Bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại

Trong hai ngày 22-23/11, tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Khoa các khoa học liên ngành (KHLN), Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại.

Hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ dự án hoàn thiện hồ sơ về nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Cục Di sản văn hóa, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam... và các nghệ nhân, người thực hành Chèo từ các địa phương, Hội thảo là một diễn đàn học thuật của các chuyên gia quốc tế và trong nước để cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành, công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, những tiêu chí ghi danh của Công ước 2003 và những vấn đề khoa học liên quan đến nghệ thuật Chèo từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.

Hội thảo tập trung thảo luận sáu vấn đề: Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; lý thuyết, phương pháp tiếp cận nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo từ cách tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể; sự đa dạng của nghệ thuật trình diễn dân gian trong nước và quốc tế; sự biến đổi, sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững.

Hội thảo nhằm hướng tới công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di sản nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật Chèo nói riêng từ góc độ sản văn hóa phi vật thể. Đây là mối quan tâm của Nhà nước, của các cấp chính quyền, ngành Văn hóa và với sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản. Các nỗ lực tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước, hỗ trợ cộng đồng trong việc tổ chức, thực hành di sản góp phần làm giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho thế hệ hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững.

TK

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-nghe-thuat-trinh-dien-dan-gian-va-nghe-thuat-cheo-trong-xa-hoi-duong-dai/202535.htm