Bảo tồn không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử

Thế kỷ XIII - XIV, Phật giáo ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao là sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Dưới thời Trần, không gian Phật giáo Trúc Lâm trải rộng ở cả sườn Đông và Tây dãy núi Yên Tử. Phật giáo Trúc Lâm để lại rất nhiều giá trị, trong đó có giá trị văn hóa.

Không gian Phật giáo Trúc Lâm

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh; sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang, trải dài qua địa phận các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Thời Trần, phía Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, còn phía Tây Yên Tử là vùng đất Phật hoàng hoằng dương Phật pháp. Về sau, Pháp Loa và Huyền Quang phát triển Phật giáo Trúc Lâm rộng khắp theo con đường phía Tây này.

 Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang và các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về Phật giáo Trúc Lâm.

Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang và các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về Phật giáo Trúc Lâm.

Thời Trần, Phật giáo Trúc Lâm ra đời, được phân bố trên một không gian rộng lớn, tập trung ở 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Ở tỉnh Quảng Ninh, đó là hệ thống di tích thuộc khu vực Yên Tử với hàng chục điểm di tích lớn nhỏ, trong đó ở khu vực Đông Triều tiêu biểu là chùa Quỳnh Lâm, Am Ngọa Vân... Tại tỉnh Hải Dương có chùa Thanh Mai và cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng nhiều di tích khác có liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm.

Ở tỉnh Bắc Giang, các di tích Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử gồm nhiều chùa, như: Chùa Hòn Tháp, xã Cẩm Lý; chùa Yên Mã, xã Bắc Lũng; chùa Bình Long, xã Huyền Sơn; chùa Khám Lạng, chùa Cao, chùa Non, xã Khám Lạng; chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương; chùa Đồng Vành, chùa Chồi, chùa Văn Non, xã Lục Sơn… (Lục Nam); chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn); chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng)…

Các di tích và tư liệu văn bia mang nhiều giá trị văn hóa vật thể phản ánh rõ dấu ấn của Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử. Nổi bật như: Chùa Am Vãi còn lưu giữ ngôi tháp đá cổ “Liên Hoa bảo tháp” thời Trần. Tấm bia bài vị trong tháp có ghi “Trúc Lâm viên tịch Ma ha Tỳ khưu Như Liên hóa thân Bồ tát cẩn vị” (Dịch nghĩa: Vị thiền sư là Ma ha bất thương Tỳ khưu Như Liên hóa thân làm Bồ tát được viên tịch về chốn tổ Trúc Lâm).

Chùa Vĩnh Nghiêm, dưới thời Nhị tổ Pháp Loa đã xây dựng chùa là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Ngoài giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, chùa Vĩnh Nghiêm có một số văn bia khác ghi quá trình xây dựng, trùng tu chùa. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ bộ Mộc bản của Phật giáo Trúc Lâm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản tư liệu quý giá đối với quá trình phát triển văn tự của Việt Nam.

 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).

Ngoài những tư liệu văn bia, văn tự, mộc bản, ở vùng Tây Yên Tử còn nhiều di tích liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm, trải qua thời gian đã trở thành phế tích, chỉ còn lại các dấu vết qua các đợt khai quật khảo cổ. Qua các hiện vật, dấu tích khai quật khảo cổ phản ánh được kiến trúc các ngôi chùa Phật giáo Trúc Lâm được xây dựng có quy mô lớn từ thời Lý - Trần - Lê.

Hệ thống các ngôi chùa cổ tuy ở các vùng cách xa nhau nhưng có mối liên kết với nhau. Các ngôi chùa như: Hòn Tháp, Am Vãi, Bình Long, Mã Yên, Hồ Bấc, chùa Cao, Đồng Vành… đều có mối liên hệ chặt chẽ với chùa Vĩnh Nghiêm. Hệ thống các ngôi chùa cổ Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang gắn kết chặt chẽ với các ngôi chùa Phật giáo Trúc Lâm ở tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh trong không gian văn hóa tôn giáo nhiều thế kỷ trước.

Qua những di tích, hiện vật còn sót lại là minh chứng thuyết phục cho sự tồn tại các quần thể công trình kiến trúc Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử, là cứ liệu khoa học tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử… có thể giúp các nhà khoa học, nhà quản lý làm rõ các vấn đề văn hóa, lịch sử. Từ đó tạo cơ sở cho công tác quy hoạch, trùng tu, phục dựng lại các di tích Phật giáo Trúc Lâm và phát huy các giá trị. Có thể thấy các di tích, văn bia của Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử mang nhiều giá trị văn hóa vật thể, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Giá trị văn hóa phi vật thể

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/2 Âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội lớn ở địa phương giữ được các giá trị đặc sắc truyền thống. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, sự hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được duy trì, do 3 làng kết hợp tổ chức gồm: La Thượng, La Trung, La Hạ, xã Trí Yên (Yên Dũng). Điều đó khẳng định Phật giáo Trúc Lâm có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống tín đồ người dân, thể hiện niềm tin, lòng thành kính đối với Tam tổ Trúc Lâm.

Ngoài ra còn có các lễ hội khác tổ chức với quy mô lớn như: Lễ hội Chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn) là một trong những lễ hội Phật giáo lớn được tổ chức vào ngày mồng 2 và 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Lễ hội Tây Yên Tử, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) được tổ chức ngày 11 và 12 tháng Giêng. Lễ hội chùa Bình Long, xã Huyền Sơn (Lục Nam) tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng… Bên cạnh đó còn có nhiều lễ hội khác ở các di tích Phật giáo Trúc Lâm tổ chức với quy mô cấp làng, xã thường xuyên hằng năm.

Lễ hội Phật giáo Trúc Lâm ở miền đất Tây Yên Tử được tổ chức lâu đời, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, là nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa của cộng đồng, phát huy được tinh thần yêu quê hương, đất nước, tạo ra sự đoàn kết trong cộng đồng.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa

Giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020” của UBND tỉnh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và bước đầu gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững, tạo điểm nhấn cho văn hóa Bắc Giang. Đã có 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 13 di tích xếp hạng quốc gia, 163 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 445 di tích được tu bổ, 11 địa điểm khảo cổ được khai quật, thu được gần 50 nghìn hiện vật.

 Hiện vật thế kỷ XIII-XIV được Bảo tàng tỉnh Bắc Giang sưu tầm.

Hiện vật thế kỷ XIII-XIV được Bảo tàng tỉnh Bắc Giang sưu tầm.

Giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc lâm ở Bắc Giang thể hiện rõ nét qua các ngôi chùa cổ bên sườn Tây Yên Tử, từ không gian kiến trúc, các hiện vật, văn bia, văn tự đến các nghi lễ, lễ hội… Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc lâm ở tỉnh Bắc Giang những năm qua đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều ngôi chùa cổ đã được trùng tu tôn tạo, xây mới, nhiều tuyến đường được mở rộng. Điểm nhấn của công tác bảo tồn và phát huy di sản là hệ thống các di tích Tây Yên Tử. Từ đó "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Tổ Trúc Lâm" đã cơ bản được hình thành, kết nối các điểm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, trở thành điểm sáng của Bắc Giang và lan tỏa ra các tỉnh, TP khác trong cả nước.

Theo đề nghị của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm tại vùng đất thiêng Tây Yên Tử, đẩy mạnh phối hợp liên kết vùng giữa 3 tỉnh Bắc Giang - Quảng Ninh - Hải Dương, trên cơ sở đó khôi phục quần thể Phật giáo Trúc Lâm thống nhất nhằm phát triển KT - XH ở địa phương và các vùng lân cận. Trong đó tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm ở khu vực Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang. Phối hợp với các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu làm rõ các giá trị của không gian văn hóa Tây Yên Tử. Từ đó phục dựng lại các ngôi chùa cổ đã thành phế tích bên sườn Tây Yên Tử; liên kết các tuyến giao thông, tạo thành hệ thống quần thể thống nhất, phát triển du lịch tâm linh - sinh thái.

Tổ chức và phục dựng các lễ hội của Phật giáo Trúc Lâm của các di tích bên sườn Tây Yên Tử đúng nghi lễ, có thể liên kết với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh lên kế hoạch khoảng 5 năm một lần cùng phối hợp tổ chức một lễ hội Phật giáo Trúc Lâm quy mô lớn nhằm tạo ra một không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thống nhất, thu hút đông đảo tín đồ, người dân tham dự.

Xây dựng, tổ chức các tour du lịch trong tỉnh liên kết tới các điểm di tích của Phật giáo Trúc Lâm ở các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, rộng hơn có thể liên kết tới điểm di tích Phật giáo Trúc Lâm ở hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh để người dân và du khách trải nghiệm "Con đường Hoằng dương Phật pháp của Tam tổ Trúc Lâm".

 Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) ngày càng thu hút khách tham quan.

Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) ngày càng thu hút khách tham quan.

Tiếp tục khảo sát, khai quật khảo cổ các di tích dọc theo "Con đường Hoằng dương Phật pháp của Tam tổ Trúc Lâm", lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm ở Bắc Giang. Biên soạn, xuất bản, sưu tầm, phổ biến các tài liệu, tư liệu, sách, phim có nội dung về Phật giáo Trúc Lâm nói chung, Phật giáo Trúc Lâm ở Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang nói riêng, đồng thời dịch ra các ngôn ngữ khác để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm ra nước ngoài.

Xây dựng phần mềm bản đồ số hệ thống hóa toàn bộ các di tích có liên quan tới Phật giáo Trúc Lâm ở Bắc Giang; thông tin chi tiết về lịch sử, giá trị của từng di tích, thực trạng hiện nay, những tuyến đường đi tới các di tích đó. Từ đó quảng bá, tuyên truyền, giáo dục chức sắc, tín đồ, người dân có ý thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác bảo tồn, quản lý di tích, di sản về chuyên môn nghiệp vụ, có chuyên môn sâu về Phật giáo nói chung, Phật giáo Trúc Lâm nói riêng. Xây dựng lộ trình đào tạo để hình thành được đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, tôn giáo.

Nâng cao vai trò của các chức sắc, nhà tu hành trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các tăng, ni, phật tử về giá trị văn hóa Phật giáo. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh có Phật giáo Trúc Lâm mở lớp bồi dưỡng giáo lý, phương pháp tu tập… cho tăng, ni, phật tử… Qua các hoạt động trên góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Tiến sĩ Dương Ngô Ninh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-ton-khong-gian-van-hoa-phat-giao-tay-yen-tu.bbg