Bất chấp sự trở lại của than, năng lượng tái tạo đang hạn chế phát thải
Phần lớn thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt năng lượng gây ra lạm phát và cản trở tăng trưởng kinh tế.
Kết quả của sự thiếu hụt năng lượng này khiến nhu cầu than tăng trở lại và khiến lượng khí thải toàn cầu tăng cao hơn. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả các thông tin tiêu cực.
Một tổ chức bảo vệ môi trường tuần này đã báo cáo rằng, công suất phát điện từ thủy điện, gió và năng lượng mặt trời chiếm tất cả nhu cầu điện tăng thêm trong nửa đầu năm nay. Điều này có nghĩa là thế giới đã tránh được một lượng khí thải nhất định.
"Sự phát triển của năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong nửa đầu năm 2022 đã ngăn cản sự gia tăng 4% trong quá trình tạo ra hóa thạch. Điều này đã tránh được 40 tỷ USD chi phí nhiên liệu và 230 triệu tấn CO2 phát thải", tác giả của nghiên cứu Ember và Malgorzata Wiatros-Motyka cho biết.
Sản lượng nhiên liệu hóa thạch cũng tăng tổng cộng 5 TWh, nhưng điều đó giảm đi so với tốc độ tăng trưởng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện, ở mức thêm 416 TWh trong nửa đầu năm. Trong bối cảnh, nhu cầu điện toàn cầu đã tăng 389 TWh trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, ngay cả Ember cũng thừa nhận rằng việc quay trở lại sử dụng than đá đã thúc đẩy lượng khí thải. Sự trở lại này được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng giá khí đốt bắt đầu ở châu Âu nhưng hiện đã lan sang châu Á và kể cả ở Mỹ.
Là một phần của việc giải quyết giá khí đốt kỷ lục, các quốc gia đã chuyển sang sử dụng than như một giải pháp thay thế rẻ hơn. Và than là chất phát thải cao nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch.
Sự gia tăng đã trở nên đáng chú ý trong tháng 7 và tháng 8, nhưng lượng khí thải đã ghi nhận sự gia tăng trong tám tháng đầu năm, ở mức 1,7%.
Wiatros-Motyka nói: "Điều này xảy ra vì thặng dư thủy điện của Trung Quốc chuyển thành thâm hụt do hạn hán kỷ lục và các đợt nắng nóng xảy ra trên khắp thế giới, đẩy nhu cầu điện lên cao".
Hạn hán và các đợt nắng nóng cũng không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Ví dụ, hạn hán ở châu Âu đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của Pháp về sản xuất điện hạt nhân và gây ra sự sụt giảm sản lượng thủy điện ở California trong thời kỳ nhu cầu cao điểm vào mùa hè.
Tuy nhiên, mặc dù có tin tốt nhưng có vẻ như chúng ta không thể giảm lượng khí thải một cách nhất quán. Thật vậy, một báo cáo khác gần đây, từ Cơ sở dữ liệu phát thải dành cho Nghiên cứu khí quyển toàn cầu (EDGAR), phát hiện ra rằng sau khi lượng khí thải toàn cầu giảm trong năm đầu tiên của đại dịch, xu hướng này nhanh chóng đảo ngược và lượng khí thải tăng gần như toàn bộ trở lại mức trước đại dịch.
Bản báo cáo cũng lưu ý rằng, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu tiếp tục là những nơi phát thải nhiều nhất. Các quốc gia này cùng nhau chiếm 70% lượng khí thải toàn cầu vào năm ngoái.
Trong năm nay, một vài nước trong số này sẽ ghi nhận sự gia tăng phát thải khi họ chuyển từ khí đốt sang dầu và than đá. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra một báo cáo nói rằng, mặc dù chi phí ngắn hạn của quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là đáng kể, nhưng chúng sẽ không là gì so với chi phí dài hạn của việc không có quá trình chuyển đổi. Và quá trình chuyển đổi diễn ra càng sớm, giá sẽ càng rẻ.
Hai quan chức IMF mới đây cho hay: "Nếu các biện pháp phù hợp được thực hiện ngay lập tức và theo từng giai đoạn trong 8 năm tới, chi phí sẽ rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo bị trì hoãn, chi phí sẽ lớn hơn nhiều".
Đồng thời, IMF cũng nằm trong số những tổ chức cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi có thể bị trì hoãn vì sự thiếu hụt rõ rệt của các nguyên liệu thiết yếu khác nhau như đồng, lithium và coban...
Sự thắt chặt của nguồn cung cũng đang làm cho quá trình chuyển đổi trở nên tốn kém hơn, bất kể tốc độ thực thi.