Bảo vệ dữ liệu cá nhân - yêu cầu cấp bách trong kỷ nguyên số
Trong thời đại số, công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt thì dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành tài sản có giá trị đặc biệt. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng lộ lọt loại dữ liệu này đang diễn ra nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân và xã hội.
Chị Thu Phương (37 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thường xuyên bị làm phiền bởi các cuộc gọi chào mời mua sản phẩm, dịch vụ, dù chưa từng cung cấp số điện thoại cho họ. Ngoài ra, mỗi ngày đều xuất hiện các tin nhắn quảng cáo đầu tư chứng khoán, trong khi chưa từng chia sẻ thông tin liên lạc cá nhân với bất kỳ đơn vị nào liên quan.
Không ít người cũng rơi vào tình trạng tương tự. Báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng (NCA) đã chỉ ra những con số đáng lưu tâm. Năm 2024 đã xuất hiện hơn 10.000 vụ việc liên quan đến lộ lọt thông tin cá nhân; 66,24% người dùng xác nhận thông tin cá nhân của họ từng bị khai thác không đúng mục đích. Mới đây, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) cảnh báo thực trạng nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân hiện vẫn còn hạn chế. Nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được người dùng đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các công cụ thu thập thông tin tự động và đối tượng xấu lợi dụng.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng quan trọng trong nền kinh tế số
Đơn cử, vào hồi tháng 2 vừa qua, lực lượng công an thành phố Huế đã triệt phá đường dây mua bán gần 56 triệu thông tin dữ liệu cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cơ quan chức năng cho biết, các đối tượng thường xuyên thực hiện việc mua bán dữ liệu trên các trang mạng, “nhóm kín” với hàng chục ngàn thành viên. Những dữ liệu của nạn nhân bị rao bán gồm: số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại, vị trí công tác, nơi làm việc, nơi ở của công dân.
Việc lộ lọt dữ liệu cá nhân đã và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Rõ ràng đã đến lúc cần phải thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế triệt để tình trạng này.
Hiện nhiều bộ ngành đã vào cuộc, đưa ra các động thái, ban hành các quy định để hạn chế tối đa việc dữ liệu của người dân bị mất an toàn. Đơn cử như trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng. Trong đó nêu rõ, đơn vị phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng, tối thiểu bao gồm: dữ liệu của khách hàng phải được bảo đảm an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật; thông tin sử dụng để xác nhận giao dịch của khách hàng bao gồm mã khóa bí mật, mã PIN, thông tin sinh trắc học khi lưu trữ phải áp dụng các biện pháp mã hóa hoặc che giấu để bảo đảm tính bí mật; thiết lập quyền truy cập đúng chức năng, nhiệm vụ cho nhân sự thực hiện nhiệm vụ truy cập dữ liệu khách hàng…
Trước thực trạng lộ lọt thông tin cá nhân ngày càng nghiêm trọng, các tổ chức, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng. Việc xây dựng và triển khai các biện pháp bảo mật cụ thể, toàn diện là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo thông tin cá nhân được lưu trữ và xử lý an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ, sử dụng trái phép. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là yếu tố then chốt hạn chế tình trạng lộ lọt thông tin, góp phần giảm thiểu tình trạng mất an toàn thông tin.
Về phía người dân, cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ dữ liệu của mình. Các chuyên gia cảnh báo, ngày càng nhiều người tham gia tương tác trên các mạng xã hội, thậm chí chủ động cung cấp thông tin hoặc click vào các đường link có mã độc, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho hacker xâm nhập, theo dõi và đánh cắp dữ liệu. Bên cạnh đó, cần chú ý rằng, nguy cơ có thể xuất phát từ thói quen mua sắm trực tuyến, bởi việc bảo mật thông tin giữa các đơn vị cung ứng hiện chưa thật sự an toàn tuyệt đối, dẫn đến lộ lọt và mua bán thông tin.
Trong thời gian tới, khi Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành sẽ là một bước tiến lớn trong việc thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng, với những chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; đồng thời đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc luật hóa bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ giúp người dân yên tâm hơn trong môi trường số, mà còn tạo nền tảng để doanh nghiệp tiến hành số hóa các hoạt động một cách bền vững, minh bạch và đúng hướng phù hợp với xu thế toàn cầu.