Bảo vệ 'lộc trời' trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Vụ chè Shan tuyết đầu xuân được xem là 'lộc trời', mang no ấm đến với bản làng miền cực Bắc của Tổ quốc.

'Cụ' chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Cao Bồ.

'Cụ' chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Cao Bồ.

Chè Shan tuyết được ví như máu thịt của người dân Lùng Tao (Hà Giang). Vụ chè Shan tuyết đầu xuân được xem là “lộc trời”, mang no ấm đến với bản làng miền cực Bắc của Tổ quốc.

Lên đỉnh hái “lộc trời”

Cây chè Shan tuyết Hà Giang có lịch sử lâu đời. Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, năm 2011, tỉnh bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây chè Shan tuyết tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên) với diện tích khoảng 900 ha. Tính đến nay, nhiều diện tích chè Shan tuyết đã được phát triển theo hướng hữu cơ. Ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế chính sách. Đồng thời, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng vùng nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch… Ông VŨ VĂN HIẾU (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang)

Dãy Tây Côn Lĩnh cao hơn 2.400m so với mực nước biển, được mệnh danh là nóc nhà khu vực Đông Bắc. Tây Côn Lĩnh nằm trải dài ở địa giới hành chính 10 xã thuộc 3 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang là: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Thủy, Phương Tiến, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thượng Sơn (huyện Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) và Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì). Nơi đây có những cây chè Shan tuyết cổ, tuổi thọ vài trăm năm.

Ở Hà Giang có 3 vùng chè Shan tuyết nổi tiếng là Lũng Phìn ở huyện Đồng Văn, Phìn Hồ ở huyện Hoàng Su Phì và Cao Bồ ở huyện Vị Xuyên. Trong đó vùng chè tại xã Cao Bồ được đánh giá cao về chất lượng vì có sự đồng đều về màu sắc và kích thước, búp chè xoăn chặt, non, thô, bạc cánh (có tuyết), cánh chè to, tròn. Khi pha, nước chè sánh, màu xanh vàng bắt mắt, mùi thơm tự nhiên, vị chát dịu và có vị ngọt hậu.

Về xã Cao Bồ, chúng tôi được anh Nguyễn Sỹ Kha - Phó Chủ tịch UBND xã, một cán bộ thế hệ 9X mới được điều động nhận nhiệm vụ dẫn đến thăm vùng chè cổ thụ tại thôn Lùng Tao. Đường lên Lùng Tao bây giờ đã được trải bê tông nhưng phương tiện để cả đoàn di chuyển vẫn là xe máy.

Vừa đi, vị Phó Chủ tịch xã vừa hồ hởi chia sẻ: Đường lên Lùng Tao khoảng trên dưới chục cây nhưng khá hẹp, xe ôtô gầm thấp khó vào. Người dân chủ yếu đi lại bằng xe máy số hoặc đi ôtô bán tải nếu có điều kiện.

Thôn Lùng Tao cũng được công nhận là thôn văn hóa, du lịch nên hàng năm có nhiều du khách tìm về để trải nghiệm cái sự tĩnh lặng, trong lành của núi rừng, cũng như sự hoang sơ và hùng vĩ của dãy núi Tây Côn Lĩnh.

Lùng Tao là một bản của đồng bảo dân tộc Dao với những nếp nhà bình yên nép mình bên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Phóng tầm mắt lên cao là màu xanh thẫm của cánh rừng nguyên sinh lẫn trong làn sương mù giăng kín đỉnh núi Tây Côn Lĩnh.

Ngồi bên ấm chè thơm nóng, ông Đặng Văn Quang, Bí thư Chi bộ thôn Lùng Tao chậm rãi chia sẻ: Cao Bồ có hàng nghìn ha chè Shan tuyết cổ thụ, sinh trưởng trên các đỉnh núi cao, phân bổ đều ở 11 thôn của xã. Trong đó, tại thôn Lùng Tao có những cây chè cổ thụ lâu đời nhất.

Những cây chè cổ thụ sống trên núi cao sinh trưởng tự nhiên, tự hấp thụ chất đất, khí trời, thấm hương rừng núi Tây Côn Lĩnh, trải qua năm tháng chắt chiu tinh túy trong từng búp chè non tơ, mỡ màng.

Thêm củi vào bếp lửa như muốn xua bớt cái lạnh cho khách đường xa, ông Quang nói tiếp: “Không như cách hái chè ở miền dưới, chè Shan tuyết nơi đây được bà con thu hái không cố định thời gian. Các cây chè cho búp ở thời gian khác nhau nên người ta phải ghi nhớ chu kỳ ra búp của từng cây để đi hái. Trong mấy tháng mùa Đông, cây chè nghỉ không ra búp để dưỡng cây.

Vụ chè Xuân sớm thường bắt đầu từ cuối tháng Giêng, khi cây chè đâm chồi nảy lộc bừng tỉnh sau những ngày ngủ đông dài tạo nên những búp chè Xuân mập mạp giàu vi chất. Chè Xuân luôn được đánh giá cao vì búp chè lớn, hương cốm đậm, hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên giá thành đắt hơn các vụ chè thường”.

Tò mò và háo hức bởi lời kể của ông Quang, đoàn chúng tôi mong muốn được đi ngay lên với các “cụ” chè Shan cổ thụ tuổi đời hàng mấy thế kỷ. Con đường từ trung tâm xã Cao Bồ vào thôn Lùng Tao vốn đã khó đi, nhưng không là gì so với quãng đường vượt núi từ thôn lên tới khu vực có những cây chè cổ.

Những chiếc xe máy khỏe nhất trong thôn được huy động, kèm theo đó là đám thanh niên thạo việc, cứng tay lái. Họ được cắt cử làm lái xe kiêm hướng dẫn viên cho đoàn.

Đường dốc vô cùng khó đi là những gì cả đoàn được trải nghiệm. Thế nhưng với các tay lái cứng trong thôn Lùng Tao thì đường dốc đó chẳng là gì, đoàn xe cứ gầm rú, vượt núi ào ào tiến lên.

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ ngồi xe kèm đi bộ, thì cả đoàn đã lên được với các “cụ chè”. Cây chè ở Lùng Tao thường có chiều cao 5 - 20 m. Thân cây to, phân nhiều cành lá, vươn ngang theo mặt đất, tán rộng vài mét.

Có những thân chè to bằng cả vòng tay người ôm. Đặc biệt, rừng chè cổ thụ mọc xen kẽ với nhiều loại cây trồng khác, do chưa có nhiều tác động của con người nên rất khó phát hiện nếu đứng từ xa quan sát.

Những búp chè tươi được hái để mang về chế biến.

Những búp chè tươi được hái để mang về chế biến.

Theo cách giải thích của đồng bào nơi đây thì Shan tuyết có nghĩa là “tuyết trên núi”. Chè Shan tuyết là giống chè cổ thụ mọc trên những dãy núi cao, lá chè, búp chè được phủ một lớp nhung trắng như tuyết, đây là đặc điểm mà những giống chè trồng ở các vùng trung du và đồng bằng không thể có được.

Ghé nhỏ vào tai tôi, đồng chí Kha, Phó Chủ tịch xã cười nói: Nhà báo biết vì sao ban ngày vào bản ít thấy con gái không? Nguyên nhân vì lên đỉnh núi hái chè từ sáng sớm là công việc của những cô gái gia đình dân tộc Dao ở đây. Lá chè tươi vừa thu hoạch xong sẽ phải được sao ngay để giữ được độ tươi ngon của búp chè trong sương sớm.

Người dân ở Lùng Tao hái chè cũng không giống những nơi khác, chè phải được hái vào sáng sớm và được trực tiếp từ bàn tay thoăn thoắt của các thiếu nữ người Dao.

Hái chè cũng phải đúng kỹ thuật. Không được non quá, cũng không được già quá. Khi những búp chè xanh non còn ướt hơi sương được sanh cho ráo sau đó sẽ được chế biến sao luôn trong ngày để giữ được trọn hương vị ngọt thanh, tươi mới của chè.

Những cây chè thấm đượm gió sương của dãy Tây Côn Lĩnh quanh năm sương mù bao phủ. Cũng chính bởi vị trí địa hình đó mà những cây chè cổ thụ luôn hứng trọn tinh túy đất trời. Những tán chè xanh mơn mởn dang rộng tán để đón những tia nắng, những cơn gió mang theo những giọt nước li ti lấp lánh.

Nghề trong máu thịt

Thiếu nữ người Dao hái chè Shan tuyết.

Thiếu nữ người Dao hái chè Shan tuyết.

Câu chuyện giữa chúng tôi cứ tiếp tục như vậy cho đến tận trưa muộn thì cả đoàn quay về bản để tìm hiểu về cách người dân chế biến chè và dùng cơm trưa.

Ông Quang giới thiệu chúng tôi đến gặp gia đình ông Đặng Văn Minh – một gia đình có truyền thống nhiều thế hệ gắn bó với nghề chè. Nhà ông Minh nằm ở cuối bản cũng là nơi cao nhất của bản.

Ông Minh năm nay đã ngoài 70 tuổi, còn rất khỏe và minh mẫn cho biết: 70 tuổi tưởng là nhiều nhưng so với các “cụ chè” thì cũng không đáng là bao. Từ khi biết theo bố lên nương thì cũng từng ấy năm tôi gắn bó với cây chè Shan tuyết.

Ngày xưa, búp chè hái không như bây giờ, người ta hái sâu búp chè, dài bằng cả gang tay, búp non đến đâu thì hái đến đó. Việc vò chè cũng được làm bằng tay, bằng chân, chè sao bằng chảo gang, trên bếp củi, phải canh lửa, rồi thời gian nữa.

Không có mẻ nào giống mẻ nào. Gắn bó với cây chè cả đời người, các con các cháu của ông Minh cũng theo nghiệp của bố, của ông mình mà giữ nghề làm chè của gia đình.

Ba thế hệ gia đình nhà ông Minh trăn trở bảo tồn nghề chè truyền thống.

Ba thế hệ gia đình nhà ông Minh trăn trở bảo tồn nghề chè truyền thống.

“Chè Shan cũng như máu thịt của người dân Lùng Tao. Trước đây, chè là cây người dân dùng để sử dụng trong gia đình, giờ đã thành đặc sản lại giúp bà con có cuộc sống no ấm hơn”, anh Đặng Văn Dũng (con ông Minh) nhìn vào đống lửa đang cháy bập bùng cho chúng tôi biết.

Còn Đặng Văn Lòng (cháu ông Minh) là thế hệ thứ tư trong gia đình làm nghề chè. Lòng luôn tâm niệm: Điều lớn nhất mà ông và bố dạy cho em trong nghề chè là cái tâm và sự tử tế. Cây chè mang lại cho gia đình em không chỉ lợi ích về kinh tế mà còn là sự gắn kết, truyền lửa để giữ nghề truyền thống.

Cũng nhờ cây chè Shan tuyết mà gia đình nhà Lòng đã có của ăn của để, vươn lên thành hộ khá giả trong bản, trong xã. Khác với thế hệ của ông nội và bố chỉ biết sao chè Shan rồi mang bán ra chợ, bọn trẻ trong gia đình giờ rất “thức thời” nên đã làm những sản phẩm chè mới như trà bánh, trà ống lam, hồng trà... Đặc biệt, chúng còn biết sử dụng công nghệ để giới thiệu sản phẩm và giao dịch online, bán cho cả khách tận trong TP Hồ Chí Minh, thậm chí cả khách ở nước ngoài.

“Mỗi năm gia đình em thu hái được khoảng 30 - 40 tạ chè Shan, ngoài ra em cũng thu mua thêm vài tấn chè của các hộ khác trong bản để chế biến. Giờ bọn em không dùng tay mà Sao chè hoàn toàn như thời của ông nội và bố trước đây nữa, có máy móc làm hộ, cần thì thuê người làm.

Hai anh em cũng đầu tư dây chuyền đóng gói sản phẩm với mẫu mã bao bì đẹp mắt, đăng ký nhãn hiệu và có thương hiệu đàng hoàng. Chè ngon là một chuyện giờ phải hướng đến sự sang trọng và thương hiệu anh ạ”, Đặng Văn Lòng chia sẻ.

Còn với ông Minh, khi nhìn thấy thành quả của các cháu, bản thân ông rất đỗi tự hào: 50 năm sản phẩm chè của gia đình đã chuyển từ thời cô theo bố thồ ngựa ra bán từng gói chè nhỏ ngoài thị xã, sau đó là đóng bao mang ra chợ bán còn bây giờ đã có khách hàng gọi điện đến tận nơi đặt mua.

Một hành trình rất dài và cũng không ít khó khăn nhưng cả gia đình rất tự hào khi các cháu, các con biết yêu và gắn bó với những đồi chè, không những vậy còn “nâng tầm” búp chè của gia đình. Tất nhiên, hành trình làm chè của gia đình Lòng sẽ không dừng lại ở đây, mà còn tiếp tục kéo dài khi Lòng vừa lên chức bố.

Long Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-loc-troi-tren-dinh-tay-con-linh-post625693.html