Bảo tồn và khai thác di sản văn hóa: Trách nhiệm của hậu thế

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền thờ Lê Hoàn cũng như những kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn ngày càng khẳng định được vị trí, tầm vóc trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó thể hiện trách nhiệm của hậu thế trong việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa.

Những người làm công tác bảo vệ, trông coi tại Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn luôn tận tâm với công việc, nhiệm vụ được giao.

Những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), chúng tôi trở về Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) thăm khu di tích, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Hoàng đế Lê Đại Hành và các bậc tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quần thể di tích cho đến nay vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống và nghệ thuật trang trí đặc sắc. Giữa không gian xanh - sạch - đẹp, hẳn mỗi người dân đất Việt khi đến đây đều cảm nhận được vẻ uy nghiêm, linh thiêng của di tích.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1990 đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích cấp quốc gia và đến năm 2018 được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh này không chỉ khẳng định những giá trị đặc sắc, quý báu của di tích, mà qua đó còn đề ra nhiệm vụ quan trọng cho hậu thế trong bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa.

Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh, hiện nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: Lệnh chỉ, địa tự, hương án, chóe, đĩa, bát cổ, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ năm 1674 đến 1887 và một chiếc đĩa đá (tương truyền là của vua nhà Tống tặng vua Lê Đại Hành). Khu vực bên trong đền thờ còn có hai tấm bia đá cổ, một bia nhỏ dựng năm 1601 do Phùng Khắc Khoan soạn khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê; tấm bia thứ 2 soạn năm 1626 là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bi” khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì.

Là địa phương nơi có di tích, những năm qua cán bộ và các tầng lớp Nhân dân xã Xuân Lập luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Tống Cảnh Tiến cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn luôn là vấn đề quan trọng đặt ra cho hậu thế. Bởi vậy, trong những năm qua, các giải pháp nhằm bảo vệ di tích được xã Xuân Lập triển khai, thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, một số hiện vật tại Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn đã được chính quyền xã bảo vệ, cất giữ nghiêm ngặt tại khu vực riêng nhằm tránh hư hỏng hay bị xâm hại từ thời tiết và con người. Để phục vụ Nhân dân, du khách tham quan, tìm hiểu di tích, các hiện vật được cất giữ đã được trưng bày bằng hình ảnh tại đền thờ Lê Hoàn. Ngoài ra, công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được đặc biệt chú trọng. Bởi, đền thờ vốn là công trình kiến trúc bằng gỗ, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra nếu lơ là, thiếu cảnh giác.

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 19/12/2021 của HĐND huyện Thọ Xuân về trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2022-2025, nhiều kết quả nổi bật đã được ghi nhận. Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn đã tu bổ, tôn tạo xong giai đoạn 1. Hiện nay, các di tích có liên quan như: lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng khảo, lăng mộ Lê Đột và đường nối vào khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh. Qua đó, tạo điều kiện để Nhân dân và du khách đến tham quan, hành lễ, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, từ xa xưa các thế hệ người dân trong vùng đã hình thành và phát triển nên một lễ hội đặc sắc - Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Trải qua lịch sử ngàn năm, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn thể hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Một trong những nét đặc sắc nhất của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là đã tái hiện nhiều lễ tục độc đáo gắn với đời sống sinh hoạt dưới triều Tiền Lê, tạo nên một không gian văn hóa đầy màu sắc, mang đậm dấu ấn cổ truyền. Năm 2023, Lễ hội đền thờ Lê Hoàn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của di sản quý báu này cho các thế hệ mai sau.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Nguyễn Xuân Hải, cho biết: Trong những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, huyện đều dành một phần kinh phí để thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di tích. Cùng với đó, công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn nói riêng được triển khai, thực hiện có hiệu quả, thu hút đông đảo các thành phần xã hội và tầng lớp Nhân dân tham gia. Đối với Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương... Qua đó nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần khai thác tiềm năng và bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Thọ Xuân một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-ton-va-khai-thac-di-san-van-hoa-nbsp-trach-nhiem-cua-hau-the-211743.htm