Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại An Giang

Đồng bào Chăm ở An Giang hiện có khoảng 13.000 người (chiếm 0,67% dân số toàn tỉnh); sống tập trung các xã đầu nguồn ven sông Hậu thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Phú Tân và Châu Phú,... Điều đáng quý là đồng bào Chăm nơi đây vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm.

Trao truyền nghề dệt qua nhiều thế hệ

Theo các nhà nghiên cứu, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm phát triển bắt đầu từ khoảng những năm đầu của thế kỉ XIX. Hầu như đến bất kỳ gia đình nào của người Chăm cũng dễ dàng bắt gặp chiếc khung dệt và hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn ngồi dệt vải.

Chị Romah sống tại làng Chăm Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết nghề dệt trong làng mình đã có từ rất lâu. Từ nhỏ chị đã biết bà ngoại truyền nghề cho mẹ, sau đó chị cũng được mẹ hướng dẫn học nghề thành thạo, để rồi lại tiếp tục hướng dẫn cho con gái. Có thể khẳng định nghề dệt đã gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của làng, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho vùng đất này.

Chị chị Romah giới thiệu sản phẩm khăn kẻ caro do cơ sở của chị sản xuất. (Ảnh: Thi Phong)

Chị chị Romah giới thiệu sản phẩm khăn kẻ caro do cơ sở của chị sản xuất. (Ảnh: Thi Phong)

Cũng giống như chị Romah, anh Mohamad - chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, cho biết nghề dệt thổ cẩm người Chăm đến đời của anh là đời thứ ba, và được truyền từ đời ông, đời bà, đến đời cha mẹ, và đến anh. Để phát huy nghề truyền thống của gia đình, anh đã phát triển nghề này rộng ra, bằng việc đa dạng sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch đưa khách tham quan đến đây trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm dễ nhận biết với các họa tiết đặc trưng đó là sóng nước, vân mây, ô vuông, kẻ sọc, lồng đèn, bông dâu,… Người Chăm tự dệt vải, tạo nên các trang phục cho mình để sử dụng trong đời sống hằng ngày như váy, áo, khăn đội đầu; xà rông của nam giới…

Kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Chăm cũng khác biệt với kiểu dệt Ikat - dệt xà rông, theo đó dệt thổ cẩm phải xen kẽ giữa go nền và go hoa văn. Số lượng khung go thay đổi khác nhau tùy từng loại hoa văn như: Dệt thổ cẩm hoa văn dạng bông dâu cần 12 khung go, dạng mắt xích phải có 10 khung go, dạng mắc võng cần 9 khung go, hoa văn con thoi, cánh quạt 8 khung go… Với nguyên liệu chỉ tơ, sợi khá mảnh và dễ đứt nên người Chăm không dùng sợi go lược kẽm mà thay bằng go lược chỉ để giúp cho sợi chỉ khít hơn, khi dệt sản phẩm sẽ khắc mặt, mịn hơn. Người Chăm nhuộm tơ bằng các nguyên liệu tự nhiên giúp cho màu sắc trên sản phẩm vừa bền màu, vừa an toàn cho người sử dụng, tạo thành đặc trưng riêng không lẫn với những loại sản phẩm tơ sợi ở nhiều địa phương khác.

Làng vắng bóng khung dệt

Tuy nhiên hiện nay do nhiều nguyên nhân nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm An Giang đang ngày càng mai một. Các sản phẩm dệt máy công nghiệp vừa nhanh, giá thành rẻ được người dân ưa chuộng khiến nghề dệt thủ công bị cạnh tranh khốc liệt được cho là nguyên nhân lớn nhất.

Nhớ lại quãng thời gian khoảng 10 năm trước, khi đến với làng Chăm Đa Phước, chúng tôi đã rất ấn tượng với sự kết hợp hiệu quả giữa nghề dệt thổ cẩm truyền thống với phát triển du lịch tại đây. Đi quanh làng dễ dàng bắt gặp những khung cửi trong các nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào. Những phụ nữ Chăm với chiếc khăn trùm đầu truyền thống, ánh mắt sâu thăm thẳm ngồi mải miết bên khung dệt, vừa huyền bí vừa quyến rũ tạo nên nét đặc sắc cho ngôi làng, thu hút du khách phương xa lặn lội tìm đến.

Làng Chăm Đa Phước ngày càng vắng tiếng dệt vải. (Ảnh: Thi Phong)

Làng Chăm Đa Phước ngày càng vắng tiếng dệt vải. (Ảnh: Thi Phong)

Nhiều gia đình còn đầu tư sửa sang khuôn viên của nhà mình thành điểm trưng bày sản phẩm, đồng thời đặt các khung dệt cho khách trải nghiệm. Không khí trong làng khi đó rất nhộn nhịp với các đoàn khách tấp nập ghé thăm.

Trở lại làng Chăm Đa Phước vào trung tuần tháng 9/2024, một khung cảnh trái ngược hiện ra trước mắt tôi. Dù đang là giờ sáng nhưng trong làng khá yên ắng, tuyệt nhiên không có tiếng dệt vải vang lên. Chúng tôi gặp chị Romah đang trông coi cửa hàng trưng bày sản phẩm của gia đình. Chị cho biết cả làng hiện chỉ còn gia đình chị vẫn còn bám trụ lại với nghề dệt truyền thống. Những chị em khác trong làng hầu hết đã chuyển nghề khác vì doanh thu từ nghề dệt ngày càng bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống.

Các sản phẩm dệt của gia đình chị Romah. (Ảnh: Thi Phong)

Các sản phẩm dệt của gia đình chị Romah. (Ảnh: Thi Phong)

Nhìn gian hàng của chị Romah phần nào cho thấy sự suy tàn của nghề dệt tại đây. Khu vực trưng bày sản phẩm truyền thống do chính cơ sở của chị Romah làm ra chỉ vỏn vẹn vài chục chiếc khăn đặt trên một chiếc bàn gỗ khiêm tốn. Phần chính của cửa hàng là các sản phẩm khăn do chị nhập từ nơi khác về bán cho bà con và khách du lịch.

Chị tâm sự, hàng nhập về mẫu mã đa dạng nên được nhiều người ưa chuộng hơn sản phẩm truyền thống. Con gái được chị trao truyền nghề dệt nhưng giờ cũng lo buôn bán thêm, khi nào có khách đặt hàng mới hỗ trợ mẹ ngồi dệt.

Anh Jac Queqrya nhận mọi công việc về mộc trong làng. (Ảnh: Thi Phong)

Anh Jac Queqrya nhận mọi công việc về mộc trong làng. (Ảnh: Thi Phong)

Anh Jac Queqrya vốn được biết đến là thợ đóng khung dệt số một trong làng Chăm Đa Phước. Giai đoạn trước kia, khi nghề dệt hưng thịnh, anh làm không hết việc, thì nay anh đành phải nhận làm các việc liên quan nghề mộc như đóng bàn ghế, sửa nhà cửa,… vì làng chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề dệt. Khung cửi bỏ không, quanh năm không dùng đến, bụi bặm và mạng nhện bám đầy.

Giải bài toán khó

Buồn vì nghề dệt truyền thống trong làng ngày một tàn lụi, nhưng chị Romah cũng phải thừa nhận rằng sản phẩm của mình không đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Hiện chị chỉ dệt chủ yếu là khăn, với mẫu mã là kẻ sọc truyền thống, trong khi các sản phẩm tương tự trên thị trường được bày bán rất nhiều. Điểm hạn chế khác là việc tiếp cận thị trường của cơ sở dệt của chị Romah cũng chưa thực năng động, hầu hết là giao cho các mối quen bán ngoài chợ. Việc tiếp cận các loại hình mới như bán hàng online chị chưa cập nhật nên đành trông chờ vào con dâu và con gái. Tuy vậy, vì sản phẩm hiện tại chưa đa dạng, sức khỏe lại ngày một giảm sút nên chị cũng thiếu sự quyết liệt trong việc tìm những hướng đi mới cho cơ sở dệt thổ cẩm. Việc kinh doanh của gia đình duy trì theo kiểu có gì bán nấy. Nhất là sau khi dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề khiến chị cũng có phần nản lòng.

Đây có lẽ là tâm lý chung của các thợ dệt trong làng Chăm Đa Phước nói riêng và tại nhiều làng Chăm ở An Giang nói chung, dẫn đến sự mai một của nghề truyền thống vốn gắn bó lâu đời với cộng đồng người Chăm.

Mạnh dạn tìm hướng đi mới

Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 480/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, theo đó nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với làng Chăm Châu Phong và cũng là niềm vui chung của cộng đồng người Chăm ở An Giang. Đồng thời từ đây cũng góp phần tạo thêm động lực, niềm tin cho bà con, nhất là những người vẫn còn đang gắn bó, tha thiết với nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Cửa hàng trưng bày tại làng Chăm Đa Phước chủ yếu nhập từ bên ngoài. (Ảnh: Thi Phong)

Cửa hàng trưng bày tại làng Chăm Đa Phước chủ yếu nhập từ bên ngoài. (Ảnh: Thi Phong)

Tuy nhiên để góp phần đưa nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang thực sự khởi sắc, có bước tiến mới rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách, đào tạo nghề, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp bà con có thêm sinh kế và gắn bó với nghề, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu làng nghề,...

Về phía cộng đồng người Chăm cần phát huy ý thức gìn giữ nghề truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc. Theo đó người làm nghề dệt cần phát huy tính sáng tạo, thiết kế thêm nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng phù hợp yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chủ động tiếp cận và mở rộng các kênh tiếp thị, nhất là các trang mạng xã hội,… Phối hợp các tour du lịch, mời gọi khách tham quan đến tìm hiểu, trải nghiệm,…

Mong rằng tới đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở An Giang nói riêng và đồng bào Chăm nói chung sẽ ngày càng phát huy giá trị, vừa mang lại sinh kế cho bà còn, vừa góp phần lưu giữ và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Phong Điệp, Thanh Bình

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-va-phat-huy-nghe-det-tho-cam-cua-dong-bao-cham-tai-an-giang-post831836.html