tái hiện màu sắc, nhưng chính các nghệ sĩ mới là người xác định và chọn lọc chi tiết cho phù hợp. Các nghệ sĩ phải cung cấp cơ sở tri thức cho nó, xây dựng tiến trình chính xác từng bước để đảm bảo tác phẩm giữ được giá trị gốc mà không bị bóp méo. Đối với bức tranh này cũng thế, chúng tôi đã phải xây dựng một tiến trình cụ thể để phục dựng lại tác phẩm".

Đồng quan điểm trên, kỹ sư Viên Hồng Quang cho biết: "Công nghệ đã mở ra những chân trời mới, những cách tiếp cận mới cho di sản văn hóa nói chung, các tác phẩm nghệ thuật nói riêng. Với tác phẩm này, bức tranh đã trải qua rất nhiều biến cố nhưng hiện nay nhờ vào công nghệ chúng ra có thể phục dựng lại bức tranh có màu sắc đẹp đến như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là màu sắc ngẫu nhiên mà để làm được điều đó, chúng tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều từ những dữ liệu còn lưu trữ để biết được màu sắc trang phục của các nhân vật trong tranh như thế nào để tạo màu cho gần đúng với thời điểm đó".

Giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ về sử dụng công nghệ AI trong quá trình phục dựng tác phẩm

Giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghệ sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ về sử dụng công nghệ AI trong quá trình phục dựng tác phẩm

Qua chia sẻ của những người thực hiện dự án, chúng ta có thể thấy rằng, dù công nghệ AI đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện tại, AI vẫn chưa thể thay thế con người hoàn toàn trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa. Bởi phục dựng một hiện vật hay một tác phẩm nghệ thuật, rất cần sự hiểu biết và thẩm mỹ nghệ thuật của con người để có thể truyền tải một cách chân thật nhất về giá trị lịch sử đến với công chúng.

Là người có kinh nghiệm trong ứng dụng các công nghệ để thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa, Giám đốc Công ty CMYK Ths. Phạm Trung Hưng cho rằng: "Công nghệ AI là "cánh tay nối dài" để hỗ trợ cho tiến trình bảo tồn di sản văn hóa hay phục dựng các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn, mở rộng hơn và lan tỏa nhanh hơn đến với công chúng. Tuy nhiên, có một điều mà tôi đúc kết sau quá trình làm là công nghệ AI vẫn không thể xử lý các vấn đề hoàn toàn độc lập mà song hành với nó là cần phải kết hợp với các nghiên cứu của các nhà khoa học. Nếu không có các nghiên cứu, khi ứng dụng công nghệ vào trong các dự án hay phục dựng tác phẩm sẽ trở nên rất "hỗn loạn" và có sự sai sót. Đây chính điều mà những người đang ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa cần phải lưu ý"../.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-ton-di-san-van-hoa-bang-cong-nghe-mo-ra-nhung-cach-tiep-can-moi-20241113172441768.htm