Bảo tồn tài nguyên di sản
Con người và thiên tai luôn là mối đe dọa lên tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nguyên nhân, mức độ, phạm vi tác động vẫn là câu hỏi lớn. Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm nghiên cứu do thạc sĩ (Th.s) Võ Văn Trí làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài 'Nghiên cứu tác động thiên tai và con người ảnh hưởng lên tài nguyên Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển: Trường hợp tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình' trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) năm 2022 của tỉnh Quảng Bình.Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho hay, ứng phó với tác động thiên tai và con người cần phải hiểu rõ phạm vi, mức độ, qua đó đề xuất các giải pháp thực tế để áp dụng hiệu quả. Đề tài 'Nghiên cứu tác động thiên tai và con người ảnh hưởng lên tài nguyên Di sản VQG PN-KB làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển: Trường hợp tại xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình' cũng đã tìm ra các nguyên nhân, áp lực, thực trạng, mức độ tác động và đề xuất các nhóm giải pháp để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp này cần có nguồn lực, sự chủ động phối hợp của các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng dân cư… nhằm hướng tới bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra thực địa, thu thập các dữ liệu lịch sử để xác định phạm vi và mức độ tác động do thiên tai và con người lên hệ thủy văn, hệ sinh thái, hang động và sinh kế của người dân trong khu vực nghiên cứu; đánh giá hậu quả các tác động do thiên tai và con người lên tính toàn vẹn tài nguyên tại khu vực nghiên cứu; dự báo các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường hệ sinh thái và kinh tế-xã hội trong khu vực nghiên cứu; xây dựng giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên di sản VQG PN-KB.
Th.s Võ Văn Trí cho biết: Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong ứng phó thiên tai, quy hoạch sử dụng đất, quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không chỉ trong phạm vi nghiên cứu mà còn sử dụng ở nhiều vùng địa lý khác nhau.
Trong đó, về giải pháp bảo tồn, đã xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai và hệ thống cảnh báo nguy cơ do tác động của lũ lụt, sạt lở, cháy rừng tại khu vực xã Thượng Trạch và vùng phụ cận. Để từng bước giảm thiểu các rủi ro do thiên tai và con người, đề tài đã đề xuất nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, dân cư và các doanh nghiệp trên địa bàn về việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; cảnh báo tới người dân để họ biết các vị trí, địa điểm thường xuyên có nguy cơ bão, lũ lụt, sạt lở và xói mòn đất (đặc biệt là trước mùa mưa bão).
Từ đó chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân về tác hại của việc đốt nương làm rẫy, thảm họa do mất rừng và canh tác trên đất dốc, để các cấp chính quyền và người dân có biện pháp hợp lý để sử dụng tài nguyên lâu dài và bền vững.
Về giải pháp phát triển, nghiên cứu đã đề xuất: Mô hình nông nghiệp sinh thái thuận tự nhiên; mô hình chăn nuôi động vật bản địa thuận tự nhiên, các loại vật nuôi, như: Gà bản địa, bò bản địa, lợn bản địa, dê.
Đặc biệt là phát triển mô hình du lịch sinh thái-văn hóa. Trong đó, cần có kế hoạch nghiên cứu xây dựng các làng văn hóa du lịch và định hướng phát triển các homestay, farmstay ở các làng bản người dân tộc thiểu số; khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng du lịch dựa vào các sinh cảnh và bản sắc dân tộc của khu vực; ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào làm việc và tham gia các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch trong VQG PN-KB và vùng đệm.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất và cung cấp các sản phẩm OCOP tại địa phương, các mặt hàng lưu niệm độc đáo hoặc có giá trị văn hóa vùng miền cao như đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm cho khách du lịch và sản phẩm nông nghiệp đặc thù.
Đồng thời, đề xuất chính quyền các xã vùng đệm xây dựng “Hương ước” của thôn, xóm về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và các bản cam kết giữa các hộ gia đình với UBND xã về giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái, không xâm phạm vào vùng lõi của VQG PN-KB; thực hiện công tác vệ sinh môi trường thường xuyên nhằm hạn chế tối đa sự phát tán các thành phần gây ô nhiễm môi trường; có chế độ ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường…
Về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên di sản: Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số quy chế (như quy chế bảo vệ môi trường trên địa bàn VQG; quy chế quản lý các khu, tuyến, điểm du lịch;...); lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các hoạt động đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, đặc biệt trong công tác quy hoạch phát triển các điểm du lịch, dịch vụ; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân vùng đệm…
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202406/bao-ton-tai-nguyen-di-san-2218623/