Bất động sản chiếm 64% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn

Một báo cáo công bố mới đây của FiinRatings cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của nhóm doanh nghiệp bất động sản đang chiếm tới 64% tổng giá trị TPDN đến kỳ đáo hạn vào cuối quý 3-2024.

Báo cáo cho thấy, hoạt động mua lại TPDN trong tháng 5 đạt 13.600 (tăng 6,2% so với tháng 4). Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng chủ yếu thực hiện mua lại, chiếm tới 86% giá trị trong tháng.

Phần lớn các trái phiếu mua lại có kỳ hạn 3 năm và sẽ đáo hạn trong năm tới, cho thấy các ngân hàng thực hiện điều khoản mua lại trước hạn và phát hành mới để đáp ứng tỷ lệ liên quan đến vốn trung dài hạn.

Giá trị TPDN đáo hạn trong quý III và quý IV đạt lần lượt là 57.900 tỷ đồng và 77.400 tỷ đồng. Trong đó, áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm TPDN ngành bất động sản trong quý III khi đạt giá trị 37.000 tỷ đồng và chiếm 64% tổng giá trị TPDN đáo hạn.

Một số lượng lớn các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có động thái xin giãn hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, khiến áp lực thanh toán trước mắt được giải tỏa. Từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng TPDN chậm trả, bao gồm 72% giá trị TPDN được giãn, hoãn thời gian đáo hạn từ 1-2 năm.

Phương án trên tiếp tục giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tập trung xử lý khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền trả nợ, đặc biệt với nhóm bất động sản khi khả năng trả nợ còn thấp giữa bối cảnh thị trường nhà ở phục hồi chậm.

Giá trị TPDN mua lại trước kỳ đáo hạn tháng 5-2024. Nguồn: FiinRatings

Giá trị TPDN mua lại trước kỳ đáo hạn tháng 5-2024. Nguồn: FiinRatings

Trong tháng 5, FiinRatings cũng ghi nhận tổng giá trị giao dịch TPDN (cả TPDN phát hành ra công chúng và TPDN riêng lẻ) đạt hơn 106.000 tỷ đồng, tăng 43,7% so với tháng 4. Khối lượng giao dịch qua hình thức khớp lệnh (với toàn bộ là trái phiếu phát hành ra công chúng) giảm 12,8% so với tháng 4 và chiếm tỉ trọng thấp trên tổng thanh khoản thị trường với chỉ 0,23%.

Nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch TPDN của tháng, với lần lượt tỉ trọng đạt 51,3% và 23,4%. Lượng trái phiếu ngân hàng được giao dịch tăng đột biến, hơn 80% so với tháng trước, duy trì vị thế hấp dẫn so với các ngành còn lại.

Trái phiếu bất động sản có khối lượng giao dịch tăng tới 18% trong bối cảnh dự báo cho thấy thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ mới với nhiều dự án được khởi động ở khu vực phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An và khu vực miền Bắc ở các tỉnh và khu vực quanh Hà Nội.

Như vậy, bất động sản có tín hiệu phục hồi cũng là tiền đề thúc đẩy cho các ngành nghề liên quan của nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo của FiinRatings, giao dịch TPDN của nhóm ngành xây dựng và vật liệu tăng 23,4%, du lịch và giải trí tăng 88,6% trong tháng 5. Nhìn chung, đối với nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, tỷ suất lợi tức của TPDN chủ yếu dao động từ 7-13%, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH) hay Becamex (BCM). Đây đồng thời cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.

Tuy nhiên, một số mã trái phiếu phi ngân hàng với lợi tức cao hơn nhiều so với mức phổ biến. Điều này cho thấy thị trường TPDN thứ cấp đang ngày càng phản ánh mức độ rủi ro vào việc định giá lãi suất TPDN trên thị trường.

Đơn cử, ngày 10-6, một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% với kỳ hạn dưới 6 tháng của Trung Nam (26,86%), Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%). Tuy nhiên tổng giá trị giao dịch của các lô này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng giá trị lưu hành (dưới 0,3%).

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bat-dong-san-chiem-64-gia-tri-trai-phieu-sap-dao-han-post115067.html