Bảo vật quốc gia tại Huế bị người đàn ông phá hoại là chiếc Ngai vàng độc bản
Ngai vàng Hoàng đế thời Nguyễn tại Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế vừa bị người đàn ông phá hoại là hiện vật độc bản vô cùng quý hiếm.

Chiếc ngai vàng lịch sử tại Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế bị phá hoại đáng tiếc. (Ảnh: Đình Hoàng).
Chiếc Ngai vàng lịch sử
Ngày 26/5, TS Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế cho biết, qua vụ việc người đàn ông phá hoại Ngai vua triều Nguyễn (hay còn gọi là Ngai vàng) tại Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế, đây là hiện vật gốc, độc bản, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.
Ngai vua triều Nguyễn là chiếc Ngai vàng lịch sử, chứng kiến lễ đăng quang của các hoàng đế triều Nguyễn, hiện được đặt ở vị trí quan trọng nhất ở giữa Điện Thái Hòa.

Ngai vàng (khi chưa bị phá hoại), đế ngai và bửu tán tại Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế. (Ảnh: Đình Hoàng).
Ngai làm bằng gỗ, gồm 2 phần: Ngai vàng và đế ngai; phía trên có bửu tán bằng gỗ. Kích thước ngai vàng dài 87cm, rộng 72cm, cao 101cm. Phần đế dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm. Trọng lượng ngai khoảng 60kg.
Ngai vàng, đế ngai và bửu tán đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Chiếc Ngai vàng này được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2015.
Trong thời gian Điện Thái Hòa trùng tu (2021-2024), Ngai vàng được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bảo quản ở một vị trí khác. Cuối năm 2024, khi khánh thành Điện Thái Hòa sửa chữa xong, chiếc Ngai vàng được đặt lại ở giữa Điện Thái Hòa, vị trí nơi các vua Nguyễn thời xưa làm lễ đăng quang hay hội họp triều đình những việc quan trọng, cơ mật.

Ngai vàng này là Bảo vật quốc gia, chứng kiến lễ đăng quang của các hoàng đế triều Nguyễn.

Đây cũng là hiện vật độc bản cực kỳ quý hiếm. (Ảnh: Đình Hoàng, chụp vào thời điểm năm 2024).
Việc chiếc Ngai vàng này bị người đàn ông phá hoại, bẻ gãy phần tựa phía trước tay bên trái đã làm nhiều người xót xa, nuối tiếc khi một Bảo vật quốc gia, hiện vật độc bản đã không còn sự nguyên vẹn vốn có ban đầu.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa Ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa 1 chiếc ngai vàng phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.

Người đàn ông xông lên ngai vàng và phá hoại chiếc ngai, đồng thời có những lời lẽ, hành động mất kiểm soát trong Điện Thái Hòa ngày 24/5.
Đơn vị này cho biết thêm, đây là sự cố hết sức hy hữu, mặc dù thời gian qua đơn vị đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích...
Địa phương có số lượng cổ vật phong phú của Việt Nam
TS Phan Thanh Hải cho hay, nếu so sánh với cả nước, TP Huế mới chỉ có 14/327 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, tức số lượng còn khá khiêm tốn, chưa phản ánh đúng giá trị, tầm vóc và sự phong phú của kho tàng di sản cổ vật tại cố đô. Tuy vậy, các Bảo vật quốc gia đã được công nhận của Huế đều rất tiêu biểu, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt.
Theo thống kê, chỉ tính riêng các bảo tàng công lập và ngoài công lập của Huế hiện đang trưng bày, bảo quản hơn 67.000 tư liệu, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, trong số đó có 14 hiện vật/nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia bao gồm các hiện vật thuộc văn minh Chămpa, hiện vật thời Chúa Nguyễn và hiện vật thời Vua Nguyễn.
Ngoài ra, còn có một số hiện vật thời Nguyễn vốn ở Huế nhưng nay đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) cũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Cửu Đỉnh tại Đại Nội Huế, một trong số các Bảo vật quốc gia của cố đô. (Ảnh: Bảo Minh).
“Trải qua những biến động phức tạp của lịch sử, vô số những cổ vật, tác phẩm nghệ thuật của Huế đã bị cướp bóc, đánh cắp, hủy hoại. Dẫu vậy, hiện nay cố đô Huế vẫn là một trong những địa phương có số lượng cổ vật, tác phẩm nghệ thuật phong phú của Việt Nam.
Vì vậy, việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy giá trị của các bảo vật này sẽ có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có giá trị thiết thực cho việc phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của TP Huế trong giai đoạn hiện tại và về lâu dài, nhất là khi Huế đã chính thức trở thành Thành phố trực thuộc trung ương và được định hướng xây dựng theo mô hình một đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam” – TS Phan Thanh Hải trao đổi.

Ngai vua triều Nguyễn lộng lẫy, vàng son. (Ảnh: Bảo Minh).
Như Báo Giáo dục và Thời đại thông tin, vào tối 24/5, mạng xã hội facebook lan truyền nhiều hình ảnh, video ghi lại cảnh một người đàn ông ngồi chễm chệ trên Ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia, đặt tại Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế. Một số hình ảnh cho thấy, Ngai vàng đã bị người đàn ông này phá hoại. Phần tựa tay ở Ngai vàng có đầu rồng bị rơi ra ngoài.
Nhiều ý kiến đều tỏ ra bức xúc với hành động phá hoại của người đàn ông này và công tác bảo vệ lỏng lẻo của đơn vị quản lý di tích Huế là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Những phần bị gãy ở Ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia do người đàn ông này gây ra.
Ngày 25/5, UBND TP Huế thông tin, một người đàn ông tên Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, trú phường Hương Long, quận Phú Xuân, TP Huế) mua vé tham quan Đại Nội Huế vào 11h55’ trưa 24/5. Lúc vào khu vực Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế, ông Tâm có biểu hiện không bình thường, một nhân viên bảo vệ đã mời người này đi ra phía hậu điện. Tuy nhiên, người đàn ông này sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày Ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.
Để tránh việc đối tượng manh động, đập phá các hiện vật trưng bày khác, nhân viên bảo vệ đã tiếp cận từ xa, nhắc nhở người này đi ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12h10’ trưa cùng ngày, bảo vệ đã khống chế và báo cho Công an phường Đông Ba (quận Phú Xuân) lập biên bản và bắt giữ đối tượng Hồ Văn Phương Tâm.
Cơ quan điều tra Công an TP Huế đang phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân và các cơ quan liên quan thu thập các tài liệu chứng cứ để làm rõ, giải quyết vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Công an TP Huế đang tạm giữ hình sự và làm rõ sự việc với ông Hồ Văn Phương Tâm - người phá hoại ngai vua triều Nguyễn ngày 24/5.
Trong cùng ngày, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có văn bản đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương triển khai tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ cho Bảo vật quốc gia nói trên.
Cục Di sản Văn hóa yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải tổ chức đánh giá tình trạng kỹ thuật của Ngai vua triều Nguyễn, kịp thời đề xuất các giải pháp xử lý, bảo quản phù hợp theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu đơn vị này tăng cường công tác bảo vệ Bảo vật quốc gia.