Bảo tồn và phát triển làng nghề

Trong số hơn 2.900 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được Hà Nội chứng nhận, có tới hơn 770 sản phẩm đến từ các làng nghề. Điều này khẳng định làng nghề là một trong những khu vực còn nhiều dư địa phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.

Nón lá làng Chuông xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Thanh Bình.

Nón lá làng Chuông xã Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Thanh Bình.

Phát huy thế mạnh làng nghề, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang tích cực xây dựng nhiều sản phẩm đạt Chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Gia tăng giá trị nhờ OCOP

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, toàn xã hiện có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp (DN) và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình OCOP khá thuận lợi và đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện cả xã có khoảng 50 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, trong đó có sản phẩm được xếp hạng 5 sao - thứ hạng cao nhất trong thang đánh giá OCOP hiện nay. Nhờ tham gia Chương trình OCOP, những sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của làng nghề đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Cũng theo ông Khôi, nhờ phát triển đồng bộ giữa lưu giữ nghề truyền thống kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, nên tổng giá trị doanh thu Bát Tràng ước đạt 2.000 tỷ đồng. Hàng năm, Bát Tràng giải quyết việc làm cho 5.000 lao động trong và ngoài địa phương và đón khoảng 10 vạn lượt khách tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó nhiều đoàn là khách quốc tế. Thu nhập chính của xã từ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, giúp nâng thu nhập bình quân toàn xã lên hơn 90 triệu đồng/người/năm.

Tương tự tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nơi vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề”, ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình OCOP, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Theo thống kê hiện, huyện Phú Xuyên có 231 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm từ các làng nghề chiếm 70%. Phú Xuyên cũng đang là một trong những huyện dẫn đầu TP Hà Nội trong thực hiện Chương trình OCOP.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, từ khi có Chương trình OCOP, các sản phẩm đều phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương. Các chủ thể, có sản phẩm được thành phố và huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi, tạo được uy tín với khách hàng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường tăng lên, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, duy trì và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tại huyện Thanh Oai, chia sẻ về giá trị mà Chương trình OCOP đem lại, ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Nhất là với một huyện có 42 làng nghề và làng có nghề được thành phố công nhận thì việc xây dựng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lưu giữ và phát triển giá trị của làng nghề.

Theo ông Sáng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP được huyện triển khai và chỉ đạo quyết liệt, kết quả đến tháng 12/2024, tổng sản phẩm OCOP đã được đánh giá công nhận, còn hiệu lực là 87 sản phẩm (31 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao và tiềm năng 4 sao của năm 2024 đang trình thành phố đánh giá công nhận).

Là một trong những sản phẩm đạt 4 sao OCOP, nón làng Chuông (xã Phương Trung) đang được bán đi các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu. Nghệ nhân Lê Văn Tuy, chủ một hộ sản xuất nón tại làng Chuông cho hay, tham gia Chương trình OCOP, các hộ sản xuất được huyện hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm nón làng Chuông đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiệu quả kinh tế từ nghề làm nón cũng tăng lên gấp 6 - 7 lần.

Các nghệ nhân làm gốm ở làng gốm Bát Tràng.

Các nghệ nhân làm gốm ở làng gốm Bát Tràng.

Để sản phẩm OCOP làng nghề vươn xa

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có những sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh giá trị xuất khẩu, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời, sự sáng tạo của những người thợ từ những sản phẩm đặc trưng… Qua thống kê cho thấy, mỗi năm các làng nghề Hà Nội đón khoảng 2 triệu lượt du khách, đóng góp khoảng 15% tổng thu nhập từ du lịch của thành phố.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người làm nghề. Đến nay, Hà Nội đã có 771/2.924 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đến từ các làng nghề, làng có nghề. Tổng giá trị sản xuất của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân cho người lao động hiện đạt 7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,5-2 lần so với thu nhập lao động thuần nông.

Mặc dù vậy, theo đánh giá Chương trình OCOP của TP Hà Nội còn gặp khó khăn, hạn chế: Số lượng sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận chưa nhiều, mới có 6 sản phẩm được công nhận; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chưa thực sự mặn mà tham gia Chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế; thị trường tiêu thụ chưa thực sự được mở rộng...

Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, mỗi năm Hà Nội đón gần 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 5 triệu khách quốc tế. Nếu mỗi du khách đến Hà Nội du lịch mua một món quà thì sẽ kích cầu rất lớn cho sản phẩm OCOP. Chưa kể, thành phố cũng có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc, nhu cầu sử dụng các sản phẩm OCOP rất lớn. Tuy vậy, cái yếu của sản phẩm OCOP Hà Nội hiện nay là thiết kế sáng tạo. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay không còn tâm lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, mà yêu cầu sản phẩm phải “đẹp từ trong ra ngoài”, từ chất lượng đến mẫu mã. Do đó, sản phẩm OCOP của Hà Nội cần phải đầu tư nhiều hơn cho khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng vùng miền, từng quốc gia mà sản phẩm hướng tới.

Do đó, thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề qua hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn.

Còn theo ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, xác định làng nghề là dư địa lớn để thành phố phát triển Chương trình OCOP, thời gian tới, thành phố tiếp tục hỗ trợ các làng nghề đào tạo truyền nghề, nhân cấy nghề, chú trọng nghề truyền thống, cổ truyền, quan tâm nhiều hơn đến khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu… để phát triển sản phẩm OCOP nhiều hơn, chất lượng nâng cao hơn.

Ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội):

Chương trình OCOP giúp làng nghề vươn xa và hội nhập

Chương trình OCOP đã giúp làng nghề tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã... để sản phẩm làng nghề vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, vừa có những cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập. Chương trình còn tạo động lực cho các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề. Minh chứng từ địa phương cho thấy, nhờ có chương trình OCOP nhiều sản phẩm làng nghề của huyện nổi tiếng khắp miền Bắc, với các thương hiệu: giò chả Ước Lễ, tương Cự Đà, nón làng Chuông… Đặc biệt, sản phẩm nón làng Chuông đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc...

Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá đến người tiêu dùng sản phẩm OCOP của huyện, Thanh Oai đã xây dựng 4 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện tại xã Bích Hòa, Phương Trung, Tam Hưng, Dân Hòa. Cùng với việc bố trí gian hàng, huyện Thanh Oai còn phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, như tổ chức hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu. Mặc dù vậy, theo đánh giá việc triển khai Chương trình OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn chưa đem lại kết quả như kỳ vọng. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là sự vào cuộc, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ về truyền thông giới thiệu sản phẩm OCOP còn hạn chế. Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của huyện, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và làng nghề huyện đang rà soát quỹ đất để bố trí điểm trưng bày sản phẩm, hình thành các tuyến du lịch làng nghề. Huyện cũng rà soát và đưa vào danh mục các nhóm ngành hàng cần ưu tiên phát triển, xây dựng thương hiệu, từ đó đầu tư quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tập trung vào sản phẩm theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao của các hợp tác xã.

Lê Bảo-Thanh Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-10296868.html