Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số
Tuyên Quang có 22 anh em dân tộc cùng sinh sống xen kẽ, trong đó dân tộc kinh chiếm 48,1%; cộng đồng các dân tộc thiểu số chiếm 51,79%. Mỗi dân tộc nơi đây đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên những bản sắc vùng miền độc đáo. Chính vì vậy, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bản tỉnh là nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.
Ông Trần Đức Thắng, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, nhằm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc… Tỉnh rất coi trọng, quan tâm gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội với nhiều cách làm phong phú, thiết thực, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa dân tộc; định kỳ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; xác định, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ, tổ chức hội thảo khoa học góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số luôn được huyện Sơn Dương đặc biệt quan tâm. Chị Phạm Thị Lý, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện quan tâm và đặt là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giai đoạn 2020 - 2025 và thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai các công tác bảo tồn.
Đến nay, toàn huyện có 495 Đội văn nghệ và 39 CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc với trên 8.500 thành viên ở 31 xã, thị trấn… Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn huyện đã được duy trì và phát triển, đặc biệt là các hoạt động văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc như: Lễ hội lồng tông, hát Then - đàn tính của dân tộc Tày; lễ cấp sắc, lễ hội cầu mùa, hát Páo dung, thổi khèn, múa chuông của dân tộc Dao; múa khèn, thổi sáo của dân tộc Mông.
Ông Hoàng Lục Thái, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Sơn Nam bày tỏ, CLB được thành lập từ năm 2013, quy chế và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu như: truyền dạy tiếng nói, chữ viết, duy trì và phát huy giá trị các nghi lễ cúng tổ tiên; dệt thổ cẩm trên trang phục; truyền dạy các làn điệu hát giao duyên, đối đáp; các trò chơi dân gian… Góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình.
Chị Lương Thị Lan, thành viên CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tiền, xã Hồng Quang (Lâm Bình) chia sẻ, những thành viên trong CLB thường xuyên luyện tập với nhau những điệu múa như: múa chuông, múa ngày mùa, hát dân ca, hát tiếng dân tộc ca ngợi về quê hương đất nước, đồng bào dân tộc Dao… Để khi được tham gia biểu diễn văn nghệ do huyện, xã tổ chức ai cũng cảm thấy vui, tự hào được đem lời ca tiếng hát để quảng bá giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 425 di sản văn hóa phi vật thể; 10 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố, các đơn vị cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 CLB hát dân ca bảo tồn văn hóa dân tộc; 70 CLB hát Then - đàn Tính; 13 CLB hát Sình ca Cao Lan; tổ chức nghiên cứu phục dựng một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông, Cầu May đình Hồng Thái, Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Đầm Mây dân tộc Cao Lan; triển khai 9 đề tài khoa học xã hội và nhân văn; tỉnh có 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”; 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”…
Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của mỗi địa phương.