Bất động sản khu công nghiệp: Chính sách vững – sóng sẽ lớn
Bất động sản khu công nghiệp đã và đang hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tương lai, sóng của nhóm cổ phiếu này sẽ phụ thuộc lớn vào 'lực hấp dẫn' của chính sách…
Cuộc đua đón sóng “tái định cư”
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào ngày 9/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Và đây chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết đến Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Trước đó, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cũng từng nhận định đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục. Trong đó, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.
Tương lai, sóng của cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp phụ thuộc lớn vào “lực hấp dẫn” của chính sách…
Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bắt đầu mạnh hơn từ năm trước, sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đại dịch Covid19 đã đẩy nhanh hơn xu hướng này. Không chỉ chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà còn nhiều nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc… cũng khuyến khích doanh nghiệp nước mình chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa địa điểm sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tránh tình trạng phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.
Trong bối cảnh đó, những cuộc chạy đua chính sách để thu hút đầu tư đã được bật đèn xanh.
Trung Quốc ban hành Luật Đầu tư mới để giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng để lôi kéo trên 1.000 công ty nước ngoài, đa số là Mỹ đang có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Thái Lan sẵn sàng hàng loạt chính sách thu hút đầu tư mới về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài.
Malaysia cũng đưa ra nhiều chương trình nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các công ty nước ngoài đến đầu tư tại nước này.
Với Việt Nam, thời gian qua cũng có nhiều chính sách thay đổi. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI, công nghệ cao trong bối cảnh mới…
Nhờ hiệu ứng tích cực đó, các công ty trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn giảm thuế, miễn thị thực... Ưu đãi thuế cho các công ty trong các khu công nghiệp bao gồm miễn thuế từ 2 đến 4 năm, giảm thuế trong 3 đến 15 năm và miễn thuế nhập khẩu…
Nhìn chung mọi đòn bẫy chính sách đã được các quốc gia tung ra để đón sóng “tái định cư” của các nhà sản xuất. Nhưng để giành thế áp đảo chắc hẳn sẽ phục thuộc không chỉ chính sách mà cần cả độ nhanh nhạy, quyết đoán của từng Chính phủ.
Tin chính sách, sẵn sàng bám thị trường!
Hiệu ứng tích cực của chính sách đó đã lan tỏa bất chấp dịch Covid19 đang hoành hành và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên khắp toàn cầu. Dòng tiền cho ngành sản xuất bị đình đốn vì lưu thông, vận hành, nguyên vật liệu bị hạn chế còn kênh bất động sản “bất động”. Nhờ đó, thị trường cổ phiếu lại trở thành nơi tái đầu tư khá hấp dẫn giới đầu tư.
Theo thống kê, nhóm ngành có thanh khoản lớn nhất là bất động sản nhóm công nghiệp. Trên các diễn đàn các nhà đầu tư chỉ bàn đến cổ phiếu bất động sản nhóm công nghiệp như SIP, LHG, KBC, NTC, SZC, SZL, GVR, PHR…
Sau một năm 2019 bội thu khi hầu hết các cổ phiếu nói trên đều tăng gấp đôi thị giá, thậm chí còn hơn, điển hình là SZL tăng từ 30.000 đồng/cổ phiếu lên 63.000 đồng/cổ phiếu, NTC tăng từ 70.000 đồng/cổ phiếu lên 190.000 đồng/cổ phiếu thì giờ đây, với niềm tin Chính phủ đã ban hành mọi chính sách ưu ái nhất để thu hút làn sóng dịch chuyển thì không có lí do gì mà lại không đầu tư vào nhóm này một lần nữa.
Giới đầu tư cổ phiếu bất động sản nhóm công nghiệp thêm một lần chứng minh mình đã “đặt niềm tin đúng chỗ” khi liên tiếp chốt lời thành công trong mùa đại dịch. Tính từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh cho tới nay, các cổ phiếu bất động sản nhóm công nghiệp đều tăng từ 10-20%, thậm chí nếu nhà đầu tư nào bắt đúng đáy tại thời điểm chính thức giãn cách xã hội thì đã “ăn” tới 50% như SZC, SZL…
Thêm một mùa có thể đã bội thu với giới đầu tư cổ phiếu bất động sản công nghiệp nhưng dường như chiến thắng đó đang dựa vào đòn bẫy chính sách "niềm tin". Điều này càng được củng cố và hiện thức hóa khi mà Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 20/5/2020 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Như vậy, then chốt bây giờ là độ dài chính sách để song hành cùng làn sóng chuyển dịch này. Sóng bất động sản nhóm công nghiệp hay bất kỳ sóng nhóm ngành nào cũng có thể có, chớp được thời cơ với chính sách vững thì sóng sẽ lớn là một điều tất yếu.