Bảo vệ bảo vật quốc gia: Có của phải biết giữ
Vụ phá hoại nghiêm trọng xảy ra đối với bảo vật quốc gia 'Ngai vua triều Nguyễn' trưng bày tại điện Thái Hòa thuộc Di tích cố đô Huế vào ngày 24-5, khiến dư luận bức xúc. Di sản mất đi không chỉ là thiệt hại vật chất, mà còn là giá trị lịch sử, nền tảng văn hóa, nghệ thuật nước nhà… Và câu hỏi lớn nhất hiện nay là: công tác bảo tồn di sản đang làm gì?
Xót xa nỗi đau di sản
Trước vụ phá hoại “Ngai vua triều Nguyễn” ở Di tích cố đô Huế, đã có nhiều sự việc đau lòng khiến bảo vật quốc gia "rơi rụng", chỉ vì công tác bảo tồn theo kiểu “có của mà không biết giữ”.

“Ngai vua triều Nguyễn” bản phục chế 1:1 trưng bày ở điện Thái Hòa để phục vụ khách tham quan sau khi bản gốc bị phá hỏng. Ảnh: VĂN THẮNG
Tháng 4-2014, trong dịp tổ chức lễ hội chùa Long Đọi Sơn và công bố Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam), nhóm thợ thi công chỉnh trang khuôn viên chùa sau khi lát nền, quét vôi, do thấy xi măng vôi ve bắn vào bia Sùng Thiện Diên Linh nên đã dùng chổi, bàn chải sắt để làm sạch bia! Điều này gây hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ làm giảm giá trị của bảo vật quốc gia mà còn gây phản cảm trong mắt khách tham quan.
Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong việc bảo tồn di sản có lẽ là việc bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013) bị hư hại sau khi làm vệ sinh tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vào giữa năm 2019. Theo đó, bảo tàng đã giao việc vệ sinh tác phẩm cho một người không có kinh nghiệm về bảo tồn di sản. Người này đã dùng nước rửa chén, bột chu, thậm chí là cả giấy nhám... để làm sạch bức tranh! Kết quả thẩm định sau đó đã xác nhận, bảo vật này đã bị hư hỏng hơn 30%, tác động đến cả góc độ tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm (theo kết luận của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm).

“Long sàng”, bảo vật quốc gia tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) chỉ có một biển ghi danh nhỏ và dải ngăn cách đỏ đơn sơ. Ảnh: MAI AN
Dù chưa đến mức hư hại nhưng chuyện có của mà chưa biết giữ cũng xảy ra với súng thần công triều Nguyễn (được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013) hiện đang được Bảo tàng Hà Tĩnh quản lý, lưu trữ. Do dự án xây Bảo tàng Hà Tĩnh chậm triển khai, khiến bảo vật phải “ở nhờ” tại Thư viện tỉnh Hà Tĩnh, nơi còn không đáp ứng được tiêu chuẩn bảo quản, trưng bày của bảo tàng, chứ chưa nói đến tiêu chuẩn bảo quản bảo vật quốc gia.
Việc bảo quản ra sao các bảo vật quốc gia không phải là đơn giản. Vụ cháy chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào cuối năm 2024, đã gây hư hỏng nghiêm trọng cho một bảo vật quốc gia là bệ đá hoa sen (được công nhận năm 2021). Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực cũng đặt ra một vấn đề nan giải: một số bảo vật quốc gia là hiện vật gắn liền với cộng đồng và thuộc về các nghi thức tín ngưỡng, nên việc đóng khung, lộng kính, cử đội bảo vệ hay trưng bày hiện vật bản sao là điều rất khó thực hiện.
Không để xảy ra trường hợp tương tự vụ việc bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" bị phá hoại
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Mai Văn Chính về xử lý thông tin phản ánh về vụ bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn" bị phá hoại. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia "Ngai vua triều Nguyễn", đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Đồng thời, UBND TP Huế chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn Di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Bộ VH-TT-DL chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật.
LÂM NGUYÊN
Đến lúc nói về trách nhiệm
Trước những tranh cãi và xót xa quanh vụ việc “Ngai vua triều Nguyễn”, có thể thấy câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiện không còn là nỗ lực để lan tỏa giá trị trăm năm hay ngàn năm, mà đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vào công tác bảo tồn di sản.

Bảo vật "Ngai vua triều Nguyễn" trưng bày ở điện Thái Hòa được đánh giá là bảo vệ sơ sài. Ảnh chụp trước ngày 24-5. Ảnh: VĂN THẮNG
Một trong những vấn đề lớn nhất, theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, là sự thiếu vắng tinh thần nhận trách nhiệm cá nhân trong bộ máy công quyền. “Tôi thực sự mong đợi một người đứng ra nói: Tôi chịu trách nhiệm cá nhân về sự việc này. Tôi xin từ chức... Một hành động như thế không chỉ là dũng khí cá nhân, mà còn là tấm gương cảnh tỉnh cho cả hệ thống”, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ thẳng thắn cho biết.
Ở góc nhìn cổ vật, bảo vật theo giá trị thị trường, một số nhà sưu tập cho rằng, quản lý bảo vật quốc gia cần định giá cụ thể. Để từ đó, đơn vị quản lý ý thức trách nhiệm hơn. Và trong tình huống xảy ra rủi ro, chúng ta có con số cụ thể để buộc người xâm hại bồi thường hay xử phạt. Tuy nhiên, điều này rất khó đưa vào thực tế và không thể áp dụng chung, vì có những hiện vật mà phần lớn giá trị thuộc về tinh thần, ký ức tập thể cộng đồng, hay khoảnh khắc lịch sử, rất khó để định giá.
Theo đó, việc bảo vệ bảo vật quốc gia đã có quy định tại điều 46, khoản 1, điểm a và b, Luật Di sản văn hóa, sửa đổi, bổ sung (năm 2024) nêu rõ “Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được bảo vệ, bảo quản như sau: Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý tại bảo tàng công lập và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, ngoài yêu cầu quy định tại điểm a khoản này, phải được lưu giữ và trưng bày trong kho bảo quản hoặc phòng trưng bày”.
Luật đã có quy định, nhưng rủi ro vẫn xảy ra từ góc độ khách quan lẫn chủ quan, một lần nữa công tác bảo tồn di sản đòi hỏi người trong cuộc lẫn công chúng một cái tâm và tầm để "có của phải biết giữ". Vật chất mất đi là thiệt hại nhìn ngay trước mắt, nhưng giá trị thuộc về tinh thần như cơn mưa dầm, một khi đã thấm thì rất sâu và rất khó để bù đắp những khoảng trống này trong đời sống và nền tảng văn hóa cho cộng đồng đương thời và thế hệ tiếp nối.
- PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương:
Ở một nơi tôn nghiêm, bảo vật quốc gia hiện diện, mà để cho việc phá hoại diễn ra một thời gian rồi mới ngăn chặn thì rõ ràng là có lỗ hổng lớn trong khâu quản lý và bảo vệ. Nếu không có sự thay đổi từ trong tư duy, chuyển từ bị động sang chủ động, từ đối phó sang căn cơ, thì những vụ việc tương tự sẽ còn tiếp diễn, không chỉ bởi sự phá hoại, mà còn từ chính sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của những người được giao trọng trách gìn giữ nó.
- PGS-TS ĐẶNG VĂN BÀI,Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia:
Đã đến lúc phải có chế tài đủ mạnh để bảo vệ bảo vật quốc gia, không thể để chúng ngậm ngùi vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Mỗi bảo vật không chỉ là tinh hoa văn hóa mà còn là tài sản khổng lồ, tiền của không thể đong đếm được.
- Ông HOÀNG VIỆT TRUNG, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế:
Hiện vật trưng bày tại điện Thái Hòa hay các điện thờ vua Nguyễn ở khu Di sản Huế, đều bài trí, thờ tự như vốn có trong lịch sử để du khách khám phá đời sống sinh hoạt, lễ nghi cung đình thời Nguyễn, nên phương án bảo vệ bằng tủ kính không khả thi. Chưa hết, mỗi hiện vật, bảo vật quốc gia có công năng, kích thước khác nhau trong mối quan hệ tổng hòa nên việc lắp đặt các thiết bị bảo vệ sẽ có nguy cơ làm biến dạng không gian di tích. Chúng tôi đã lên phương án bảo vệ hiện vật ở khu Di sản Huế bằng công nghệ cảm biến. Tuy nhiên, các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới, mọi sự thay đổi phải chờ Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá một cách kỹ lưỡng, cũng như phải đảm bảo các nguyên tắc khoa học; thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế.
Đơn vị sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp. Hiện chúng tôi đã đưa một phiên bản phục chế nguyên mẫu Ngai vua triều Nguyễn đến không gian điện Thái Hòa để tạm phục vụ khách tham quan. Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ các hiện vật quan trọng khác.
- Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế:
Đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế thành lập đoàn kiểm tra rà soát công tác bảo vệ, bảo quản, trưng bày các hiện vật tại các điểm di tích. Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại... tránh xảy những sự việc đáng tiếc như tại điện Thái Hòa vừa qua.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ve-bao-vat-quoc-gia-co-cua-phai-biet-giu-post796945.html