Bấp bênh đời sống nữ công nhân: Bài 2: Đối diện với nhiều nguy cơ

Bên cạnh thu nhập thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, lao động nữ tại các doanh nghiệp (DN) còn phải đối diện với nhiều nguy cơ.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh), tư vấn chế độ, chính sách cho lao động nữ. Ảnh: N.Hòa

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh), tư vấn chế độ, chính sách cho lao động nữ. Ảnh: N.Hòa

Làn sóng sa thải lao động lớn tuổi hiện nay vẫn diễn ra ở nhiều DN và cơ hội để tìm được việc làm mới với lao động nữ ở độ tuổi này không dễ dàng, nhất là lao động nữ ngành may mặc, giày da ngoài 40 tuổi.

Nguy cơ mất việc

Dù đã có thâm niên 13 năm làm công nhân nhưng đầu năm 2023, khi DN thông báo không có đơn hàng sản xuất, chị Lê Minh Diễm (ở trọ tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa) nằm trong danh sách những lao động phải nghỉ việc. Quá bất ngờ và hụt hẫng nhưng không còn cách nào khác, chị Diễm phải ký vào giấy nghỉ việc và hưởng hỗ trợ từ DN 3 tháng lương (tương đương 24 triệu đồng).

Theo chị Diễm, thời điểm đó, xưởng sản xuất nghỉ việc liên tục, có những tháng, thu nhập giảm còn 4 triệu đồng/người. Tiền tích lũy không có, chị và nhiều lao động nữ khác rơi vào thế bị động.

Khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, phần lớn lao động nữ làm việc tại DN dệt may, giày da. Độ tuổi trung bình của lao động nữ làm việc tại các DN là 24-26 tuổi, đa số là từ các tỉnh, thành khu vực miền Bắc, miền Trung đến Đồng Nai làm việc.

“Ở tuổi ngấp nghé 40, nghỉ việc thời điểm này rất khó để xin việc làm mới. Dù tôi và nhiều lao động nữ có tay nghề may nhưng khi đi phỏng vấn, các DN đòi hỏi yêu cầu độ tuổi dưới 30. Không có việc làm, ai nấy đều lo lắng, bởi sau chúng tôi là gia đình, con cái, cha mẹ già cần phải chăm lo” - chị Diễm bộc bạch.

Cầm bộ hồ sơ xin việc đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tìm việc, chị Lê Thị Na (ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) buồn rầu cho biết, hơn nửa năm mất việc làm, chị phải sống tằn tiện với số tiền trợ cấp thất nghiệp để lo cho gia đình.

“Trước đây, công việc của tôi làm tại Phòng Y tế của công ty với thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng. Chồng làm công nhân cơ khí với thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng. Từ khi tôi mất việc, chồng lại bị giảm việc, gia đình tôi rơi vào khó khăn thực sự” - chị Na chia sẻ.

Nữ công nhân Mai Thị Xòn (ở trọ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng rơi vào cảnh hụt hẫng sau khi mất việc làm. Chị Xòn cho biết, chị làm việc cho một DN sản xuất gỗ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Cuối năm 2023, DN giảm lao động nên chị bị mất việc từ đó.

Chị Xòn bày tỏ: “Mong muốn của chúng tôi là có việc làm ổn định, đảm bảo tiền lương và thu nhập, có nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được bảo vệ”.

Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các DN dệt may do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức vào tháng 8-2023, một cán bộ Công đoàn cơ sở bật khóc khi kể về giây phút chia tay những lao động nữ lớn tuổi. Theo nữ cán bộ Công đoàn này, dù DN cố gắng giữ việc làm cho người lao động (NLĐ) nhưng vì không có đơn hàng làm, buộc phải thỏa thuận với 100 lao động lớn tuổi nghỉ việc. Mặc dù DN có hỗ trợ 4 tháng lương song những lao động lớn tuổi này gặp nhiều khó khăn do khó tìm được việc làm mới.

Lao động nữ lớn tuổi tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai.

Lao động nữ lớn tuổi tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai.

Bên cạnh những DN khó khăn thực sự, buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ, vẫn có những DN lợi dụng tình hình để sa thải lao động lớn tuổi và tuyển lại lao động trẻ với mức lương trả thấp hơn. Để tìm cách sa thải lao động lớn tuổi, các DN thuyết phục NLĐ viết đơn xin nghỉ việc hoặc sắp xếp bộ phận công việc nặng nhọc, hoặc không bố trí việc làm để NLĐ nản mà viết đơn xin nghỉ.

Theo Phó trưởng ban Nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Thu Phương, để hỗ trợ lao động nữ, cần chú trọng thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính, trong đó ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động nữ vào làm việc khi người đó đủ tiêu chuẩn làm công việc phù hợp. Trong trường hợp lao động nữ đang nuôi con nhỏ nhưng hết hạn hợp đồng lao động thì ưu tiên tái ký hợp đồng lao động với họ, hạn chế tình trạng mất việc trong thời gian mang thai, sinh con.

Dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo

Vì thiếu kiến thức, kỹ năng cùng với hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nôn nóng muốn có công việc sau khi thất nghiệp, nhiều lao động nữ đã trở thành “con mồi” của những đối tượng lừa đảo khi tìm công việc qua mạng.

Với mong muốn có thêm việc làm, thu nhập sau giờ tan ca, chị L.T.T. (ở phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) đã vào mạng xã hội tìm cơ hội việc làm cộng tác viên online. Nắm bắt được mong muốn có việc làm, thu nhập của chị T., “bên tuyển dụng” cộng tác viên online đã đưa chị vào một nhóm chat; đồng thời, hướng dẫn chị nạp tiền mua đơn hàng với lời hứa sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trả hoa hồng cao.

Chị T. kể, để tạo sự tin tưởng, “bên tuyển dụng” còn gửi cho chị cả giấy phép kinh doanh của công ty. Trong nhóm chat còn có một số người thỉnh thoảng chụp ảnh khoe thông tin vừa nhận hoa hồng sau khi hoàn thành nhiệm vụ để kích thích người mới nhập cuộc.

Mặc dù đã cảnh giác nhưng trước màn thao túng tâm lý của bọn lừa đảo, chị T. đã lựa chọn một số đơn hàng phù hợp và nạp tiền. Đáng nói là nhiệm vụ sau bao giờ cũng phải nạp số tiền nhiều hơn nhiệm vụ trước. Một vài nhiệm vụ đầu tiên sau khi hoàn thành, chị nhận được tiền hoa hồng, nhưng sau đó thì không nhận được hoa hồng nữa. Khi hỏi người tự xưng là phụ trách nhóm, chị T. được trả lời cần phải hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo sẽ rút được hoa hồng.

Thấy không ổn nên chị T. dừng lại. Lúc này, đối tượng gọi điện, nhắn tin liên tục hối thúc chị hoàn thành nhiệm vụ. Biết là lừa đảo nên chị dừng cuộc chơi, chấp nhận mất số tiền đã nạp trước đó.

Nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, ngoài việc ngăn chặn tình trạng “thay máu” lao động tại các DN, các cấp, các ngành cần có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp đối với lao động nữ lớn tuổi, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

“Cú lừa đó với tôi như một bài học. Kể từ đó về sau, tôi không tin trên đời lại có công việc không phải bỏ sức mà vẫn kiếm được tiền. Đồng thời, tôi cũng thận trọng hơn với những lời chào mời trên mạng” - chị T. nói.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid-19, đời sống công nhân lao động có nhiều thay đổi. Lợi dụng điều này, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã tung nhiều chiêu để dụ dỗ công nhân vay tiền. Vì quá khó khăn, nhiều công nhân đã vay nóng tiền trang trải trước mắt và trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, liên tục bị các đối tượng khủng bố tinh thần, đe dọa buộc phải nghỉ việc… Chính vì điều này, nhiều lao động sống trong lo sợ, thậm chí không dám tiếp xúc với người ngoài.

Anh T.V.T., cán bộ Công đoàn ở một DN tập trung đông lao động ở huyện Nhơn Trạch, cho biết nhiều trường hợp nữ công nhân vay tiền không có khả năng trả, các đối tượng đã gọi điện đe dọa họ và gia đình, nhân viên của công ty. Chính anh cũng là nạn nhân của sự đe dọa này vì khi công nhân vay tiền đều cung cấp cho các đối tượng cho vay số điện thoại của cán bộ Công đoàn công ty.

Anh T.V.T. kể: “Có hôm, tôi nhận hàng trăm cuộc gọi của các đối tượng cho vay đe dọa, đòi trả tiền cho công nhân, thậm chí dùng hình ảnh cá nhân, gia đình tôi đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự. Dù rất phiền nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho NLĐ biết và phòng tránh; đồng thời, hỗ trợ cho NLĐ vay vốn để họ vượt qua khó khăn trước mắt. Tôi cũng hy vọng các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, dẹp bỏ tình trạng “tín dụng đen” nhằm bảo vệ cho NLĐ”.

Nguyễn Hòa - Nga Sơn

Bài 3: Nhiều ước mơ còn dang dở

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202406/bap-benh-doi-song-nu-cong-nhan-bai-2-doi-dien-voi-nhieu-nguy-co-cdf5869/