Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử

Lào Cai có trên 30 di tích lịch sử, trong đó, quần thể di tích đền Thượng và đền Bảo Hà được quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch tâm linh là một trong những hướng đi của tỉnh Lào Cai, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa.

Quần thể di tích đền Thượng - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, một trong 14 vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Ái Vân

Quần thể di tích đền Thượng - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, một trong 14 vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Ái Vân

Soi mình bên bờ sông Nậm Thi, con sông ranh giới giữa hai địa phương của hai đất nước Lào Cai - Việt Nam và Vân Nam - Trung Quốc. Đền Thượng nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, 1 trong 14 vị tướng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Nằm ở vị trí đắc địa về giao thương kinh tế quốc tế, trải qua hơn 300 năm với bao thăng trầm của lịch sử, đền Thượng uy nghi được gìn giữ và tôn tạo như một cột mốc lịch sử về văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Đền Thượng hay còn gọi là Thánh Trần ở phố Bảo Thắng, Châu Thủy Hoa, tỉnh Hưng Hóa, nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa 1680-1705, là nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công lớn trong bảo vệ bờ cõi, non sông đất nước, một danh nhân lịch sử vĩ đại, một bậc thánh linh thiêng, tôn quý trong tâm thức người Việt Nam.

Theo truyền thuyết và lịch sử ghi lại, vào giữa năm Bính Thìn 1256, Vua Trần Thái Tông đã giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài ba Trần Quốc Tuấn, trong 30 năm, ông đã lãnh đạo quân đội Đại Việt 3 lần đánh tan giặc phương Bắc bảo vệ bờ cõi, trong đó, có 2 cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông 1285-1288. Năm 1794, giặc Thanh sang cướp nước ta, tại vùng đất Lão Nhai, ông Hoàng làng (tức ông Sét) đã chiêu mộ binh lính đánh đuổi giặc, đồng thời, lập đình thờ vọng Đức Thánh Trần cầu mong anh linh ngài giúp sức. Đình thờ được xây dựng đơn sơ, ngay chân đồi Hỏa Hiệu, năm 1836, dân làng lão Nhai đã góp công, góp của tôn tạo ngôi đình.

Đến năm 1917, năm Khải Định thứ 2, các bô lão, dân làng xây dựng lại ngôi đền khang trang, quy mô hơn để tỏ lòng ngưỡng vọng. Đền Thượng sừng sững nơi miền biên viễn, là tượng đài chiến thắng, là cột mốc vĩnh hằng của lòng yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam, âm hưởng hào khí Đông A nhà Trần vẫn vang vọng trong núi, trong sông, trong lòng người Lào Cai. Năm 1996, ngôi đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đền Thượng được đầu tư xây dựng khang trang, với 7 gian thờ, gian chính Phật thờ Thích Ca Mâu Ni, cung thờ Tam Toàn Thánh Mẫu, ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cung thờ Đức Vua cha Ngọc hoàng và các ban thờ phía tả vu, hữu vu, thờ Chầu Bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu Hầu Cận Chúa..., tất cả đều được sắp đặt theo trình tự. Các pho tượng thờ sơn son thiếp vàng, mang dáng vẻ uy nghi, tráng lệ. Bên cạnh đền Thượng là một ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 dòng chầu, giữa vương đình hình rùa vàng, lưng đội bia đá khắc tích Đức Thánh Trần, là nơi nghỉ chân của quan quân đi tuần.

Từ đầu thế kỷ 19, để tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh Trần, cứ đến mùa xuân, người dân Lão Nhai lại tổ chức lễ hội làng Lão Nhai. Sau nhiều năm gián đoạn do chiến tranh, mùa Xuân năm 1999, lễ hội đền Thượng quy mô cấp tỉnh được tổ chức nhằm khôi phục lễ hội của làng Lão Nhai xưa. Kể từ đó đến nay, lễ hội đền Thượng được tổ chức thường niên, rằm tháng Giêng là ngày chính hội với quy mô 5 năm tổ chức cấp tỉnh một lần.

Đầu Xuân, du khách hành hương về đền Thượng, hòa mình vào ngày hội lớn của thành phố biên giới để mang theo về âm hưởng hào khí Đông A cho một năm mới tràn đầy hy vọng, khởi sắc. Tháng 10/2016, lễ hội đền Thượng được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, khẳng định những giá trị văn hóa tâm linh là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và của Lào Cai nói riêng.

Đền Bảo Hà là nơi thờ Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ái Vân

Đền Bảo Hà là nơi thờ Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ái Vân

Xuôi theo dòng chảy ở tả ngạn sông Hồng, nơi cửa ngõ phía Đông của tỉnh Lào Cai còn có một ngôi đền nổi tiếng là điểm đến của du khách gần xa mang tên Bảo Hà - nơi thờ tự Thần vệ quốc Nguyễn Hoàng Bảy. Theo các nguồn sử liệu, vùng Bảo Hà xưa kia có vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc Việt Nam, ngăn chặn các cuộc tấn công của giặc phương Bắc Thăng Long. Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó, Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn, trong thời Cảnh Hưng 1740-1786, giặc phương Bắc hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành lũy kiên cố chống giặc.

Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng, đánh đuổi quân giặc, giải phóng châu Văn Bàn và xây dựng, củng cố Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ, sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tuyên đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa, Yên Bái, Lào Cai ngày nay.

Sau này, quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Tằng Tẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, Danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến, nhưng trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Xác ông trôi theo dòng sông Hồng tới địa phận xã Bảo Hà thì dạt vào bờ, nhân dân trong vùng ngậm ngùi thương nhớ, đưa xác ông lên chôn cất, xây dựng đền thờ tại chân núi Cấm để nhân dân quanh năm dâng hương, tưởng nhớ đến công lao đánh giặc, giữ nước của ông và các tướng lĩnh. Sau đó, các Vua Minh Mệnh, Thiệu Trị triều Nguyễn đã phong cho ông danh hiếu Trấn An Hiển Liệt và ban sắc phong là Thần vệ quốc.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tháng 11/1997, đền Bảo Hà đã được xếp loại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là ngôi đền duy nhất của Việt Nam thờ Thần vệ quốc Hoàng Bảy. Ông trở thành nhân vật huyền thoại có một không hai trong lịch sử trấn ải vùng Tây Bắc Tổ quốc được lớp lớp thế hệ con cháu ngưỡng vọng thờ phụng. Vì vậy, đền Bảo Hà giờ đây càng trở nên linh thiêng, chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Hiện nay, di tích lịch sử quốc gia đền Bảo Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Lào Cai mở rộng, trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục công trình quan trọng.

Ngoài Khu di tích lịch sử đền Thượng và đền Bảo Hà, tỉnh Lào Cai còn có 54 di tích được xếp hạng, trong đó, trên 30 di tích lịch sử văn hóa như đền Trung Đô, đền Cấm, đền Phúc Khánh. Hệ thống di tích này trải dài trên khắp các địa phương trong tỉnh, gắn với tín ngưỡng hoặc các danh nhân, sự kiện và có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử văn hóa. Qua đó, thể hiện những dấu ấn đặc trưng của truyền thống văn hóa và con người, góp phần quan trong làm nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của vùng văn hóa miền biên viễn Lào Cai.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: "Với một tỉnh vùng cao biên giới có số lượng di tích như vậy cũng không phải lớn. Nhưng những di tích ở Lào Cai rất đặc biệt, là những di tích gốc cho thấy được giá trị của mảnh đất Lào Cai. Trong thời gian tới, chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh Lào Cai".

Mỗi ngôi đền mang vẻ đẹp riêng đều mang nét cổ, gắn với sự tích nhân vật lịch sử, những ngôi đền này đều có phong cảnh hùng vĩ, điểm tô thêm nét cổ kính linh thiêng của kiến trúc công trình văn hóa tâm linh. Qua đó, góp phần khẳng định nét văn hiến của vùng quê địa linh nhân kiệt Lào Cai.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-lich-su-post476812.html