Bảo tồn, phát triển làng nghề thích ứng với thị trường
Thanh Hóa hiện có 118 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận. Trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều phương thức sản xuất hiện đại ngày nay, một số làng nghề đã nhanh nhạy bắt nhịp thị trường. Cùng với cải tiến sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, nhiều chủ thể cũng đã quan tâm hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu nhằm duy trì mạnh mẽ sức sống của nghề.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng tại làng nghề dệt chiếu Nga Liên (Nga Sơn).
Vượt xa khỏi tính làng xã và trường tồn hàng nghìn năm tuổi, làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) là một trong những làng nghề hiếm hoi trên cả nước có giá trị sản xuất vượt ngưỡng 200 tỷ đồng mỗi năm. Không những tạo việc làm ổn định cho gần 500 lao động, nghề đúc đồng nơi đây đã đóng góp một phần quan trọng trong lưu giữ tiếng trống đồng vang vọng của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đồ đồng Trà Đông được thương lái khắp nơi trong cả nước tìm về đặt hàng, đặc biệt là dịp tết với nhiều mặt hàng đồ lưu niệm, trống đồng dùng làm quà tặng, biếu hay đồ thờ cúng như lư hương, đài đựng nước, chân đèn...
Không chỉ có những bí quyết cổ truyền, để tạo thương hiệu và giữ vững chỗ đứng trên thị trường, cùng với sự sáng tạo và niềm say mê giữ nghề, các nghệ nhân tài hoa nơi đây đã nghiên cứu, khôi phục những kỹ thuật đúc trống đồng, chiêng đồng, tượng đồng. Trong đó, đỉnh cao là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa.
Được biết, do tác động của kinh tế thị trường, nghề đúc đồng ở làng Trà Đông cũng có nhiều thăng trầm. Thế nhưng ngày nay, các sản phẩm của làng nghề đúc đồng Trà Đông đã ổn định thương hiệu bởi sản phẩm ngày càng tinh xảo và có sức cạnh tranh cao. Đến nay, đã có 5 sản phẩm đồ đồng đạt chứng nhận OCOP 4 sao, 1 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.
Hay như làng nghề chiếu cói Nga Sơn từ lâu cũng được xem là biểu tượng văn hóa của vùng đất Đông Bắc xứ Thanh. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào những ưu thế vùng nguyên liệu với sợi dài, nhỏ, dai và óng mượt - tiêu chí đầu tiên mang lại những sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp (DN), người dân Nga Sơn cũng đã luôn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, mẫu mã đẹp, đa dạng.
Đặc biệt, từ những sản phẩm dân dã, thôn quê đơn thuần, nhiều sản phẩm cói đã được những đôi tay tài hoa, sáng tạo của người thợ “thổi hồn” thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như làn, giỏ, dép đi trong nhà... với họa tiết, hoa văn tinh tế. Mặt hàng truyền thống là chiếu cũng được cải tiến đa dạng chủng loại như chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi... với kiểu dáng thanh mảnh, trẻ trung. Và, theo chân các DN như Công ty TNHH Việt Trang, Công ty Chế biến xuất khẩu cói Việt Anh, nhiều sản phẩm từ cói đã xuất khẩu thành công sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Theo lãnh đạo huyện Nga Sơn, trong nhiều năm trước đó, nghề truyền thống dệt chiếu ở Nga Sơn từng bị mai một, mất chỗ đứng trên thị trường do thị hiếu người tiêu dùng chuyển dịch sang dùng đệm, chiếu trúc, chiếu nhựa... Cùng với cải tiến ra nhiều sản phẩm chiếu nhỏ gọn, phù hợp nhiều bối cảnh để đa dạng hóa thị trường, các DN trên địa bàn đã du nhập, sáng tạo thêm nhiều chủng loại, mẫu mã hàng hóa là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành cói trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt 11 triệu USD. Với những định hướng mới như sáng tạo, phát triển sản phẩm gia dụng, đồ dùng gia đình, nhà hàng, khách sạn và đặt ra mục tiêu mở rộng ra thị trường chính là Mỹ cùng nhiều tập đoàn lớn; thậm chí, xâm nhập các kênh bán lẻ Amazon mà các DN đang nghiên cứu, sẽ tạo hàng lang thương mại cho sản phẩm các làng nghề ở Nga Sơn tiếp tục vươn xa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 36 nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 27 nghề truyền thống và 9 nghề du nhập mới. 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 65.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng... Tuy nhiên, ngoài một số làng nghề có sức sống bền bỉ, hưng thịnh như nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc); nghề mộc làng Đạt Tài (Hoằng Hóa); nghề đá mỹ nghệ làng Mai, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc); làng nghề chế biến thủy sản, làng Liên Đình, xã Hải Bình (thị xã Nghi Sơn)... thì không ít làng nghề đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, trong đó có những làng nghề từng “nức tiếng”, “vang danh” một thời như làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô (thị trấn Thiệu Hóa), nghề đan cót truyền thống làng Giàng, phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa)...
Tại các làng nghề, đến nay đã có những “hạt nhân” tiếp tục “thổi lửa” là các DN, HTX, tổ hợp tác. Theo hướng đi này, hy vọng làng nghề truyền thống xứ Thanh sẽ khắc phục được những yếu điểm như quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, mang tính hộ gia đình; chậm đầu tư, thay đổi mẫu mã. Các DN, HTX cũng sẽ chú trọng hơn tới việc hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng, chú trọng khâu quảng bá thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thương trường.