Bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là vùng đất lưu giữ di sản Hán Nôm với nhiều tư liệu quý giá. Tuy nhiên, không ít tư liệu trong số này đang dần thất thoát, mất mát, hư hỏng, đòi hỏi các đơn vị liên quan phải tích cực chạy đua với thời gian để sưu tầm, số hóa nhằm bảo tồn.

Thừa Thiên Huế có kho tàng di sản Hán Nôm phong phú

Theo TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, xứ Thuận Hóa nói chung, Cố đô Huế nói riêng được xem là vùng đất "phên dậu" của Đại Việt từ thời Lý, Trần, Hồ, Lê, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 vương triều Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945). Bởi vậy, xứ sở này đã có sự giao thoa, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo. Trong đó, di sản Hán Nôm là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất xứ Thần kinh.

Thừa Thiên Huế là vùng đất lưu giữ nhiều tư liệu di sản Hán Nôm quý giá.

Thừa Thiên Huế là vùng đất lưu giữ nhiều tư liệu di sản Hán Nôm quý giá.

Di sản Hán Nôm là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm tại Thừa Thiên Huế, nhất là đối với các nguồn tư liệu giấy đã và đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế các thể loại tư liệu Hán Nôm đang còn nằm rải rác trong nhân dân, trong đó có các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn. Đây là tư liệu quý, hiếm có giá trị về lịch sử, nội dung và chất liệu trong hệ thống các loại hình tư liệu đang lưu trữ tại các địa phương. Phần lớn các loại hình tư liệu này được người dân cũng như các dòng họ, tư gia, phủ đệ, tôn giáo, tín ngưỡng hết sức coi trọng, xem đó như là báu vật tinh thần và được bảo quản hết sức tôn nghiêm và cẩn trọng. Ngoài một số bị thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai,… đã có không ít tư liệu Hán Nôm quý bị mối mọt hủy hoại đáng tiếc vì không có điều kiện bảo quản và phương pháp bảo quản đúng cách.

Nhiều tư liệu di sản Hán Nôm đa dạng hiện đang được lưu giữ ở các làng xã, họ tộc, tư gia xứ Huế.

Nhiều tư liệu di sản Hán Nôm đa dạng hiện đang được lưu giữ ở các làng xã, họ tộc, tư gia xứ Huế.

Bàn về giá trị của tư liệu Hán Nôm tại Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, bên cạnh di sản Hán Nôm cung đình và tác phẩm Hán Nôm của các tác gia sáng tác từ Huế, viết về Huế, địa phương này còn có di sản Hán Nôm đa dạng ở làng xã, họ tộc, tư gia xứ Huế. Qua thời gian, tuy có bị hư hỏng, thất thoát, song số còn lại vẫn rất phong phú.

Theo ông Hoa, nhiều làng hiện đang gìn giữ được các mảng sắc phong, địa bộ, đinh bộ, thuế bộ, các tập văn nghi lễ, hương phổ, liễn đối, bi ký, minh văn, văn thư trình báo của làng. Một số làng còn giữ được cả những văn thư của triều đình, phủ huyện, chiếu, chỉ, truyền, phó, thị, sức, kiểu... và các bộ truyền đạt xuống làng xã, phản ánh sinh động đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày trước. Phần lớn các họ tộc đang giữ được gia phả các đời. Các phủ đệ, gia đình danh gia vọng tộc còn giữ được những ấn phẩm, ván khắc mộc bản, bản thảo những tác phẩm Hán Nôm có giá trị.

Chạy đua với thời gian để bảo tồn

Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, từ năm 2009 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua điền dã khảo sát, các nhóm nghiên cứu đã số hóa gần 500.000 trang tư liệu Hán Nôm ở 199 làng, 967 họ tộc và 19 phủ đệ, tư gia gồm: Sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng và các loại tài liệu khác.

Các tài liệu được sưu tầm đều là văn bản gốc, khá đầy đủ và đa dạng các loại hình tư liệu Hán Nôm ở Thừa Thiên Huế. Các văn bản được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau với nội dung phong phú và có giá trị trên nhiều lĩnh vực như văn bản học, lịch sử - văn hóa, tư tưởng và phong tục tập quán…

Tiến hành số hóa tư liệu di sản Hán Nôm tại các làng xã ở Thừa Thiên Huế.

Tiến hành số hóa tư liệu di sản Hán Nôm tại các làng xã ở Thừa Thiên Huế.

Việc nghiên cứu điều tra, khảo sát, sưu tầm gắn liền với số hóa các tư liệu Hán Nôm thời gian qua đã giúp nhiều người hiểu sâu hơn về vùng đất Thừa Thiên Huế và đóng góp vào việc nghiên cứu Việt Nam trong thời kỳ trung đại. Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, phục chế một số sắc phong, bằng cấp, tổ chức trưng bày, triển lãm, quảng bá giá trị tài liệu Hán Nôm Huế, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu cho một số thư viện, các tủ sách cơ sở, các bảo tàng và làng xã, họ tộc… đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trên địa bàn.

Từ nguồn tư liệu sưu tập được, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển dịch và xuất bản một số ấn phẩm như "Sắc phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế" (năm 2020), "Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế (năm 2021) "Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế" (năm 2022)… Các công trình nghiên cứu này đã được các nhà khoa học cùng độc giả đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo tồn, nhưng theo các chuyên gia, những thống kê kể trên vẫn còn khá khiêm tốn so với kho tàng di sản Hán Nôm đồ sộ vốn có của địa phương. Qua thực tiễn cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán Nôm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức về cả nhân lực và vật lực. Làm sao để chạy đua với thời gian để kịp thời số hóa, bảo tồn các tài liệu Hán Nôm nguyên gốc có trước nguy cơ hư hỏng; bên cạnh đó, khai thác một cách hiệu quả nguồn tài liệu đã được số hóa là trăn trở của các nhà quản lý và các nhà chuyên môn.

Nhiều tư liệu Hán Nôm quý là các sắc phong, chế phong, bằng cấp, các văn bản... sau khi sưu tầm, số hóa, phục chế đã được trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng.

Nhiều tư liệu Hán Nôm quý là các sắc phong, chế phong, bằng cấp, các văn bản... sau khi sưu tầm, số hóa, phục chế đã được trưng bày, triển lãm giới thiệu đến công chúng.

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tổ chức phân loại, biên mục tư liệu theo nguyên tắc và phương pháp thư viện học. Xác định giá trị, lựa chọn, bảo quản an toàn để nâng cao tuổi thọ tài liệu, phục vụ việc khai thác, sử dụng tài liệu tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công tác chuyển đổi số trong việc triển khai có hiệu quả phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu điện tử Hán Nôm. Cải thiện trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác số hóa, bảo quản, phục hồi cũng như phát huy giá trị nguồn tài liệu được sưu tầm, số hóa… Đặc biệt, nghiên cứu phục chế một số tài liệu Hán - Nôm quý hiếm bị hư hỏng nặng, ưu tiên bảo quản các tư liệu quý hiếm, khó bảo quản lâu dài.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-kho-tang-di-san-han-nom-do-so-tai-thua-thien-hue-20240822130948317.htm