Bảo tồn động vật hoang dã, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá. Bài 1: Rừng Quảng Trị - nơi cư ngụ của nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm

Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều dạng sinh cảnh, là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật đặc hữu, quý hiếm. Để bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng về loài và nguồn gen, tỉnh Quảng Trị đã thành lập 2 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) là Đakrông và Bắc Hướng Hóa, 1 khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Tuần tra, bảo vệ động vật hoang dã tại Khu BTTN Đakrông -Ảnh: T.T

Tuần tra, bảo vệ động vật hoang dã tại Khu BTTN Đakrông -Ảnh: T.T

Hệ sinh thái đa dạng, phong phú

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có diện tích trên 23.456 ha, là khu vực duy nhất của Việt Nam có cả Đông và Tây Trường Sơn với dãy núi cao trên 1.000 m. Trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập với độ che phủ rừng trên 90%, lâm phần quản lý của khu bảo tồn có nhiều dãy núi đá vôi và các đỉnh núi cao. Nơi đây có nhiều cảnh quan đẹp như: động Brai, đường Hồ Chí Minh đi ngang khu rừng nguyên sinh, núi Voi Mẹp được mệnh danh là “Nóc nhà Quảng Trị”.

Đây còn là 1 trong 4 khu rừng đặc dụng của tỉnh Quảng Trị, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp với 1.296 loài thực vật, 110 loài thú, 33 loài cá, 206 loài chim, 81 loài bò sát ếch nhái; là nơi sinh sống của các loài động, thực vật có ý nghĩa bảo tồn quốc tế với 11 loài được có tên trong Sách đỏ thế giới; 5 loài nguy cấp: voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng, gấu ngựa và sao la; 6 loài thuộc loại sắp nguy cấp là: tê tê Java, khỉ mặt đỏ, rối cá vuốt bộ, mang lớn, bò tót, sơn dương.

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, khu hệ thú gồm có 110 loài thuộc 30 họ, 10 bộ thì có 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới (IUCN), 39 loài trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với khu hệ chim, có 206 loài thuộc 49 họ, 12 bộ; trong đó có 8 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài trong Sách đỏ thế giới, 21 loài trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Khu hệ cá có 33 loài thuộc 28 giống, 17 họ, 6 bộ; trong đó có 1 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Đối với các loài bò sát, ếch nhái ghi nhận được 81 loài, 56 giống, 18 họ và 3 bộ; trong đó có 14 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong Sách đỏ thế giới, 15 loài có tên trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Hiện nay, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam thường được xác định dựa vào Sách đỏ và một số văn bản pháp luật. Phần lớn các nhà động vật học xác định loài nguy cấp, quý, hiếm theo các tài liệu: Sách đỏ Việt Nam (2007), Sách đỏ thế giới, Nghị định số 64/2019/NĐCP, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Xác định động vật hoang dã (ĐVHD) là tài nguyên vô cùng quý hiếm, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống cho con người, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế thường xuyên trao đổi, phối hợp tổ chức thực hiện 6 công trình nghiên cứu, bảo tồn động vật: Điều tra giám sát bò tót; điều tra khu hệ cá; điều tra khu hệ bò sát ếch nhái; điều tra khu hệ côn trùng rừng; điều tra giám sát một số loài chim, thú nguy cấp, quý hiếm; điều tra, đánh giá phân bố và hiện trạng của loài vượn siki.

Khu BTTN Đakrông có diện tích trên 37.666 ha, nằm trên địa giới hành chính của 7 xã: Triệu Nguyên, Ba Lòng, Đakrông, Tà Long, Húc Nghì, Ba Nang, A Bung, huyện Đakrông; cách trung tâm TP. Đông Hà khoảng 70 km về phía Tây Nam. Nơi đây cũng có hệ sinh học rất đa dạng và phong phú, được xem là vùng điển hình của hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng đồi núi thấp Bắc Trường Sơn của Việt Nam.

Khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Khu BTTN Đakrông đã thống kê được 91 loài thú thuộc 28 họ, 10 bộ; 193 loài chim thuộc 43 họ, 15 bộ; 32 loài bò sát thuộc 13 họ, 2 bộ và 17 loài lưỡng cư thuộc 5 họ, 1 bộ. Trong tổng số 333 loài động vật có xương sống ở cạn, có 56 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 40 loài ghi trong danh lục Sách đỏ thế giới.

Khu BTTN Đakrông được tổ chức bảo tồn Chim quốc tế (Birdlife international) xếp vào vùng chim đặc hữu vùng địa hình đồi núi thấp miền Trung Bộ - một trong 3 vùng chim đặc hữu của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn

Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông Trương Quang Trung cho biết, hiện Khu BTTN Đakrông có 2 đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan.

Nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế, cứu hộ và phát triển sinh vật; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phát triển sinh thái theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi được giao quản lý. Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

Lắp đặt bẫy ảnh tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa -Ảnh: T.T

Lắp đặt bẫy ảnh tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa -Ảnh: T.T

Năm 2022, Ban Quản lý Khu BTTN Đakrông phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tiến hành đặt máy bẫy ảnh theo dạng lưới có hệ thống (2,5 km x 2,5 km) trên toàn khu bảo tồn với 132 máy ở 66 trạm. Các trạm này cách nhau tối thiểu 2 km tùy địa hình (mỗi trạm đặt 2 máy bẫy ảnh, các máy này cách nhau tối thiểu 20 m) để thu thập dữ liệu về động vật rừng tại khu bảo tồn.

Đồng thời, tiến hành khảo sát mối đe dọa xung quanh các trạm bẫy ảnh với bán kính khảo sát là 200 m. “Thông qua các dữ liệu thu được từ máy bẫy ảnh và kết quả khảo sát các mối đe dọa thì chúng tôi nắm rõ được sự phân bố, tình trạng quần thể, các mối đe dọa liên quan đến các loài ĐVHD. Từ đó đề ra các giải pháp, phương án bảo vệ. Ngoài ra, thông qua dữ liệu máy bẫy ảnh cung cấp giúp cho chúng tôi phát hiện một số loài bổ sung cho danh lục động vật của khu bảo tồn”, ông Trương Quang Trung nói.

Còn tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, để giám sát, bảo vệ ĐVHD có hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện khảo sát đặt bẫy ảnh có chức năng chụp hình và quay phim tự động, có thể hoạt động trong những điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt tại 77 điểm trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn.

Trong chương trình này, 40 máy bẫy ảnh đã được sử dụng và đặt ở các khu vực, địa điểm khác nhau, chủ yếu trên 4 dạng sinh cảnh chính: rừng tự nhiên núi đất thường xanh giàu; rừng tự nhiên núi đất thường xanh trung bình; rừng tự nhiên núi đất thường xanh nghèo; rừng tự nhiên núi đất thường xanh phục hồi. Trong năm 2021, 40 máy bẫy ảnh được đặt trên các tiểu khu 611, 612, 613 và 652A. Năm 2022, 40 máy bẫy ảnh được đặt trên các tiểu khu: 643A, 645, 652, 657, 666, 667A, 667B và 670A.

Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho hay: “Kết quả bước đầu cho thấy hình ảnh của 18 loài thú, 14 loài chim, đều là động vật nguy cấp, quý, hiếm (11 loài có tên thuộc IUCN 2019, 18 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007), bổ sung 2 loài mới ghi nhận tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là khướu má hung và gà so họng hung”.

Trần Tuyền

Bài 2: Để động vật hoang dã có môi trường sống an toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/bao-ton-dong-vat-hoang-da-gop-phan-gin-giu-nguon-tai-nguyen-quy-gia-bai-1-rung-quang-tri-noi-cu-ngu-cua-nhieu-loai-dong-vat-dac-huu-quy-hiem/178069.htm