Bất chấp lệnh 'cắt ngọn', cao ốc xây vượt mặt vẫn chình ình giữa Thủ đô
Lãnh đạo Đội Quản lý TTXD đô thị quận khẳng định trong quá trình 'cắt ngọn' công trình không được tiếp tục thi công hoàn thiện nhưng phớt lờ chỉ đạo, nhiều hạng mục công trình 9A Nguyễn Gia Thiều (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn được thi công...
Ì ạch “cắt ngọn”, cấp tập hoàn thiện?
Như thông tin, ngày 16/9, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 2240/QĐ-KPHQ về việc "Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả" đối với hành vi vi phạm TTXD tại công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cụ thể, tầng 5: Tháo dỡ phần diện tích 80m2 mái BTCT, cao 3,5m; Tầng 6: Tháo dỡ phần diện tích 80m2 mái BTCT, cao 2,8m.
Nằm tại quận trung tâm Hoàn Kiếm được ví như đất vàng giữa Thủ đô, công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều vốn là nhà biệt thự được xếp vào nhóm 3 đã hư hỏng, xuống cấp được UBND TP đã đồng ý về chủ trương cho phép phá dỡ để xây dựng lại.
UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) số 198 cho bà Nguyễn Thanh Huyền được phép xây dựng công trình nhà ở gia đình. Nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã xây sai so với GPXD được cấp.
Sau đó, chủ đầu tư công trình số 9A Nguyễn Gia Thiều đã xin tự tháo dỡ phần xây dựng sai phép.
Đến ngày 2/10, đội công nhân đã bắt đầu "cắt ngọn" phần vi phạm, thực hiện việc khoan phá bê tông phần mái tum tại tầng 6 phía trong. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 tháng tự thực hiện tháo dỡ, phần xây dựng sai phép không mấy biến chuyển vẫn “chình ình” tồn tại. Trong khi đó, nhiều hạng mục của công trình đã và đang được thi công hoàn thiện bất chấp chỉ đạo từ chính quyền, cơ quan chức năng.
Trao đổi với về công trình này, ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, về mặt hồ sơ thủ tục liên quan đến vấn đề xử lý quận, phường đã có đầy đủ thủ tục.
“Trong quá trình chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ thì phải tổ chức cưỡng chế nhưng ở đây chủ đầu tư đã có đơn xin tự giác và đã có tháo dỡ thật chứ không phải chuyện làm đơn rồi bỏ vào hồ sơ” – ông Trung nói.
Tuy nhiên, vị Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, việc tháo dỡ hiện nay chưa đảm bảo về mặt tiến độ. Theo ông Trung, hiện việc tháo dỡ đang được triển khai, phường Trần Hưng Đạo cũng chỉ đạo tập trung xử lý và hiện đang thực hiện việc tháo dỡ phần sai phép ở tầng 6.
Như vậy, sau 2 tháng, việc tháo dỡ vẫn chỉ thực hiện ở tầng 6 công trình.
Trả lời câu hỏi của PV về việc có hay không việc “làm xiếc”, “câu giờ” khi chủ đầu tư xin tự tháo dỡ cho có rồi để đấy ông Trung khẳng định: “Quan điểm quận, phường không chỉ với công trình này mà với các công trình trên địa bàn sẽ nghiêm túc để xử lý không có tình trạng “câu giờ”. Riêng đối với công trình này, phường đang tập trung xử lý. Chúng tôi đã có yêu cầu Tổ quản lý trật tự xây dựng báo cáo với lãnh đạo phường mời chủ đầu tư lên để tháo dỡ chứ không phải làm theo kiểu “câu giờ”.
Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề về thời hạn hoàn thành tháo dỡ phần vi phạm, vị này không đưa ra thời gian cụ thể.
“Thời hạn này phải liên quan đến biện pháp tháo dỡ thi công. Về mặt nguyên tắc với công trình xây dựng sai thì phải xử lý không phải bàn. Nhưng biện pháp tháo dỡ thi công quan trọng hơn là chuyện cứ làm liều rồi ảnh hưởng đến công trình lân cận không đảm bảo đến công trình xung quanh, người dân. Vấn đề thứ nhất là phải xử lý, vấn đề thứ hai là phải xử lý an toàn. Đương nhiên công trình vi phạm thì không được đưa vào hoàn thiện và khai thác sử dụng” – ông Trung nhấn mạnh.
Nhưng theo phản ánh của người dân công trình vẫn tiếp tục hoàn thiện xây dựng ở cả phần sai phép, các phần sai phép chưa bị xử lý, xây vượt chiều cao, mật độ so với Giấy phép được cấp và khác lạ so với các khối công trình xung quanh cùng tuyến phố.
Ghi nhận tại công trình ngày 15/12, theo quan sát, phần công trình sai phạm phía trên được che chắn rất sơ sài. Bên trong công trình vẫn có công nhân ra vào. Không giống như công trình vi phạm đang phải thực hiện “cắt ngọn”, cát, xi măng, gạch… vẫn được chất đầy từ cổng vào bên trong công trình.
So với thời điểm đầu tháng 10 khi chủ đầu tư bắt đầu thực hiện việc tự tháo dỡ chỉ cần quan sát từ bên ngoài có thể thấy một số hạng mục công trình được hoàn thiện hơn trái với khẳng định của Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị quận Hoàn Kiếm: “Trong quá trình tháo dỡ không được tiếp tục thi công mang tính chất hoàn thiện mà phải khắc phục hồ sơ theo quy định sau mới được hoàn thiện”.
Vi phạm xây dựng: Phải nêu rõ trách nhiệm chính quyền địa phương
Hiện khu vực các quận trung tâm, đặc biệt quận Hoàn Kiếm đã có các quy định về quản lý chặt chẽ về quy hoạch kiến trúc các quận nội đô, quy hoạch khu vực lõi khu vực phố cổ, nhưng thời gian qua liên tục xuất hiện các công trình xây sai phép, vượt tầng vẫn tiếp diễn gây bức xúc nhân dân, dư luận.
Để xảy ra sai phạm tại số 9A Nguyễn Gia Thiều, ông Trung cho biết, bản thân đồng chí tổ trưởng tổ quản lý trật tự xây dựng trong quá trình thực hiện cũng có dấu hiệu chưa bám sát địa bàn đã cho điều động luân chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên với thực trạng diễn ra trong suốt 2 tháng qua tại công trình này, người dân băn khoăn đến bao giờ mới xử lý dứt điểm được vi phạm.
TP Hà Nội đang chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng với quy định ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh thì phải chăng có sự bao che, làm ngơ từ phía các cơ quan chức năng liên quan cho các công trình vi phạm tại địa bàn quận trung tâm như Hoàn Kiếm?
Thực tế, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng là vấn đề nóng ngay tại chính nghị trường quốc hội. Ngày 27/11 vừa qua, thảo luận tại hội trường về dự án luật Xây dựng sửa đổi tại hội trường, các đại biểu lo ngại về vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, khi xử phạt lại "du di", phạt nhẹ rồi vẫn cho tồn tại.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai. Kẽ hở trách nhiệm này của UBND tại địa phương hay thanh tra xây dựng. Hai việc này rất lập lờ, chồng lấn.
Ông Cường đề nghị trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng phải là cơ quan chính quyền ở địa phương. Còn thanh tra xây dựng khi phát hiện sai phạm thì vào cuộc, để sai phạm tiếp tục xảy ra, không xử lý được cũng phải quy trách nhiệm cho thanh tra. Bên cạnh đó, chế tài xử lý phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe.
Trước đó, trong buổi thảo luận sửa Luật Xây dựng vào tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu lên bức xúc về tình trạng các công trình sai phạm lớn ngang nhiên tồn tại thời gian dài.
"Người dân xây nhà đổ một hai đống cát ở trước cửa là có lực lượng quản lý đô thị đến ngay. Thế nhưng công trình lớn sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi thẩm quyền có thì trách nhiệm quản lý như thế nào?” – bà Nga nói.