Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của danh thắng Yên Tử
Yên Tử, dãy núi thiêng trong tâm thức các thế hệ người Việt, Đất Tổ của Phật giáo Việt Nam là một không gian văn hóa lịch sử, chứa đựng giá trị cốt lõi nhiều mặt, là điểm tựa tinh thần của dân tộc Việt. Núi Yên Tử xưa có rất nhiều tên gọi như Tượng Sơn, núi Voi, Bạch Vân Sơn, núi mây trắng, Phù Vân Sơn, núi mây nổi, Linh Sơn, núi thiêng, An Tử...
Quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm trên dãy núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều, đỉnh cao nhất là 1.068m so với mực nước biển. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đây còn là xương sống, động mạch chủ, là phên dậu của quốc gia Đại Việt che chở cho lục địa và cũng là nơi giao thương, giao thoa văn hóa với bên ngoài. Do đó, vùng đất này có vai trò rất lớn trong an ninh phòng vệ quốc gia.
Không gian di sản Yên Tử là cảnh quan văn hóa đa dạng với chuỗi liên hoàn trải dài 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Có 20 di tích nổi bật được lưu truyền tại 3 địa phương này gắn liền với triều đại nhà Trần và Không gian văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Trải qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Yên Tử là nơi tu hành thành đạo của các bậc thiền sư đạo cao đức trọng như: Tổ hiện quang thời Lý, Tổ Đạo viên, Đại đăng, Tiêu diêu, Huệ tuệ, Tam tổ Trúc Lâm thời Trần thế kỷ 13 đến thế kỷ 14; Tổ chân Nguyên thời Lê thế kỷ 17; ni sư Đàm Thái thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ 20.
Yên Tử cũng là nơi Phật giáo Trúc Lâm khởi nguồn lan tỏa trải qua bao thăng trầm, thịnh suy rồi trấn hưng, giao hòa và đang tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Đó là nơi các vị sư tổ thiền sư tăng ni tu tập, rèn luyện, biên soạn kinh sách, sáng tác thơ ca. Năm 1299, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lên núi Yên Tử tu hành, khởi xướng thiền phái Trúc Lâm bằng cách kế thừa phát huy tinh hoa và thống nhất các dòng thiền. Các tông phái Phật giáo có trước và đương thời kết hợp với Nho giáo, Đạo giáo, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian gắn đạo và đời cùng các đệ tử phát triển thành Trúc Lâm Phật giáo Quốc đạo của Đại Việt, do vậy, nó có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực châu Á và thế giới.
Thượng tọa Thích Đạo Hiền, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đây là vùng đất phúc địa, được chọn là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, là nơi in dấu bao nhiêu thời đại, các thế hệ tăng sĩ của Phật giáo Trúc Lâm đã từng tu luyện, chứa đựng giá trị văn hóa đặc biệt mang tính ngoại hạng mà các giá trị văn hóa tín ngưỡng ấy vẫn tiếp tục được tiếp nối và người dân, các tín đồ tăng ni, phật tử thực hành cho đến ngày nay. Đó là những giá trị đặc biệt của khu di tích danh thắng Yên Tử".
Thời gian Vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành 9 năm, từ năm 1299 đến 1308, nhưng Phật hoàng đã để những di sản to lớn quý báu cho dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, làm phong phú, sâu sắc thêm bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ ngàn năm lịch sử. Phật giáo Trúc lâm với những nét tư tưởng nổi bật là tinh thần nhập thế và tinh thần hòa giải, gắn kết dân tộc cũng đã góp phần không nhỏ vào giá trị văn hóa của dân tộc để xây dựng một nước Đại Việt hùng cường, thịnh vượng và tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Hơn 700 năm qua, người đời vẫn còn nhắc mãi câu chuyện về vị Hoàng đế thiền sư đầu tiên khai sáng ra dòng thiền của người Việt, gắn liền với hào khí của một thời đại lịch sử. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, Yên Tử vẫn bảo tồn được nhiều di sản của cha ông để lại, đó là hệ thống những ngôi chùa, am, tháp, hàng ngàn di vật cổ, hệ thống văn bia, kinh văn, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa rực rỡ thời nhà Trần. Non nước Yên Tử cùng hệ thống đa dạng phong phú, các công trình nhân sinh trên đó thể hiện một cách rõ nét, nhiều khía cạnh của cuộc sống tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương của nền văn hiến Đại Việt xưa.
Dãy núi Yên Tử ở khu vực Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh còn là quê hương của họ Trần, dòng họ mà suốt thế kỷ 13, 14 đã tạo nên một trong những triều đại phong kiến rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là nơi an nghỉ của nhiều vị vua và hoàng tộc nhà Trần, đây cũng được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm khi Phật hoàng chọn Ngọa Vân là nơi nhập niết bàn.
Yên Tử cũng là chiếc nôi ra đời của Phật giáo Trúc Lâm, một thiên phái Phật giáo độc đáo. Các vị vua Trần đã dựa trên những tư tưởng giá trị cốt lõi của Phật giáo Trúc Lâm để trị vì đất nước, tạo ra đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng và toàn bộ các nhóm dân tộc tôn giáo, tín ngưỡng cho việc xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập có chủ quyền, toàn vẹn, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh lan xuống Đông Bắc Á và Nam Á trong các thế kỷ 13, 14.
Không gian cảnh quan, giá trị của Yên Tử minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của triều đại nhà Trần và thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quần thể di sản đang đứng trước cơ hội trở thành Di sản văn hóa thế giới liên tỉnh đầu tiên ở nước ta, tôn vinh nâng tầm di sản cũng là cơ hội bảo tồn, phát huy các giá trị một cách bền vững. Liên minh lịch sử giữa chính trị, tôn giáo, xã hội cùng với ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục phát huy cho tới ngày hôm nay. Thông qua sự tiếp nối truyền thống thờ tự Phật giáo Trúc Lâm và di sản triều Trần tại vùng lõi Yên Tử lan tỏa ra toàn bộ đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: "Yên Tử là nơi giao thoa văn hóa rất đậm đà và nổi bật trong khu vực này với các văn hóa nổi tiếng trên thế giới như: Đạo phật, đạo nho, đạo giáo, thuyết phong thủy, kết hợp với tín ngưỡng bản địa, tạo ra những nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đó là chứng cứ phong phú, duy nhất ở Việt Nam về nền văn minh Đại Việt. Nền văn minh Đại Việt là nền văn minh rực rỡ nhất, lâu dài nhất, Việt Nam nhất trong thời kỳ độc lập từ thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỳ 19, 20 tồn tại cho đến ngày nay. Sự giao thoa văn hóa, kết hợp với văn hóa của Việt Nam tạo nên ở khu vực này một cảnh quan văn hóa riêng có".
Khu di sản Yên Tử chứng minh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, biểu hiện qua những di tích khảo cổ và di tích quan trọng, hệ thống am chùa, đền miếu, lăng tẩm, mộ, tháp các bãi chiến trường và các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: kinh sách, văn thơ, lễ hội truyền thống. Qua đó, giúp chúng ta hiểu hơn về nền văn minh Đại Việt với nhiều giá trị to lớn hiện chưa tìm thấy ở các di tích Đại Việt khác. Tất cả đã làm nên một di sản Yên Tử là sự hội tụ kế thừa của những giá trị văn hóa lịch sử ở tầm vóc quốc gia và quốc tế, lan tỏa vẻ đẹp và giá trị trường tồn của một di sản văn hóa được truyền thừa, tiếp nối cho nhiều thế hệ người Việt.