Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường

Người Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, trong đó có di sản văn hóa chiêng Mường.

Người Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo, trong đó có di sản văn hóa chiêng Mường.

Nghệ thuật chiêng Mường được bảo tồn và phát huy trong các ngày lễ lớn của tỉnh và các địa phương. Ảnh: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024 được tổ chức tại xã Phong Phú (Tân Lạc).

Chị Nguyễn Thị Dung, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chia sẻ: Là người con sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Động, từ nhỏ tôi đã được nghe tiếng chiêng trong các ngày lễ, Tết, ngày hội bản Mường. Khi trưởng thành, mặc dù lập gia đình ở xa, nhưng vào mỗi dịp lễ, Tết, tiếng chiêng như thúc giục những người con xa quê dù ở đâu cũng trở về đoàn tụ với gia đình, hàng xóm.

Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng di sản văn hóa Mường, tổ 6, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Chiêng Mường là một loại hình văn hóa độc đáo, chứa đựng trong đó những linh thiêng, huyền diệu trong văn hóa dân gian và đời sống của người Mường. Trong quá trình tồn tại hàng nghìn năm, chính chiêng Mường đã làm nên bản sắc văn hóa, bản sắc riêng độc đáo của người Mường. Do vậy, chiêng Mường được xem là vật báu, là hồn thiêng của dân tộc Mường. Chiêng Mường có mặt ở tất cả các gia đình người Mường, trong đời sống tinh thần, đời sống sinh hoạt hàng ngày từ hàng nghìn năm nay. Là bảo tàng gia đình, gia đình ông đã sưu tầm được hơn 6.000 hiện vật về đời sống đồng bào Mường, trong đó có nhiều chiêng Mường. Ông còn truyền dạy chiêng Mường và âm nhạc dân gian Mường cho người dân trong và ngoài tỉnh Hòa Bình.

Có thể khẳng định, trong kho tàng di sản văn hóa của người Mường, chiêng có vai trò rất quan trọng, là một loại hình sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi mất đi. Văn hóa chiêng được xem là linh hồn của người Mường, là vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh về vật chất và tinh thần của mỗi gia đình cũng như cộng đồng Mường. Văn hóa chiêng của người Mường Hòa Bình có những nét độc đáo riêng, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc.

Theo số liệu điều tra năm 1999, số chiêng trong toàn tỉnh chỉ còn 3.830 chiếc, giảm nhiều so với giai đoạn trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, do chiến tranh, do người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị của những bộ chiêng, do nghèo túng, nạn săn lùng cổ vật… Đến năm 2010, ngành chức năng tiến hành kiểm kê chiêng trên địa bàn toàn tỉnh lưu giữ được 9.960 chiếc, thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Để bảo tồn và phát huy giá trị chiêng Mường, tỉnh đã tổ chức Lễ hội chiêng Mường lần thứ nhất năm 2011 và lần thứ hai năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 125 năm và 130 năm thành lập tỉnh, được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam. Lễ hội chiêng Mường Hòa Bình là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo mang đặc trưng của người Mường.

Năm 2016, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện chủ trương của tỉnh về bảo tồn chiêng Mường, được sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân, đến nay, số lượng chiêng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Chiêng Mường được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng, trong nhiều hoạt động văn hóa, chính trị trên địa bàn tỉnh, tham gia một số sự kiện của khu vực và toàn quốc. Các làn điệu chiêng và không gian văn hóa chiêng Mường Hòa Bình đã tạo ấn tượng cho khách du lịch, nhất là khách quốc tế khi đến Hòa Bình.

Mặc dù vậy, trước những tác động của biến đổi văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, di sản văn hóa chiêng Mường đang đứng trước nguy cơ bị mai một rất cao… dẫn đến một bộ phận người Mường không quan tâm đối với văn hóa chiêng, nhất là lớp trẻ. Mới đây, tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó có đánh giá về kết quả, thực trạng và các giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật chiêng của người Mường Hòa Bình trong cuộc sống hôm nay và mai sau. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật chiêng Mường gắn với phát triển du lịch. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị của chiêng Mường. Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng chiêng trong các ngày lễ lớn của tỉnh và các địa phương; truyền dạy nghệ thuật chiêng Mường cho thế hệ trẻ...

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/191411/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-nghe-thuat-chieng-muong.htm