Bảo tồn sơn dược
Trước đây, vùng Bảy Núi với vô số loài thảo dược thanh khiết mọc hoang dại trên núi cao. Giờ đây đã cạn kiệt dần nhưng có một vài người dân đã âm thầm gìn giữ, bảo tồn nguồn gen thuốc núi quý giá này.
Qua thời thảo dược mọc khắp núi rừng
Mùa này, trên núi cao luôn xuất hiện mây mù bảng lảng. Thi thoảng những cuộn mây đen bỗng chốc ôm ấp núi rồi đổ mưa ràn rạt tưới mát cánh rừng xanh tươi sau nhiều tháng oằn mình chịu hạn. Dưới tán rừng, vô số “kỳ hoa dị thảo” đua nhau phát triển, ở đó được ví như kho thảo dược vô tận. Tôi có mặt tại “túp lều lý tưởng” của lão sơn dân Út Thành (Đinh Văn Tươi, 93 tuổi, sống gần hồ Thủy Liêm). Chúng tôi bước vào bên trong khu vườn tìm ông Út thì cũng là lúc lão sơn dân chống gậy leo lên dốc đồi. Mặc dù năm nay ở cái tuổi gần “bách niên” nhưng ông Út rất khỏe.
Ngồi tựa lưng vào chiếc ghế gỗ cũ, ông chậm rãi pha trà, mời chúng tôi thưởng thức. Lâu lắm, tôi mới có thời gian ngồi thư thả trên ngọn núi cao 716m được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai của miền Tây này. Hớp ly trà “quạu” của lão sơn dân sống trường thọ nơi núi rừng này là dịp rất hiếm hoi. Thiên nhiên núi Cấm trong lành, mát dịu, hiếm nơi nào ở đồng bằng châu thổ sánh được. Tôi hít thật sâu, thở thật mạnh để hòa mình vào thiên thiên, cảm nhận cảnh vật an yên chốn này.

Ông Thiện Chung, người bảo tồn hàng trăm loài sơn dược quý hiếm.
Ngồi hàn huyên, ông Út nhớ lại, ông lên núi Cấm khoảng 50 năm. Hồi trước, quê gốc của ông Út ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ). Gia đình ít đất, ông quyết lên núi Cấm khai khẩn lập vườn được 1,5ha, trồng cây ăn trái. Hàng ngày, ông thu nhập huê lợi rồi gánh đồ rẫy xuống núi bán cho người dân. Sau đó, ông mua gạo, nhu yếu phẩm mang lên núi sống. Cứ như vậy, năm tháng trôi qua, ông định cư trên ngọn núi này hàng chục năm.
Hỏi mới biết, ông Út là lương y nổi tiếng trên núi Cấm. Chỉ tay ra sau vườn đồi của mình, ông Út khoe, ở đó có hàng trăm loài thảo dược. Chỉ tay về cây keo lá nhỏ, dân gian gọi là cây quỷ kiến sầu, ông Út nói, ngày trước loại sơn dược này mọc đầy núi Cấm nhưng bây giờ trở nên hiếm dần do người dân chặt hạ quá mức. “Người ta cho rằng cây quỷ kiến sầu đuổi tà ma nên đua nhau chặt mang về nhà để hoặc làm chuỗi đeo tay”, ông Út cho hay.
Phục hồi nguồn gen quý
Trong khu vườn của ông Út còn bảo tồn nhiều cây huyết rồng hàng chục năm tuổi. Ông xem loài thảo dược này như cây quý trong vườn, không cho ai đến chặt mang về. Ông Út nói, có hôm một số người đến xin ông cây huyết rồng về làm thuốc, ông không cho vì sợ bị mất giống dược liệu quý của núi Cấm. Mấy năm trước, vườn thuốc núi của ông Út còn được nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến tham quan thực tế, nghiên cứu về những loài thảo dược quý ở núi Cấm được bảo tồn.
Thấy chúng tôi nhìn quanh sau vườn nhà ông Út, nhưng không biết loại nào là cây thuốc, loại nào là cây rừng, ông Út cười: “Người nào chưa học qua thì không biết được các loại thuốc trên núi Cấm”. Ngọn núi thiêng này có nhiều loại thuốc trông giống nhau nhưng ông Út nắm rành hàng trăm loại. Ví dụ như cây thảo dược đỗ trọng, ông Út cho biết, thân và lá loại này đem so sánh với cây càng đước thì giống cây thuốc ngũ linh chi. Nếu không am tường, rất dễ nhầm lẫn và điều trị nhầm bệnh. Còn cây ô đước, hộ phát, quế có mùi thơm giống nhau, khó phân biệt…
Say sưa trò chuyện với ông Út khi trời đứng bóng, chúng tôi nhanh chân tuột dốc núi Cấm ngược về núi Đất Nhỏ thuộc phường Tịnh Biên. Gặp lương y Nguyễn Thiện Chung (58 tuổi) đang bốc thuốc cho người dân. Ông Chung từng là Chủ tịch Hội Đông y TX. Tịnh Biên (cũ). Phía sau nhà ông là ngọn núi Đất Nhỏ được ông trồng bảo tồn hàng trăm loài sơn dược quý hiếm. Ngày trước, ông Chung và ông Út Thành từng liên hệ, gặp gỡ nhau trên núi. Hai ông mạn đàm chuyện dược liệu núi Cấm hàng giờ mà không thể nào biết hết các loài sơn dược của ngọn núi thiêng này.
Ông Chung khoe, sau vườn nhà là kho sơn dược được ông sưu tầm ở núi Cấm, núi Dài, núi Tô, thậm chí có loại thảo dược được ông Chung lấy từ đảo Phú Quốc mang về. Thấy tôi nửa tin nửa ngờ, ông Chung chỉ cây bí kỳ nam, quả quyết được sưu tầm từ đảo Phú Quốc mấy năm trước. Hiện cây thảo dược này hiếm. “Bảo đảm cả vùng Bảy Núi chỉ mình tôi có cây thuốc này”, ông Chung khẳng định. Ngoài ra củ hoàng tinh hoa trắng hiếm người trồng. Dường như vùng Bảy Núi này không còn. Ngày trước, ông Chung sưu tầm củ hoàng tinh hoa trắng ở núi Cô Tô mang dược tính tốt.
Ông Chung kể, gia đình ông có truyền thống làm thầy thuốc nhiều đời. Tham gia công tác hội y học cổ truyền từ năm 1991 đến nay, ông Chung hỗ trợ, đào tạo nhiều lương y, y sĩ đông y ở địa phương; hỗ trợ giảng dạy cho hơn 700 y sĩ học về cây thuốc nam. “Tôi ý thức bảo tồn trên 400 cây thuốc nam sau vườn nhà cạnh đồi núi Đất. Ngoài ra, tôi hỗ trợ bảo tồn cây thuốc của ngành kiểm lâm, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh...”, ông Chung chia sẻ.
Hơn 30 năm qua, ông Chung còn khám, chữa bệnh cho hơn 116.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Với thành tích đó, ông được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh và ngành chuyên môn. Ngoài ra, ông Chung còn vinh dự nhận được danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu toàn quốc” vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát triển Đông y, Đông dược Việt Nam.
Việc bảo tồn nguồn gen thảo dược không chỉ giúp duy trì hệ sinh thái mà còn là cách lưu giữ tri thức y học cổ truyền cho thế hệ mai sau. Hy vọng rằng, những nỗ lực của sơn dân sẽ giữ được kho thuốc núi trường tồn theo thời gian.
Bảy Núi có 650 loài dược liệu, trong đó núi Cấm có khoảng 300 loài, mang dược tính cao, điều trị hữu hiệu đối với nhiều loại bệnh mạn tính. Từ kinh nghiệm của mình, lương y đúc kết được nhiều bài thuốc tâm đắc trong việc trị bệnh cứu người.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bao-ton-son-duoc-a424306.html