Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian thương mại điện tử

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, bình quân khoảng 20%/năm; riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng 'bùng nổ' với mức tăng khoảng 60%.

Điều này đang góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cũng như cơ hội phát triển thị trường của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bên cạnh những lợi ích, nền tảng này còn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến các đối tượng xấu trục lợi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và trốn thuế.

"Vấn đề định danh thì chúng ta đã giải quyết theo Đề án 06 của Bộ Công an để truy cứu được xem tài khoản của ai; gian hàng thương mại điện tử của ai; bán sản phẩm này như thế nào; việc nộp thuế như thế nào…Bây giờ vấn đề phát sinh thêm nữa đó là nếu như mua những sản phẩm trên mạng thì không biết đó là của ai?

Kinh doanh bây giờ mà không tìm được ra ai là người sản xuất, thế thì ai chịu trách nhiệm, nhất là đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người như thực phẩm, dược phẩm. Nếu không tìm được ra ai là người sản xuất thì thương mại điện tử sẽ gặp rất nhiều vấn đề về xử lý tranh chấp".

Ông Nguyễn Đức Lê: "Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cực kỳ quan trọng".

Ông Nguyễn Đức Lê: "Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cực kỳ quan trọng".

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sẽ là giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, mà còn giúp các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm chính hãng.

"Tiến tới thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử cũng như Công điện mới nhất số 56 của Thủ tướng ngày 6/6/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa cực kỳ quan trọng.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính về thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Mục tiêu chính của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra, giám sát hàng hóa; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật, vì lợi ích người tiêu dùng".

Thực tế hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát được chất lượng, độ tin cậy, cũng như mức độ chuẩn hóa quốc tế của các giải pháp này.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02 (vừa có hiệu lực từ 1/6/2024) quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Thông tư yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ khi kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin như: Tên và hình ảnh sản phẩm; Tên, địa chỉ đơn vị sản xuất; Các công đoạn trong sản xuất; Thời gian sản xuất; Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Số sê-ri; Hạn sử dụng; Các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-tren-khong-gian-thuong-mai-dien-tu-102240618090434088.htm