Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử tại thị xã Duyên Hải
Thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, không chỉ nổi tiếng với bãi biển Ba Động hoang sơ mà còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa quan trọng. Những di tích này phản ánh lịch sử đấu tranh kiên cường của nhân dân và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống và thúc đẩy kinh tế địa phương.
03 di tích cấp quốc gia tại thị xã Duyên Hải
Một trong những di tích quan trọng của thị xã Duyên Hải là Đình miếu Cồn Trứng, tọa lạc tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, cách trung tâm thị xã khoảng 12km về hướng đông Bắc và cách thành phố Trà Vinh khoảng 51km về hướng Đông.
Được xây dựng từ thời Minh Mạng, ban đầu đình miếu làm bằng tre lá đơn sơ; đến năm 1839, được dựng lại kiên cố hơn. Nơi đây gắn liền với lịch sử đấu tranh chống Pháp và Mỹ, từng là địa điểm huấn luyện, hội họp và tổ chức các phong trào cách mạng quan trọng.
![Đình miếu Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/cdf48212b35c5a02034d.jpg)
Đình miếu Cồn Trứng (xã Trường Long Hòa).
Cùng với đó, Lăng Ông Cồn Tàu, thuộc ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa, cách thành phố Trà Vinh khoảng 52km về hướng đông và cách trung tâm thị xã Duyên Hải khoảng 13km về hướng đông bắc, cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định tương tự.
Được xây dựng vào năm 1870, lăng thờ cá Ông - vị thần hộ mệnh của ngư dân. Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, nơi đây được sử dụng làm hội quán của Thanh niên Tiền phong, là kho lương thực tiếp tế và từng là nơi giam giữ tù binh trong kháng chiến chống Pháp.
![Lăng Ông Cồn Tàu (xã Trường Long Hòa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/78872c611d2ff471ad3e.jpg)
Lăng Ông Cồn Tàu (xã Trường Long Hòa)
Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, nằm tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, cách thành phố Trà Vinh khoảng 60km về hướng Đông và cách thị xã Duyên Hải khoảng 9,2km về hướng Đông Bắc. Đây là một trong những điểm quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Với vai trò chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, di tích này là minh chứng sống động về tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân ta.
![Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (xã Trường Long Hòa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/d96a828cb3c25a9c03d3.jpg)
Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (xã Trường Long Hòa).
04 Di tích cấp tỉnh tại thị xã Duyên Hải
Ngoài 03 Di tích cấp quốc gia, thị xã Duyên Hải còn có 04 Di tích cấp tỉnh mang giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt.
Đình Hội Hữu, tọa lạc tại Ấp 13, xã Long Hữu, cách trung tâm thị xã Duyên Hải khoảng 12km và cách thành phố Trà Vinh khoảng 41km, được xây dựng vào thế kỷ XIX bởi những cư dân đầu tiên đến khai hoang vùng đất này.
Với kiến trúc truyền thống Nam Bộ, đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là địa điểm tổ chức các lễ hội quan trọng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi hội họp và nuôi giấu cán bộ cách mạng.
![Cổng đình Hội Hữu (xã Long Hữu).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/f47fa99998d7718928c6.jpg)
Cổng đình Hội Hữu (xã Long Hữu).
Đình Phước Lộc, tọa lạc tại Khóm 4, Phường 1, thị xã Duyên Hải, cách thành phố Trà Vinh khoảng 53km về hướng Đông và cách trung tâm thị xã Duyên Hải khoảng 01km về hướng Bắc, là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, phản ánh tín ngưỡng dân gian của người dân miền Tây Nam Bộ. Được xây dựng từ lâu đời, đình còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động hội họp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng tại địa phương.
![Đình Phước Lộc (Phường 1).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/5d69028f33c1da9f83d0.jpg)
Đình Phước Lộc (Phường 1).
Lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương, tọa lạc tại ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, cách thành phố Trà Vinh khoảng 51km về hướng Đông và cách trung tâm thị xã Duyên Hải khoảng 12 km về hướng Đông Bắc, là một công trình thờ phụng mang đậm nét văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa.
Đây là nơi thờ Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương, một vị nữ thần linh thiêng, được người dân địa phương hết sức tôn kính. Lễ hội tại di tích này hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng viếng.
![Lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương (xã Trường Long Hòa).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/8ed2ef34de7a37246e6b.jpg)
Lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động Nương Nương (xã Trường Long Hòa).
Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh (Căn cứ Giồng Giếng), nằm tại ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành, cách thành phố Trà Vinh khoảng 70km và cách thị xã Duyên Hải khoảng 08km về hướng Đông Nam, là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Trà Vinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1958 đến năm 1964, nơi đây là trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh, ghi dấu những trận chiến đấu ngoan cường.
![Khu vực dự kiến xây dựng dự án tu bổ và tôn tạo Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh (xã Dân Thành).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_606_51466943/850ae5ecd4a23dfc64b3.jpg)
Khu vực dự kiến xây dựng dự án tu bổ và tôn tạo Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh (xã Dân Thành).
Hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích tại thị xã Duyên Hải
Với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú, thị xã Duyên Hải có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Một trong những hướng đi quan trọng là kết hợp du lịch tâm linh với du lịch sinh thái biển, trong đó du khách có thể tham quan bãi biển Ba Động, sau đó khám phá các di tích Đình miếu Cồn Trứng, Lăng Ông Cồn Tàu và trải nghiệm không gian lễ hội truyền thống. Việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, kết hợp giữa hoạt động tâm linh với văn hóa miền biển sẽ giúp tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.
Một hướng đi khác là phát triển tuyến du lịch "Hành trình về nguồn", kết nối các di tích cách mạng như Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Khu Căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Giồng Giếng với các điểm tham quan lịch sử khác trong tỉnh. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn tạo cơ hội để quảng bá những giá trị truyền thống của quê hương.
Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng, nâng cấp dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Chính quyền địa phương cần quan tâm đến việc cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống nhà trưng bày, bảo tàng tại các di tích, đồng thời phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng như homestay, ẩm thực đặc sản vùng biển.
Bên cạnh đó, tổ chức sự kiện, lễ hội thường niên tại các di tích cũng là một giải pháp quan trọng. Đẩy mạnh các lễ hội truyền thống như lễ hội tại Đình Hội Hữu, Đình Phước Lộc sẽ thu hút du khách thập phương, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh Duyên Hải trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Với 03 di tích cấp quốc gia và 04 di tích cấp tỉnh, thị xã Duyên Hải không chỉ là vùng đất giàu truyền thống mà còn sở hữu tiềm năng du lịch lớn. Việc kết hợp bảo tồn di tích với phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần giữ gìn giá trị lịch sử, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội cho địa phương.
Để làm được điều đó, cần có sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của người dân và sự quan tâm từ các doanh nghiệp. Khi những giá trị lịch sử được khai thác đúng cách, thị xã Duyên Hải sẽ không chỉ là điểm đến văn hóa mà còn trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của tỉnh Trà Vinh trong tương lai.
ĐỨC HUY (thực hiện)