Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Khai hạ đã đi sâu vào tâm thức của người Mường ở 4 vùng Mường nói riêng, cộng đồng các dân tộc tỉnh nói chung. Lễ hội được người dân địa phương bảo tồn gần như nguyên vẹn các giá trị truyền thống, trở thành hoạt động văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Hòa Bình mỗi dịp xuân về. Đến với lễ hội, hòa mình vào không khí linh thiêng của phần lễ và sự náo nhiệt của phần hội, bà con gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được quảng bá tại Chương trình nghệ thuật đặc sắc Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường năm 2022 nhân sự kiện tỉnh đón bằng công nhận di sản sản hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình được quảng bá tại Chương trình nghệ thuật đặc sắc Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường năm 2022 nhân sự kiện tỉnh đón bằng công nhận di sản sản hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức dân gian Lịch tre và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường.

Nói về giá trị văn hóa của Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đây là di sản phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hóa của dân tộc Mường Hòa Bình, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn sùng vị thần có công lập đất, lập mường, ôn lại truyền thống đã qua, đưa người dân trở về không gian văn hóa xưa với những truyền thống tốt đẹp, góp phần bồi dưỡng nhân cách con người, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Đồng thời, Lễ hội Khai hạ thể hiện giá trị văn hóa, chất keo kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội còn là hoạt động văn hóa tinh thần, nhắc nhở cháu con hướng về nguồn cội, thỏa mãn đời sống tâm linh, có được những phút giây thiêng liêng, trạng thái thăng hoa từ cuộc sống hiện thực.

Kể từ khi khôi phục đến nay, Lễ hội Khai hạ ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy tích cực, trở thành sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Đặc biệt là trong Lễ hội Khai hạ, ngoài tổ chức các trò chơi dân gian còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phong phú, như: cầu lông, bóng chuyền, thi ẩm thực, trình diễn trang phục dân tộc Mường, hoa khôi xứ Mường… Lễ hội cũng có thêm các gian hàng trưng bày sản phẩm về nông nghiệp, thủ công nghiệp của các xã. Du khách tham dự có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc sản của người Mường do chính các nghệ nhân thực hiện, như: gà nấu măng chua, rêu suối cuốn chả lá bưởi, cá đồ măng chua, nhái nướng, tổ kiến nấu lá lốt, cơm lam…

Ngày nay, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường là một trong những lễ hội có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần đồng bào dân tộc Mường. Năm 2022, với nhiều nỗ lực của tỉnh, tri thức dân gian lịch tre và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tới đây, Lễ hội Khai hạ năm 2023 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Qua đó giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc riêng, khẳng định niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến với lễ hội. Để Lễ hội Khai hạ có sức sống trường tồn, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; định hướng trong việc bảo tồn thuần phong mỹ tục, như duy trì hát thường đang, bộ mẹng, hạn chế sân khấu hóa, duy trì, vận động người dân mặc trang phục truyền thống, tránh các trang phục biểu diễn khi tham gia lễ hội. Đưa hoạt động truyền dạy di sản trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường cho thế hệ trẻ về các nghi thức cũng như nội dung các bài mo, tế sử dụng trong lễ hội.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/174370/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri--le-hoi-khai-ha-dan-toc-muong.htm