Bảo tồn và phát huy giá trị hầu đồng trong thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt

Việc hồi sinh nghi lễ hầu đồng bên cạnh mặt tích cực như làm sống lại nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân nhưng khôi phục lại nghi lễ hầu đồng cũng đã xuất hiện những việc làm cần được chấn chỉnh như các thanh đồng khi diễn xướng đã cải biên tùy tiện, theo lối chắp vá, lai căng làm biến dạng, mất tính nguyên gốc, chân xác lịch sử, hạ thấp giá trị vốn có của nghi lễ hầu đồng. Thứ nữa nhân danh đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm

Tóm tắt: Tháng 12 năm 2006, tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa) của Liên hiệp quốc đã vinh danh: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

Sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được vinh danh, ở miền Bắc nước ta nhiều cơ sở thờ tự Mẫu đã phục hồi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có thành tố đặc sắc, hấp dẫn và thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham dự, đó là nghi lễ hầu đồng. Việc hồi sinh nghi lễ hầu đồng bên cạnh mặt tích cực như làm sống lại nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân nhưng khôi phục lại nghi lễ hầu đồng cũng đã xuất hiện những việc làm cần được chấn chỉnh như các thanh đồng khi diễn xướng đã cải biên tùy tiện, theo lối chắp vá, lai căng làm biến dạng, mất tính nguyên gốc, chân xác lịch sử, hạ thấp giá trị vốn có của nghi lễ hầu đồng. Thứ nữa nhân danh đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh việc tổ chức hầu đồng có biểu hiện thương mại hóa nhằm mục đích kiếm tiền cho một nhóm người.

Do vậy, để phát huy giá trị của nghi lễ hầu đồng chúng ta cần hiểu rõ bản chất, giá trị của nghi lễ hầu đồng và cần có những giải pháp kịp thời ngăn chặn những lệch chuẩn trong tổ chức diễn xướng hầu đồng.

Từ khóa: hầu đồng; nghi lễ hầu đồng; giá trị nghi lễ hầu đồng; bảo tồn; phát huy giá trị nghi lễ hầu đồng; ngăn chặn lệch chuẩn trong diễn xướng hầu đồng.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Năm 2016, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt được tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có hai thành tố quan trọng mang giá trị tiêu biểu của Thực hành tín ngưỡng Tam phủ là hầu đồng và diễn xướng hát chầu văn. Sau khi Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt được tổ chưc UNESCO của Liên hiệp quốc vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hoa, Thể thao và Du lịch công bố Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Thực hành tín ngưỡng Tam phủ. Nhiều địa phương ở Bắc bộ đã phục hồi nghi thức hầu đồng trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở các nơi thờ tự các Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Việc phục hồi hầu đồng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các sinh hoạt văn hóa cổ truyền của dân tộc ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa và tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, việc phục hồi có tính “nóng”, “thái quá” cũng đã dẫn đến những lệch chuẩn làm mất đi tính nguyên gốc, chân xác lịch sử của hầu đồng, làm giảm giá trị của nghệ thuật hầu đồng. Do vậy, chúng ta cần tìm hiểu rõ cách thức hầu đồng và có các biện pháp cần thiết, kịp thời phát huy giá trị của hầu đồng để hầu đồng thực sự phát huy được giá trị vốn có của nó trong đời sống tinh thần của nhân dân, khắc phục cách làm tùy tiện, vụ lợi trong diễn xướng nghệ thuật hầu đồng.

2. NỘI DUNG

2.1. Quan niệm về hầu đồng

Hầu đồng là tên gọi chung cho việc diễn xướng nhập hồn, xuất hồn trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Hầu đồng còn có tên gọi là hầu bóng hay lên đồng. Trong Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, hầu đồng là thành tố cốt lõi, một diễn xướng tổng hợp chi phối từ đầu đến cuối một buổi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Hầu đồng là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa.

Thực chất của hầu đồng, hầu bóng, lên đồng là một diễn xướng tổng hợp thỉnh cầu các vị thần linh trong điện thờ Mẫu, Thánh Trần giáng thần (nhập hồn) vào các thanh đồng, sau đó các thần linh sẽ nhập hồn vào ông/bà đồng để thực hiện chức năng trừ ma quỷ, chữa bệnh, cầu phước lành cho tín đồ và phán truyền những điều liên quan đến vận mệnh của tín đồ đạo Mẫu.

Chủ thể chính của diễn xướng hầu đồng là ông/bà đồng, còn gọi là thanh đồng. Các thanh đồng phải thực hành các nghi lễ bài bản của một buổi hầu đồng. Những đồng hầu ở nơi thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, gọi là thanh đồng, còn đồng hầu ở nơi thờ Thánh Mẫu, gọi là đồng cốt.

Các đồng thực hành nghi lễ hầu đồng có đồng thày, cựu đồng (tức ông/bà đồng đã làm nghề lâu năm) và tân đồng là những đồng mới vào nghề làm đồng. Trong số đó có nhiều người có căn số phải làm đồng, họ sinh ra trong gia đình có ông bà, cha mẹ trước đó từng làm đồng và những người vì lý do nào đó bị bệnh tật ảnh hưởng đến thần kinh, tâm tính biểu hiện bất thường, có dấu hiệu tâm thần, nếu họ theo làm đồng thì họ tin rằng bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe trở lại bình thường.

2.2. Diễn xướng hầu đồng

Hầu đồng là một diễn xướng văn hóa có tính tự phát, diễn ra ở nhiều vùng miền. Ông/bà đồng mới vào nghề phải theo sự chỉ dẫn của một đồng thày. Sau một thời gian theo thày, được thày truyền nghề, hiểu và thuần thục cách thức tổ chức một buổi hầu đồng thì có thể trình đồng mở phủ, độc lập đứng ra tổ chức buổi hầu đồng.

Hầu đồng gồm các bước như sau

- Chuẩn bị hầu đồng

Trước khi hầu đồng, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ càng, từ chọn ngày lành, tháng tốt; chọn nơi đền, phủ, điện phù hợp; chọn bốn người hầu dâng; mời con nhang, đệ tử, quan khách, chuẩn bị lễ vật dâng cúng: trang phục, phụ kiện và không kém phần quan trọng là mời cung văn. Lễ vật là đồ cúng như xôi, thịt, hoa quả, cau trầu, rượu, thuốc, vàng mã và một ít tiền đồng.

Một buổi hầu đồng bao giờ cũng có một dàn nhạc, gồm: 1 đàn nguyệt, 1 nhị, 1 sáo, 1 trống lớn, 1 trống nhỏ, 1 cảnh đôi, 1 phách. Dù mỗi nơi dàn nhạc có thể nhạc cụ khác nhau nhưng nhất thiết phải có đàn nguyệt, trống nhỏ, đảnh đôi.

Chuẩn bị trang phục: Thường hầu đồng sẽ có 36 giá đồng, ứng với 36 vị thánh. Mỗi vị thánh ứng với một kiểu trang phục. Do vậy ông/bà đồng phải chuẩn bị trang phục cho mình (khăn phủ diện, áo bản mệnh) và số trang phục dự kiến Thánh nhập để mặc hầu. Một bộ trang phục gồm:

- Khăn đỏ che mặt (khăn phủ diện)

- 5 chiếc áo dài màu sắc khác nhau, 1 quần dài trắng

- Khăn tấu hương và các loại khăn khác

- Thẻ ngà, kiềng bạc, vòng, hoa tai, chuỗi hạt, quạt, phấn son.

Màu sắc của trang phục phải phù hợp với màu sắc từng phủ. Phủ Thiên màu đỏ; phủ địa màu vàng; phủ thoải màu trắng; phủ nhạc màu xanh.

Điện thờ Mẫu

Hầu đồng phải diễn ra ở không gian thiêng là nơi thờ Mẫu và các vị thần trên điện thờ Mẫu.

Điện thờ các vị Thánh Mẫu được bố trí theo trật tự sau:

Hàng trên cùng là Phật Bà Quan Âm và Ngọc Hoàng thượng đế.

Tiếp là hàng Mẫu Tam phủ, tứ phủ (Thiên, Địa, Thủy, Nhạc phủ)

Hàng Chầu (Tứ vị Chầu Bà ở các phủ Thiên, Địa, Thủy, nhạc).

Hàng ông Hoàng (từ 5 đến 10 ông Hoàng).

Hàng Thập nhị vương cô (12 cô)

Hàng cậu (10 cậu)

Hàng cuối là Ngũ hổ, ông Lốt.

Thứ tự chung là vậy nhưng cũng tùy từng nơi thờ Thánh và Mẫu mà điện thờ ở các hàng có thêm hoặc bớt số lượng các ông Hoàng, Vương cô và các cậu.

Trình tự hầu đồng

Khi diễn xướng một giá đồng sẽ thực hiện theo trình tự sau:

- Cúng trước khi hầu: Sắp xếp đầy đủ vật lễ cần thiết. Thực hiện nghi lễ phủ khăn, mở khăn phủ diện để hầu các giá đồng.

- Thay trang phục: Ông/bà đồng phải thay trang phục phù hợp với mỗi giá đồng mà mình sẽ hầu.

- Dâng hương hành lễ: Nhằm mục đích xua đuổi tà ma.

- Lễ Thánh giáng: Thánh nhập vào người hầu đồng.

- Múa đồng: Khẳng định Thánh đã nhập vào ông/bà đồng, thường múa chèo đò và một số điệu múa dân gian.

- Ban lộc và nghe văn chầu: Khi múa, Thánh nhập thể hiện sự hài lòng qua việc ban lộc cho người đánh đàn và ban hoa quả thuốc rượu, tiền cho người ngồi dự thỉnh cầu và nghe Thánh phán truyền.

- Thánh thăng: Thánh thoát khỏi ông/bà đồng, xa giá hồi cung. Kết thúc một giá đồng.

Hầu đồng có tới 36 giá đồng liên quan đến Tam tòa Thánh Mẫu, Hội đồng Thánh chúa, Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Thánh cậu.

Quá trình thực hành nghi lễ hầu đồng, các đồng thày và thanh đồng đã đúc rút thành các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng.

2.3. Các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng

1) Ba Giá Mẫu

Tuyệt đối không được mở khăn. Không có khăn phủ diện màu vàng.

Không mặc áo Mẫu, nếu mặc thì phải có áo bản mệnh ở trong.

Giá Mẫu đệ nhất, đệ nhị lễ hương sống; giá Mẫu đệ tam lễ hương chín.

2) Phật, vua cha Ngọc Hoàng, Mẫu Địa, Mẫu Cửu, Công đồng Thánh Mẫu

Trong hầu đồng không có hầu Phật, vua cha Ngọc Hoàng và công đồng thánh Mẫu.

3) Áo bản mệnh và khăn phủ diện

Là cái gốc, cơ bản cao nhất trong hầu đồng, vì vậy bắt buộc phải có.

Hiện nay có một số đối tượng mặc áo Mẫu để hầu Mẫu còn áo bản mệnh được cúng lễ khai chứng đàng hoàng thì vứt đi đâu, áo Mẫu ai “chứng” mà hầu.

Một số kẻ còn ngông cuồng hơn, khác người hơn là dùng khăn phủ diện màu vàng.

Tôi không hiểu, khăn vàng này chắc là bóng Phật về chứng để hầu Mẫu vì Mẫu là bồ tát, trong khi đó Phật lại không ngự đồng thì về “chứng” ở đâu.

Đối với đạo Mẫu phải được đạo trưởng pháp sư dẫn thỉnh, thay quyền Phật thánh loan giá chứng lễ.

4) Hầu nhà Trần

Hầu Đức ông đệ tam mới lên đai thượng. Cô Đại Hoàng ngự áo vàng.

Nhà Trần không ngồi ghế, trừ khi bắt tà để tra xét tà ma.

Hành động ngồi ghế là bất kính với 3 giá Mẫu.

5) Hầu các quan

Khi các quan về phải đi mạng chéo, thắt khăn chữ “phúc” hoặc lên nét. Không được đi hia đội mũ, đó là đóng kịch diễn tuồng.

Quan đệ nhất thuộc dòng di tu nên khi ngự đồng, khai quang làm lễ, không ngự vui hiến tửu. Quan đệ tứ dòng khâm sai cũng vậy.

Khi có quan thày hầu chứng 2 giá quan trên rồi thì đệ tử không được hầu nữa. Khi khai quang bắt buộc phải dùng khăn tấu hương. Giá các quan ông hoàng, cậu phải lễ 4 lần, mỗi lễ lễ 3 vái ở giữa, 2 vái 2 bên, 1 vái tất cả.

Các giá trên lễ phải dùng khăn tấu hương và hương. Mỗi lần lễ là biểu hiện dâng hương về mỗi phủ một lần. Khi tiến lùi để lễ thì lùi 2 tiến 3. Mặt ngửng lên nhìn công đồng nhưng khi quỳ lễ phải cúi mặt nhắm mắt.

Bốn lần lễ không được bỏ hương; nếu chỉ lễ một lần phủ đệ nhất, ba phủ còn lại dùng khăn tầu hương thì khác nào có bát mà không có gạo, có cốc mà không có nước, đó là hành động bất kính. Trừ những vị đồng cựu không đứng lên được thì phải tiến hương lên công đồng, sau đó dùng tay chống gối đứng lên - “ốm tha già thải”, đó là được miễn giảm chứ không phải lệ như thế.

6) Tất cả các hành động lễ ngự, làm việc, khăn áo đều phải xin phép và chứng hương

Chứng người, chứng ngựa, chứng voi, chứng tam đầu đều phải phủ khăn tấu hương lên đầu sau đó khai quang lễ 5 lễ, vỗ vào hông voi, ngựa 3 lần. Các quan, Ông hoàng, Cậu ngồi xếp vòng tròn hoặc vắt chân chữ ngũ, đeo 2 mạng chéo, nét buộc chữ phúc hoặc khăn mỏ rìu. Các giá Chầu bà và Cô đều phải quỳ hành lễ, khai quang bằng quạt và hương chín.

Một số giá như giá cô Cả, cô Bơ về hiến hương không múa cờ thần cờ hội (cờ thần thì để treo, cờ hội chỉ có diễn viên hề trên sân khấu mới múa chứ trong hầu bóng chỉ đi ngọn cờ hồng bằng khăn phủ diện). Đầu xuân thì không đi cờ kiếm, đi ngọn cờ hồng, chỉ dùng cờ lệnh kiếm lệnh khi khai đền lập phủ. Đầu xuân cũng kiêng mặc đồ trắng kể cả giá bản đền là thoải đều phải mặc áo đỏ khăn đỏ thể hiện ngày vui đầu năm phù hợp với phong tục truyền thống Việt Nam. Hiện nay do sự không hiểu biết và bảo thủ, các vị đồng bóng cứ khăng khăng cho mình là đúng nên đã đảo lộn hết trật tự khuôn phép. Chỉ có 5 vị quan trên công đồng nên không có thêm vị quan nào khác ???, như vị quan bản đền bản cảnh. Không có cái gọi là Lục phủ tôn ông trong đồng bóng. Không có cái gọi là Mẫu lâm cung trong đồng bóng.

7) Các giá chầu và các giá cô

Các điệu múa giá Chầu giá Cô phải nhẹ nhàng.

Các Chầu phải lên khăn củ ấu, chữ nhân, nón buồm.

Các Cô lên khăn hoa, khăn vành dây, nét. Cô Bơ có thể lên nét 3 màu.

Giá các Chầu các Cô về khai quang đứng, hiến quạt hiến hương chứ không nghiêng ngả không múa.

Giá chầu bà Đệ nhị và chầu Lục về chỉ rải lộc cho bản đền chứ không đi chợ.

Đầu xuân giá chầu Đệ nhị về rải lộc rải hoa.

Giá chầu Năm chầu Bé rải lộc, đi chợ.

Giá chầu Mười cưỡi ngựa đeo cờ kiếm, không đi giày.

Vào hè giá tiên cô về giải dịch (tiền và hoa quả).

Các thứ đó không ăn được phải thả sông hoặc ngã ba đường.

Thường thường về giải dịch là giá cô Đôi hoặc cô Sáu.

Bất kể khi hiến tửu, thuốc hay nước đều phải dùng khăn hoặc quạt che miệng.

Không rải tiền xuống đất để chèo đò.

Đó là rải tiền cho người chết chứ thánh không cần.

Giá cô Bơ cài tiền đò bên hông và cài 1 nén hương sống bên tai.

Hầu các giá đều không được quay đáy vào công đồng, không được xỉa xói vào công đồng.

Hầu đồng giá thứ nhất phải tung khăn, tẩy khẩu, phải đội bát nhang trước mới được mở phủ, nếu ốm phải cúng tam phủ thục mệnh trước mới mở phủ.

Hầu đồng phải có sớ hầu, nếu “một chốn đôi nơi” thì phải có sớ bay về các nơi mở phủ, đội bát nhang, nhưng trước đó phải có lễ đến trình báo, sau khi hầu xong 3 ngày mới được lễ tạ.

Nếu ở xa thì lễ tạ ngay nhưng khi về chốn tổ vẫn phải lễ tạ bái vọng.

Trước khi hầu đồng phải xin phép thánh, chủ nhang, đạo trưởng, cung văn, pháp sư và bách gia trăm họ. Hầu xong phải vái tạ Phật thánh và có lời cảm ơn bách gia.

Khi định hầu Thánh phải đến xin phép thày, mua lễ vật lễ thánh xin ngày.

Khi mời quan thày, chủ nhang, đồng đền, pháp sư đều phải có lễ đến lễ thánh sau đó mới mời thày, mời đồng.

Lộc đưa các vị đó và những vị đồng cựu (24 năm đổ ra mới được gọi là đồng cựu nếu không có điện thờ) phải được đưa bằng đĩa.

Hầu đồng không nên trùm khăn buồm quá dài. Đó là khăn phủ tượng chứ không phải khăn hầu. Giá các ông Hoàng đi hèo đi thơ.

Giá ông Chín không đeo kích cầm batoong trông như thày bói mù dở mà ông là người nho sĩ tu Phật.

Không bao giờ người ta đi dép, đi guốc mộc trên sập hầu cả.

Hầu đồng phải nghiêm trang thành kính nhất tâm, vui vẻ hoan hỉ. Không xúi bẩy nhau làm những điều không hiểu biết. không nói xấu, lừa đảo nhau, không dựa vào đồng bóng làm những điều bất nhân bất nghĩa, không nên so bì ghen tị, hồ nghi, đòi hỏi, tranh giành nhau về lộc. Những kẻ lợi dụng đồng bóng là lừa đảo, ác ma. Sự đua đòi, ghen ghét, thù hận chỉ đem lại khổ đau cho bản thân (Đồ đồng Đông Sơn).

2.4. Một số lệch chuẩn trong thực hành hầu đồng

2.4.1. Sự tùy tiện trong diễn xướng hầu đồng

Hầu đồng là tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần Hưng Đạo được diễn ra ở nơi thờ các vị thần linh đòi hỏi ông/bà đồng phải có thái độ nghiêm trang, chuẩn mực. Thành kính nhất tâm nắm chắc các nguyên tắc của nghi lễ hầu đồng. Tuy đã được các đồng thày, cựu đồng dạy bảo nhưng nhiều cô/cậu đồng vẫn không nghiêm chỉnh chấp hành, dẫn đến vi phạm trong chuẩn mực hầu đồng. Ví dụ: Áo bản mệnh bất luận ông/bà đòng nào cũng phải có, đó là vật chứng của tín đồ đạo Mẫu nên ông/bà đồng phải mặc áo bản mệnh để hầu đồng.

Giới hầu đồng còn có quy định khi thanh đồng mất phải mặc áo bản mệnh theo mình về cõi âm. Hiện nay, một số ông/bà đồng thực hiện nghi lễ hầu đồng không chịu mặc áo bản mệnh mà tùy tiện thay bằng áo mẫu. Khăn phủ diện phải là màu đỏ, màu đặc trưng của của hầu đồng nhưng có ông/bà đồng tùy tiện dùng khăn phủ diện màu vàng.

Hầu đồng phải được tổ chức ở không gian thiêng thờ Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần, nơi có điện thờ các vị thần thánh nhưng một số thanh đồng lại tổ chức hầu đồng ở đình, chùa, lại có xu hướng coi hầu đồng là tiết mục văn nghệ trình diễn trên sân khấu phục vụ khách du lịch, tùy tiện ra không gian công cộng để diễn xương hầu đồng.

Hầu đồng biến tướng thành sân khấu hóa trong các chương trình văn nghệ quần chúng ở các làng quê, khu phố. Cần hiểu rõ sân khấu hầu đồng là mô phỏng, diễn lại một trích đoạn hầu đồng chứ không phải là một buổi hầu đồng.

Khi Thánh nhập ông/bà đồng diễn lại hành vi của Thánh, có những biểu hiện phản cảm như hành vi hút thuốc, uống rượu thì tùy tiện sáng tác các động tác thiếu nghiêm trang như cho tẩu thuốc vào lỗ mũi, lỗ tai, phả khỏi dày đặc; uống rượu thì giả say đi đứng nghiêng ngả, hò hét, nói năng linh tinh. Quy định ông/bà đồng không được ném tiền xuống đất nhưng vẫn có thanh đồng ngẫu hứng ném tiền xuống đất. Khi phán truyền thì đọc phù chú, hò hét.

Mỗi buổi hầu đồng, thanh đồng phải thay nhiều bộ trang phục tương ứng với từng vị thánh và hợp với mỗi phủ. Nhiều ông/bà đồng tùy tiện may sắm các bộ trang phục theo cảm tính cá nhân, màu sắc lòe loẹt, kiểu dáng lạ kỳ, lạm dụng son phấn gây phản cản. Có cô/cậu đồng coi hầu đồng là buổi biểu diễn văn nghệ, ăn mặc khoe thân, mang theo các thứ đồ hiệu thời trang khoe của, lạm dụng son phấn, biểu hiện sự sành điệu của giới có tiền.

Cung văn hát không theo bài bản, tự ý thêm vào nội dung câu hát và chen vào những bài hát mới của thời hiện đại như: Tiếng chày trên sóc bon bo, Em đi chùa Hương, Hoa Chăm pa của nước Lào.

2.4.2. Lơi dụng hầu đồng để hoạt động mê tín dị đoan

Trước đây một thời gian dài, Nhà nước ta coi hầu đồng là hoạt động mê tin dị đoan. Sau khi Thực hành Tín ngưỡng Tam phủ của người Việt được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, quan niệm hầu đồng là mê tín dị đoan đã được thay đổi. Với phương châm “gạn đục khơi trong”, chúng ta chủ trương bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn của hầu đồng và từng bước loại bỏ dần những biểu hiện của mê tín dị đoan.

Trong văn hóa tâm linh, hầu đồng là tín ngưỡng khẩn cầu các vị thần linh nhập vào ông /bà đồng. Thanh đồng đòng vai trò trung gian trong quan hệ giữa thần thánh và tín đồ để có hành vi, lời truyền trừ tà, chữa bệnh, ban phúc lộc, ...

Theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 16/12/2009 Quy định chi tiết thi hành một số Quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP, ngày 06/11/2009 của Chính phủ, cũng nêu rõ, các hành vi bị cấm: Hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan (Chính phủ, 2009).

Internet có đưa tin cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi”, tên là Trương Thị Hương, 38 tuổi ở thành phố Kinh Môn, Hải Dương. Khi tín chủ nhờ đồng Hương làm lễ cầu Thánh Mẫu phù trợ cho việc bán được nhà. Cô đồng Hương ra giá 270 triệu đồng cho buổi lễ, sau hạ xuống 180 triệu phải đưa trước và hứa sau lễ hầu đông đến tháng 12/2022 tín chủ sẽ bán được nhà. Tín chủ đã đưa cho cô đồng Hương đủ số tiền 180 triệu. Qua thời gian trên tín chủ vẫn không bán được nhà nên làm đơn tố cáo đến công an về hành vi lừa đảo chiếm đạt tài sản của cô đồng Hương.

Có buổi hầu đồng nhằm mục đích chữa bệnh, thanh đồng cho bệnh nhân uống nước lã hòa với tàn nhanh nói rằng đó là thứ thuốc của Thánh ban tín đồ uống vào bệnh sẽ thuyên chuyển. Nhiều buổi hầu đồng tín đồ mua sắm quá nhiều đồ mã voi, ngựa, các thiên tướng, thiên binh. Hầu xong những thứ đó được đốt đi, gây lãng phí tiền của.

2.4.3. Thương mại hóa hầu đồng

Hầu đồng là tín ngưỡng dân gian thờ Mẹ hình thành từ rất sớm trong diễn trình phát triển của dân tộc Việt. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, hầu đồng đang có biểu hiện bị thương mại hóa.

Dân chúng gọi những người hành nghề hầu đồng trục lợi là buôn thần bán thánh. Nhiều ông/bà đồng coi việc thực hành hầu đồng là một nghề dịch vụ tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhân dân với mục đích kiếm tiền nuôi thân và gia đình.

Để kiếm được nhiều tiền, các chủ đền, chủ điện, thày đồng tư vấn cho tín đồ có nhu cầu hầu đồng giải hạn, trừ xui xẻo, cầu phước lộc, yên ổn làm ăn, tăng cường sức khỏe số tiền cho chi phí mỗi buổi hầu đồng lên tới vài trăm triệu đồng và họ kiếm lợi từ số tiền đó.

2.4.4. Sự sa sút phẩm chất của thanh đồng

Phẩm chất là sự hội tụ tài năng, đạo đức, nhân cách. Trước đây một người có căn số trình đồng mở phủ phải theo đồng thày hàng chục năm mới tự xưng là thày đồng.

Sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tần suất hầu đồng gia tăng, đội ngũ thanh đồng cũng gia tăng.

Ngoài đội ngũ thày đồng, cựu đồng có kinh nghiệm, luôn tu dưỡng đạo đức, nhất tâm với tín ngưỡng thờ Mẫu, đội ngũ thanh đồng được bổ sung những tân đồng, họ là lực lượng trẻ, nhiều người tâm huyết, có chí học hỏi, số its có ,

Các thanh đồng đến với hầu đồng có nhiều động cơ. Không ít thanh đồng bị cuốn hút đến với hầu đồng như một phong trào nên hiểu không đầy đủ về bản chất và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng, không coi trọng tu dưỡng đạo đức, coi hầu đồng là thú vui giải trí.

Có tân đồng trình đồng trình đồng mở phủ mới được vài năm đã tự cao, tự đại xưng mình là thày đồng. Giới cựu đồng gọi họ là đồng đua, đồng đú, đồng son.

Các tân đồng đua đòi nhau trong trang phục, thực hành diễn xướng hầu đồng tùy tiện, phán truyền thiếu suy nghĩ, cùng cách thức vụ lợi kiếm tiền lộ liễu đã hạ thấp uy tín của thanh đòng, ...

Sự giao lưu, chuyển dịch các thanh đồng đến các điểm hầu đồng ở các vùng miền đã nảy sinh sự đố kỵ, bài xích lẫn nhau giữa các nhóm đồng, gây mất đoàn kết, thậm chí xuất hiện quan hệ thiếu trong sáng giữa các thanh đồng nam nữ, có cung văn phục vụ hầu đồng cả ngày lẫn đêm, sức khỏe sa sút đã tìm đến ma túy, có thanh đồng lợi dụng việc ban lộc ném bánh trái, hoa quả, thuốc lá́́́ thậm chí cả ba tong vào tín đồ dự hầu đồng mà mình không ưa thích, gây dư luận xã hội không tốt về các thanh đồng và buổi hầu đồng.

2.5. Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhân văn của hầu đồng

2.5.1. Nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, nhân văn của hầu đồng

Điều đầu tiên đặt ra là phải trang bị kiến thức để nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa tích cực, nhân văn của hầu đồng đối với các chủ thể cơ sở thờ tự, các đồng hày, thanh đồng và các tầng lớp nhân dân.

Phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở chính quyền các cấp và các tổ chức phi chính phủ liên quan đến tổ chức, quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có việc tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về tín ngưỡng thờ Mẫu, cách thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trang bị kiến thức pháp luật của Nhà nước liên quan đến hầu đồng cho các chủ đền, chủ điện, đồng thày và các thanh đồng.

Ngành giáo dục có Kế hoạch thực hiện Dự án đưa nghệ thuật vào các cấp học phổ thông, trong đó có hát chầu văn và tổ chức diễn xướng hầu đồng, nói để học sinh hiểu vê bản chất, giá trị và ý nghĩa của hầu đồng.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông quảng bá giá trị văn hóa, nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị văn hóa của hầu đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng của Nhà nước và các mạng xã hội.

2.5.2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Cho đến nay việc hoàn thiện thể chế thành chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức, quản lý hầu đồng còn chưa đầy đủ, toàn diện. Cần có quy định về đăng ký tổ chức hầu đồng; Quy định định kỳ tổ chức liên hoan hầu đồng ở khu vực, vùng miền. Hướng dẫn thành lập câu lạc bộ thanh đồng để trao đổi nghiệp vụ và thuận việc quản lý; Hướng dẫn quy trình xét đề nghị Nhà nước phong tặng nghệ nhân đối với thanh đồng có cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị hầu đồng.

Hoàn thiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Quy định rõ điều kiện mở điện, đền, phủ thờ Mẫu Tam phủ và Đức Thành Trần. Xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với cơ sở thờ tự Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần Hưng Đạo có giá trị tiêu biểu. Xây dựng chính sách đối với các chủ cơ sở thờ tự thờ Mẫu và Đức Thánh Trần.

2.5.3. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm trong tổ chức các buổi hầu đồng

Các cơ quan quản lý nhà nước ở chính quyền các cấp cần giám sát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên các buổi hầu đồng. Khi phát hiện những sai phạm, lệch chuẩn, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi trục lợi, truyền bá mê tín dị đoan Quản lý chặt chẽ việc mở phủ, điện thờ Mẫu, Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng những hoạt động ở những nơi thờ tự nói trên.

2.5.4. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cung cấp những luận cứ khách quan, khoa học để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhân văn của hầu đồng

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng văn hóa tích tụ nhiều lớp văn hóa, loại hình văn hóa (âm nhạc, kiến trúc, văn học, trang phục, vũ đạo...) phản ánh quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt trong diễn trình lịch sử của dân tộc. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, trung tâm bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu cần tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà nghiên cứu xã hội nhân văn tìm hiểu, phân tích, đánh giá chỉ ra những giá trị văn hóa, nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có thực ành tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, nhân văn tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời chỉ ra những hành vi lệch lạc, những yếu tố mê tín dị đoan cần phải loại bỏ để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự là sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh, bổ ích trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

3. KẾT LUẬN

Hầu đồng là một thực hành tín ngưỡng thờvị Thánh thần mà tiêu biểu là các vị Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần các Mẫu, cổ vũ con người và Đức thánhân vật lịch sử góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở. nh Trần Đạo. Diễn xướng hầu đồng ca ngợi công đức của Mẹ và các nữ thần, phản ánh tư duy của người Việt cổ về vũ trụ, về cách thức ứng xử của con người trong môi trường sống, nhất là với thế giới tự nhiên. Hầu đồng truyền thông điệp “Uống nước nhớ nguồn”, cổ vũ con người tu nhân tích đức, sống vì cộng đồng, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Hầu đồng thông qua các nhân vật lịch sử góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương xứ sở. Hầu đồng, giải tỏa căng thẳng cho các tín đồ đang phải vật lộn với cuộc sống thường nhật và còn là một liệu pháp có tác dụng chữa bệnh (bệnh âm), giúp một số tín đồ tin vào sự phù trợ của thần thánh để cải thiện sức khỏe.

Là một diễn xướng tổng hợp, được tổ chức bài bản, thu hút đông đảo quần chúng tham dự, hầu đồng góp phần bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong diễn trình lịch sử của dân tộc như hát văn, các điệu múa dân gian, các đạo cụ, trang phục truyền thống của các dân tộc, duy trì các hình thức tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu và Đức Thánh Trần.

Với những giá trị văn hóa và tính nhân văn của hầu đồng, với phương châm gạn đục khơi trong, chúng ta cần nhận thức đầy đủ bản chất, ý nghĩa và giá trị của hầu đồng, từ đó có các giải pháp bảo tồn, phát huy mặt tốt, tích cực, loại trừ những yếu tố tiêu cực, lệch chuẩn, mê tín dị đoan trong tổ chức hầu đồng để hầu đồng thực sự là môi trường văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh thờ Mẫu, Thánh Trần của một bộ phận nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhân văn của nghi lễ hầu đồng không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là trách nhiệm, đòi hỏi sự chung sức, đóng góp có trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng, trong đó có đội ngũ chủ đền, chủ điện thờ và các thanh đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chính phủ. (2009). Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ: Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=91461
Đồ đồng Đông Sơn. Hướng dẫn cách hầu đồng và các nguyên tắc chung trong nghi thức hầu đồng. https://dodongdongson.vn/huong-dan-cach-hau-dong-va-cac-nguyen-tac-chung-trong-nghi-thuc-hau-dong
Ngô Đức Thịnh. (2012). Đạo Mẫu Việt Nam. Thế giới.
Nguyễn Ngọc Mai. (2017). Nghi lễ lên đồng, lịch sử và giá trị. Hà Nội.

______________

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-hau-dong-trong-thuc-hanh-tin-nguong-tam-phu-cua-nguoi-viet-a24640.html