Bảo vệ con bằng câu 'Trẻ con có biết gì đâu' là ngụy biện cho sự thiếu văn minh
Khi đứa trẻ mắc lỗi mà phụ huynh nói 'Trẻ con có biết gì đâu', là một sự ngụy biện cho hành động sai. Nuông chiều như vậy, sẽ tạo ra 'đặc quyền' sai lầm cho trẻ.
Bố mẹ nào cũng mong muốn con cái cư xử tốt, hành động đẹp. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có xu hướng học và bắt chước theo người lớn. Khi quan sát xung quanh, trẻ dễ dàng lặp lại hành động tương tự. Chính vì vậy, để con lớn lên có nhân cách tốt, thì mỗi việc làm, mỗi hành động của bố mẹ đòi hỏi phải thực sự tử tế, chuẩn mực.
“Trẻ con có biết gì đâu” là sự ngụy biện cho những hành động sai
Chuyện về bố mẹ để con đùa nghịch trong quán cà phê rồi làm đổ nước vào laptop của người lạ; trẻ nhỏ đi tham quan và chạy nhảy, thậm chí trèo lên hiện vật ở bảo tàng; hay một nhóm các bạn nhỏ liên tục nhảy lên để trêu đùa một chú mèo con đáng thương... là những hình ảnh "xấu xí" nơi công cộng, đã gây ra nhiều tranh cãi.
Đáng buồn thay, có không ít phụ huynh còn lên tiếng bênh vực bằng lý lẽ "Trẻ con có biết gì đâu" và đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan.
Chia sẻ về một trong những câu chuyện ứng xử của trẻ nhỏ mà bản thân từng được chứng kiến, cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường Tiểu học Đồng Khê (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết: Mùa hè vừa rồi, tôi có dịp đi du lịch cùng gia đình. Khi tôi đang cúi xuống, chuẩn bị cởi giày để bước vào khu vui chơi, bỗng nghe bên tai có tiếng trẻ con vang lên:
- Mẹ ơi, sao mẹ lại đi giày của người khác. Giày này có phải giày của mẹ đâu ạ!
Nghe thấy vậy, tôi ngước lên nhìn hai mẹ con. Cậu con trai khoảng 6-7 tuổi, mặc áo trắng, quần jeans trông rất dễ thương, còn người mẹ mặc chiếc váy màu đen, vừa kịp xỏ chân vào một đôi giày có vẻ rất mới.
Thấy tôi nhìn, người mẹ có vẻ hơi lúng túng, gượng gạo. Chắc hẳn, đứa bé thấy mẹ mang nhầm đôi giày của người khác, nên đã nhắc mẹ. Tôi nghĩ, có thể do người mẹ đang không để ý nên đã vô tình đeo nhầm giày của người khác. Nhưng đột nhiên, người mẹ lại chuyển sắc mặt, lớn tiếng quát con:
- Con im ngay. Con biết gì mà nói. Đôi giày này mẹ vừa mới mua hôm qua nên con không biết thôi.
Khi nghe mẹ nói như vậy, đứa bé tỏ vẻ không đầu ý, lắc đầu, dứt khoát trả lời:
- Sáng nay, mẹ đi đôi giày khác đến đây. Ở nhà, con không thấy mẹ có đôi giày nào như đôi mẹ vừa đeo...
Tôi vẫn đứng im, tiếp tục lắng nghe câu chuyện của hai mẹ con thì càng bất ngờ hơn, người mẹ thay vì nhận lỗi lại ra rả nói với con:
- Giày của mẹ để ở đây nhưng đã có người đeo đi mất, nên giờ không thấy nữa. Nếu mẹ không đeo đôi giày này, mẹ đi như thế nào về nhà?
Vừa nói người mẹ vừa nắm tay con trai đi nhanh ra chỗ khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương bày tỏ: “Cách giáo dục này dường như đang đi ngược với cách dạy con phải biết thật thà, biết nhận lỗi, không được tham lam của người khác. Mặc dù đã đi được khoảng 200-300m, nhưng đứa bé vẫn ngoảnh mặt lại chỗ để giày của khách khi nãy. Tôi không biết, đứa bé muốn tìm lại đôi giày của mẹ hay lo sợ có ai phát hiện ra mẹ mình mang nhầm giày của họ.
Cách xử sự của người lớn chính là tấm gương cho con trẻ, đặc biệt, những tấm gương gần gũi từ bố mẹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Chúng ta muốn dạy con làm điều hay, điều tốt..., thì trước hết cũng phải cư xử sao cho đúng mực, hoặc chí ít là không làm điều gì xấu. Đôi khi, chỉ một hành động nhỏ của người lớn, nhưng vô tình lại trở thành tấm gương “mờ đục” trong mắt con trẻ.
Tôi tin, trong câu chuyện trên, đứa bé đã không đồng ý với việc mẹ của mình cố tình đeo nhầm giày của người khác. Lý do người mẹ đưa ra để thuyết phục con trai cũng không khiến cậu bé thực sự hài lòng. Chắc hẳn, những gì mà người mẹ đã cư xử và hành động không đúng ấy sẽ lưu lại rất lâu, thậm chí là mãi mãi trong tâm trí của cậu con trai”.
Một lần khác, khi cô Hương cùng gia đình đến siêu thị mua sắm, gặp một đám đông đang xôn xao. Cô Hương đi đến gần và được biết: Do không để ý, nên một bé trai tầm 5-6 tuổi đã vô tình va phải một bé gái tầm 4-5 tuổi. Bé gái làm rơi que kem đang ăn dở trên tay xuống đất, vương vãi đầy sàn nhà.
Tuy nhiên, bố mẹ bé trai không dừng lại hỏi thăm bé gái và dọn dẹp que kem đang bị chảy trên sàn, mà chỉ chạy lại quan tâm đến con trai mình. Sau khi xác nhận không có vấn đề gì, đôi vợ chồng định cầm tay bé trai dắt đi.
Ngay lập tức, mẹ của bé gái yêu cầu gia đình bé trai dừng lại, xin lỗi về hành động của con trai mình cũng như dọn dẹp đồ ăn dưới đất, để không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Phía gia đình bé trai không xin lỗi, lập tức tỏ thái độ khó chịu. Bố bé trai lên tiếng:
- Chị trách gì đứa trẻ con. Con tôi chỉ vô tình va phải con chị, con tôi có cố tình đâu.
Mẹ bé trai tiếp lời:
- Con chị có sao đâu, cháu có bị ảnh hưởng gì đâu mà chị phải làm quá lên ở nơi đông người như thế này?
Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi thầm nghĩ, việc bố mẹ bé trai bênh con đã diễn ra nhiều lần trước đó, nên bé đã quá quen thuộc. Thấy vậy, bé cũng theo lời bố mẹ, nói trống không và đổ lỗi “Có làm gì đâu”, “Ai bảo em đứng giữa đường”. Bố mẹ bé trai thấy vậy cũng không hề có hành động gì để khuyên bảo con.
Cô Hương tâm sự, mang tâm lý “làm gì bố mẹ cũng sẽ bênh mình", khiến đứa trẻ sinh ra những thói hư tật xấu sau này. Từ hành động làm rơi que kem của bạn không xin lỗi, có thể sau đó sẽ là hành động ăn trộm hộp bút, thước kẻ, hay tranh cướp bánh kẹo của bạn cùng lớp... Những hành động tưởng chừng nhỏ, nhưng với nhận thức non nớt của con trẻ, sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Sau một hồi nói qua lại, nhiều người xung quanh bắt đầu lên tiếng và cho rằng bố mẹ bé trai không nên cư xử như vậy. Gia đình bé trai đưa ra lời xin lỗi như một sự đối phó, rồi kéo tay con trai rời khỏi đám đông. Que kem trên sàn nhà vẫn đang chảy. Mẹ bé gái lấy trong túi ra một gói khăn giấy và hướng dẫn con mình lau sạch rồi mang vứt vào thùng rác.
Dù đã quay lưng đi, nhưng bố mẹ của bé trai vẫn thể hiện thái độ bênh con một cách thái quá, không nhận ra việc phải dạy dỗ, giáo dục con mình nghiêm khắc hơn. Hai bố mẹ vừa đi vừa nói những câu rất quen thuộc trong nhiều tình huống: “Cháu ở nhà rất ngoan”, “Trẻ con mà, nó có biết gì đâu”, “Sự việc không có gì to tát”, “Người lớn mà chấp nhặt với trẻ con”….
“Khi đứa trẻ mắc lỗi mà phụ huynh nói rằng: “Trẻ con có biết gì đâu” là một sự ngụy biện cho hành động sai của đứa trẻ đồng thời cho thấy sự giáo dục chưa đúng của bố mẹ. Đáng lẽ, việc đầu tiên, phụ huynh phải cho trẻ thấy bản thân đã sai ở đâu, cần phải chịu trách nhiệm như nào về hành vi của mình.
Nếu liên tục để trẻ tự do làm những hành động mà chúng muốn, sẽ vô tình tạo ra một “đặc quyền” sai lầm là trẻ không tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân. Mỗi bậc phụ huynh cần nâng cao khả năng giáo dục, hướng dẫn, giảng giải về chuẩn mực đạo đức; dạy trẻ biết tự chịu trách nhiệm về bản thân cũng như biết nhận lỗi khi làm sai.
Nếu việc bảo vệ con xuất phát từ việc đi tìm sự thật, lẽ phải, sẽ rất đáng hoan nghênh; còn ở chiều ngược lại, con trẻ sẽ không nhận ra lỗi sai của mình, không biết chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Bố mẹ chỉ nên đứng về phía con khi con làm đúng; trái lại, khi con sai, phụ huynh cần phải trở thành những ông bố, bà mẹ thông thái để hướng dẫn con cách hành xử chuẩn mực nhất” - cô Hương bày tỏ.
Từ sự nuông chiều của gia đình đến thói quen “không đẹp“ nơi công cộng
Việc không giáo dục, dạy dỗ trẻ ngay từ những việc nhỏ nhất trong gia đình, sẽ khiến trẻ dễ có những hành động, cư xử không đúng chuẩn mực, kể cả khi đến nơi công cộng.
Chị Lê Thị Thúy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong các bảo tàng quốc gia và đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội, hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 15 vạn tài liệu, hiện vật.
Tôi và cả gia đình đều mong chờ và cảm thấy háo hức khi có cơ hội đến tham quan. Tuy nhiên, thời điểm tôi đến, do vẫn đang trong dịp mở cửa miễn phí, nên khách tham quan khá đông, thậm chí có nhiều người chưa có ý thức trong việc xếp hàng, dẫn đến tạo ra một hình ảnh xấu xí.
Hầu hết khách tham quan là các gia đình có con nhỏ đi cùng... Nhiều bậc phụ huynh để mặc các con nô đùa, chạy nhảy khắp nơi, thậm chí có những đứa trẻ còn trèo lên cả hiện vật và tạo dáng chụp ảnh. Biển cảnh báo “Không leo trèo, tựa vào hiện vật” rõ ràng được đặt ngay cạnh đó... Nhưng không hiểu, vì không nhìn thấy, hay các bố mẹ cố tình “lờ đi” để cho con chụp những bức ảnh kỷ niệm “đẹp mà không đẹp” như vậy“.
“Vẫn biết, trẻ con thường nghịch ngợm, không chịu ngồi im một chỗ, tò mò muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Đặc biệt, khi đến những nơi công cộng, trẻ lại càng thích được tìm hiểu những cái mới.
Tuy nhiên, phụ huynh nên phân tích, giảng giải cho con biết, đâu là hành động nên làm, đâu là hành động không nên làm. Cách xử lý của phụ huynh sẽ giúp trẻ hình thành thói quen, cách cư xử nơi cộng cộng. Đây cũng là một trong những cách giáo dục để trẻ biết cách tôn trọng những người xung quanh”, chị Thúy bày tỏ.
Chị Thúy cũng nhận xét thêm: “Tôi cho rằng, đó không phải là những hành động bột phát, mà rất có thể xuất được hình thành khi ngay từ những thói quen, cách cư xử hàng ngày trong gia đình, trẻ không được bố mẹ uốn nắn, chấn chỉnh.
Các con còn nhỏ nên chưa nhận thức rõ về hành vi của bản thân, nhưng phụ huynh khi thấy con mình cư xử chưa đúng, hành động chưa chuẩn mực ở nơi công cộng, cần phải có sự hướng dẫn, nhắc nhở con.
Không chỉ vậy, những hình ảnh tiêu cực như trên còn ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Việt Nam, làm giảm giá trị vốn có của khu tham quan...”.
Việc giáo dục trẻ trong gia đình là điều vô cùng quan trọng, điều đó không chỉ ảnh hưởng tới quá trình phát triển tính cách, mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai sau này của mỗi đứa trẻ.