Bất an chất lượng thực phẩm trên 'chợ mạng'

Người dân dễ dàng mua bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến qua mạng, đặt hàng, nhận hàng chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT).

Chị Nguyễn Thu Dung (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chị rất ngại nấu ăn nên thường xuyên đặt mua đồ ăn sẵn. Chỉ sau 20 – 30 phút chờ đợi là có bún chả, có bánh mỳ, có nem rán… đưa đến tận nhà.

Cũng đặt đồ qua mạng, nhưng chị Thúy Hà (Long Biên, Hà Nội) qua lời giới thiệu của bạn còn đặt mua cả đồ tươi sống như gà , thịt bò sau đó về cất ngăn đông tủ lạnh, chế biến ăn dần.

Bà Lê Thị Hà- Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, theo ghi nhận tại hệ thống, trong tổng số 50.334 website TMĐT bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

Bên cạnh loại hình website TMĐT bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cũng ghi nhận trong tổng số 726 sàn giao dịch TMĐT đã được Bộ Công thương xác nhận đăng ký, có 217 sàn cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác lên bán các sản phẩm là thực phẩm, đồ uống (chiếm 30%), 49 sàn có đăng tải thông tin là các sản phẩm thực phẩm chức năng (chiếm 7%) và 19 sàn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, ẩm thực (chiếm 3%).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.

Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) cho biết: An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian qua, lực lượng QLTT liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm. Điển hình lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng phát hiện cơ sở kinh doanh nội tạng bán qua hình thức TMĐT với khối lượng hàng hóa vi phạm rất lớn. Lực lượng QLTT sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường TMĐT, trong đó có mặt hàng thực phẩm.

Để quản lý an toàn thực phẩm trong TMĐT thời gian tới, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số ủng hộ việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472 ngày 24/6/2024 của Bộ Y tế đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-an-chat-luong-thuc-pham-tren-cho-mang-10286017.html