Bất cập từ thói quen 'hạ sách' của người tham gia giao thông - Kỳ 1: Đến vỉa hè cũng 'khóc'
Bất chấp vi phạm hành lang an toàn giao thông, bất chấp hình ảnh gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn tai nạn giao thông cho người đi bộ, mỗi ngày trên các tuyến phố là 'điểm đen' tắc đường tại Thủ đô Hà Nội có hàng nghìn phương tiện xe máy vẫn 'vô tư' leo lên vỉa hè như là một 'hạ sách' để thoát cảnh ùn tắc giờ cao điểm.
Lỗi không của riêng ai
Từ khoảng khung giờ buổi sáng từ 7h - 9h và buổi chiều 17h - 19h, trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội không khó bắt gặp hình ảnh các phương tiện xe máy nối đuôi nhau thành hàng dài đi trên vỉa hè, phó mặc nguy cơ gây mất tai nạn giao thông cho người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông. Điều lạ là người điều khiển phương tiện giao thông vô tư di chuyển mà không có bất kỳ sự can thiệp, xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông khu vực.
Ghi nhận lúc 8h sáng, khu vực phố Khuất Duy Tiến, hướng về phố Phạm Văn Đồng và phố Trần Duy Hưng, dưới dòng đường là hình ảnh tắc đường kéo dài, hàng trăm người đã lựa chọn “lối đi riêng” nhưng vô cùng quen thuộc là leo lên vỉa hè để tránh ùn tắc.
Tiếng động cơ xe máy chạy rầm rầm, tiếng lách cách từ những viên gạch, đá lát vỉa hè bị bong tróc, tiếng bóp còi inh ỏi, giành nhau từng khoảng trống tạo nên khung cảnh hỗn độn giờ cao điểm. Đằng sau những bánh xe vội vã, dòng người tấp nập để lại nhiều đoạn phố vỉa hè bị cày nát, lớp gạch lát bị bong tróc, hư hỏng nghiêm trọng.
Thực trạng xe máy leo lên vỉa hè, lấn chiếm làn đường dành cho người đi bộ giờ cao điểm sáng, chiều diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội. Điển hình là tuyến phố Nguyễn Trãi, nút giao Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy, phố Cầu Giấy, ngã tư Hồ Tùng Mậu,… thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Tương tự các trục đường Trường Chinh hướng đi Giải Phóng, phố Chùa Bộc, phố Trần Duy Hưng hướng đi Nguyễn Chí Thanh… cũng nhan nhản hình ảnh xe máy lưu thông trên vỉa hè.
Nhiều năm nay, trục đường Hồ Tùng Mậu và phố Cầu Giấy đang trong thời gian hoàn thiện tuyến đường sắt trên cao gây nên tình trạng “thắt cổ chai” tại một số điểm giao thông. Do thời điểm tan tầm nhiều phương tiện giao thông di chuyển, lòng đường quá tải, không ít phương tiện xe máy cũng gặp cảnh tắc đường trên vỉa hè.
Không chỉ vỉa hè “khóc” mà những người đi bộ đối mặt với nỗi ám ảnh về nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. Nhiều “điểm đen” tắc đường cũng là khu vực đón lượng lớn sinh viên đứng chờ xe buýt. Nhiều bạn trẻ vừa đi bộ vừa phải “né” xe máy để tránh xảy ra xung đột giao thông.
Anh Nguyễn Văn Trung, 38 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm làm công việc shipper bày tỏ, do trục đường Cầu Giấy hướng Xuân Thủy thường xuyên xảy ách tắc cục bộ nên việc di chuyển ở vỉa hè chỉ là “hạ sách” nhằm nhanh chóng thoát khỏi tắc đường. Công việc shipper nếu giao hàng chậm sẽ bị trừ đánh giá chất lượng phục vụ trên hệ thống điện tử của doanh nghiệp.
Dù biết là vi phạm an toàn giao thông nhưng anh Trung cho rằng, lỗi không chỉ có anh vi phạm mà sợ bị phạt. Đồng quan điểm với anh Trung, nhiều người dân cũng còn phủ nhận việc mình vi phạm giao thông vì cũng có nhiều người đi xe máy leo lên vỉa hè chứ không riêng gì ai.
Một số người dân bày tỏ, Hà Nội với “đặc sản” tắc đường thì di chuyển trên vỉa hè là ưu tiên hàng đầu. Có thời điểm tắc đường cục bộ, các phương tiện dưới lòng đường gần như chôn chân tại chỗ hoặc chỉ nhích từng vài centimet, nhiều người mất kiên nhẫn lựa chọn di chuyển trên vỉa hè cho nhanh chóng.
Mỗi người một nhu cầu khác nhau, để con cái không bị vào lớp muộn, cha mẹ không chấm công muộn, người làm công việc shipper, giao hàng không bị trừ điểm đánh giá phục vụ. Thậm chí, ngoài việc leo lên vỉa hè, nhiều phương tiện tham gia giao thông bất chấp việc di chuyển ngược chiều xe cũng là thực trạng đáng báo động về ý thức tuân thủ quy định Luật Giao thông đường bộ hiện nay.
Khó xử phạt vì số lượng vi phạm lớn vào giờ cao điểm
Thực tế, vỉa hè thường cao hơn lòng đường khoảng 20cm, đã có nhiều trường hợp bị ngã do không điều khiển được phương tiện lên vỉa hè, xảy ra va chạm với người đi bộ và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường.
Khái niệm chung vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ. Thế nhưng, sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số về số lượng người dân ngoại tỉnh sinh sống và làm việc tại Hà Nội hiện nay.
Cùng với đó là những vi phạm trong lấn chiếm vỉa hè làm kinh doanh, vỉa hè còn “gánh” chức năng là tuyến đường phụ dành cho các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm.
Theo một cán bộ Đội CSGT số 6 cho biết: vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải căng mình làm nhiệm vụ phân làn, điều tiết giao thông, nên việc xử phạt người tham gia giao thông đi lên vỉa hè khá khó khăn. Hơn nữa, hệ thống camera lắp đặt chủ yếu các ngã ba, ngã tư, không lắp đặt dọc vỉa hè cũng gây khó trong xử phạt nguội hàng loạt phương tiện di chuyển trên vỉa hè. Chưa kể, số lượng phương tiện vi phạm rất lớn.
Thực tế, trong đợt ra quân phát động tháng An toàn giao thông và đợt cao điểm ra quân đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp lễ, tết Nguyên đán, lực lượng chức năng tại Hà Nội đã xử lý nghiêm các trường hợp xe máy đi lên vỉa hè. Tuy nhiên, vào giờ tan tầm, việc xử lý các phương tiện xe máy vi phạm gần như bất khả thi.
(Còn nữa)
Theo quy định pháp luật, mức phạt đối với xe máy đi trên vỉa hè được quy định tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi "điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà" sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng. Tại khoản 5, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi "điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà".
Với chế tài đủ sức răn đe nhưng thực tế rất ít trường hợp vi phạm bị xử phạt. Nguyên nhân chính là thiếu hệ thống camera giám sát phạt nguội dọc vỉa hè, thiếu lực lượng chức năng để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt hành vi vi phạm.