Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp 'Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá' làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.
Ngày 22/5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ 25-31/5.
Tại lễ mít tinh, ThS.BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết: Theo Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, TP năm 2022 – 2023, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%. Tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 85,7%; 90% người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế.
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao với 38,9% nam giới trưởng thành hút thuốc; tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới có xu hướng gia tăng.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện có hại cho sức khỏe, nếu không kịp thời ngăn chặn, trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ, gây ô nhiễm khí thải, rác thải, đồng thời gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
WHO nhấn mạnh "Ngày thế giới không thuốc lá 2024" là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới các em bằng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, kêu gọi chính phủ các nước áp dụng các chính sách bảo vệ các em khỏi các hành vi lôi kéo sử dụng thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị không ngừng các sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe thông qua mạng xã hội và các nền tảng phát trực tuyến.
Với thành phần có chứa chất nicotine, thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đã nhanh chóng gây nghiện trong giới trẻ. Thực tế cho thấy tại các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mặc dù có quy định quản lý chặt nhưng đã không có kết quả trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm này.
Cụ thể, tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THCS và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021.
Tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá có tính gây nghiện cao, gây hại lớn đến sự phát triển não bộ thanh thiếu niên, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25.
Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.
Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.
"Bộ Y tế muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của bệnh tật do việc hút thuốc. Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng môi trường sống làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cộng đồng", ThS. BS Phan Thị Hải nhấn mạnh.