Bất động sản tại các trung tâm hành chính cũ: Từ 'hoa hậu' có thể thành 'gái ế'

Từng là điểm nóng được săn đón, nay nhiều khu vực có nguy cơ trở thành 'vùng trũng' khi dòng vốn đầu tư và sự phát triển hành chính dồn về trung tâm mới…

 Sáp nhập tỉnh mang lại nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản

Sáp nhập tỉnh mang lại nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản

Sáp nhập tỉnh là chủ trương lớn nhằm tái cơ cấu địa phương, tăng hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, chính những thay đổi về hành chính lại đang tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, tạo ra sự dịch chuyển đáng kể về giá trị địa ốc giữa các khu vực.

NHU CẦU THỰC LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG

Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Propert, nhiều người đang quá tập trung vào những khu vực trung tâm hành chính mới có giá bất động sản tăng cao, nhưng lại quên mất diễn biến của các trung tâm hành chính cũ. Việc sáp nhập tỉnh thành sẽ khiến giá bất động sản ở các địa phương từng là trung tâm hành chính cũ trước đây giảm xuống.

“Ví dụ, ở quê tôi là Vĩnh Phúc, sau khi sáp nhập vào Phú Thọ, bất động sản ở thành phố Việt Trì là trung tâm mới đã tăng chóng mặt, trong khi đó, bất động sản ở Vĩnh Yên vốn là trung tâm hành chính cũ của Vĩnh Phúc chững lại và giảm giá ngay lập tức. Tôi là người trực tiếp chứng kiến điều này”, ông Nga minh chứng.

Tuy nhiên, không phải trung tâm hành chính cũ nào giá bất động sản cũng sẽ giảm. Ông Nga phân tích: “Những dự án bất động sản được xây dựng dù không ở trung tâm hành chính mới, nhưng đáp ứng nhu cầu thực, giá cả hợp lý, ở những nơi có công ăn việc làm ổn định, cơ sở hạ tầng tốt vẫn có tiềm năng sinh lời. Chúng ta thay vì đầu tư theo sóng thị trường, nên hướng đến giá trị cốt lõi của sản phẩm bất động sản”.

 Giá bất động sản ở các địa phương từng là trung tâm hành chính cũ trước đây giảm xuống

Giá bất động sản ở các địa phương từng là trung tâm hành chính cũ trước đây giảm xuống

Đưa ra quan điểm về vấn đề trên,, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) cho rằng, trước đây có 63 tỉnh thành, tức là ít nhất có 63 thủ phủ.

Hiện nay, gom lại còn khoảng 34 tỉnh, thì mục đích là rất rõ ràng: việc sáp nhập tỉnh là để tạo điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn ở những khu vực có tiềm năng. Việc giá bất động sản tại trung tâm hành chính cũ giảm chắc chắn sẽ xảy ra.

Song, điều quan trọng là hiệu quả phát triển kinh tế sau sáp nhập sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ lãnh đạo là bí thư và chủ tịch của tỉnh đó.

“Do đó, việc phát triển không chỉ phụ thuộc vào tên gọi của tỉnh mà quan trọng hơn là năng lực của đội ngũ lãnh đạo và điều kiện thực tế của địa phương. Dĩ nhiên, những địa phương không được tập trung phát triển sẽ chịu thiệt thòi. Mà điều đó lại phụ thuộc vào bài toán nhân sự và cách tính toán chiến lược cụ thể của từng khu vực”, ông Vũ bày tỏ.

Việc sáp nhập tỉnh mang lại nhiều thay đổi cho thị trường bất động sản, cả cơ hội lẫn thách thức. Nhà đầu tư cần tỉnh táo nhìn nhận tổng thể thị trường, cân nhắc kỹ lưỡng giữa giá trị thực và kỳ vọng ngắn hạn, để đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả và bền vững.

PHÁT TRIỂN ĐỒNG ĐỀU, TRÁNH TẬP TRUNG MỘT KHU VỰC

Không thể phủ nhận, việc sáp nhập tỉnh tạo ra môi trường phát triển mới, giúp tích hợp lợi thế từng địa phương, mở rộng không gian và thúc đẩy hạ tầng kết nối. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các địa phương cần có sự đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng, cùng chiến lược phát triển cân bằng giữa trung tâm và vùng ven, nhằm tạo ra vùng kinh tế năng động, bền vững.

Đánh giá tác động về sáp nhập tỉnh thành tới thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà còn mở ra một môi trường hoàn toàn mới, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển.

Sau sáp nhập, những lợi thế riêng biệt của từng địa phương được tích hợp lại, bổ trợ và bù đắp cho nhau, từ đó triệt tiêu các điểm yếu và cộng hưởng các thế mạnh. Sự hợp nhất này tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt.

Trước hết là về không gian địa lý mở rộng, dân số tăng lên, nguồn nhân lực dồi dào hơn, và các nguồn lực kinh tế phong phú. Khi các yếu tố này kết hợp lại, địa phương mới sẽ hình thành những lợi thế cạnh tranh hoàn toàn mới, không chỉ kế thừa mà còn vượt trội hơn trước.

 ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Các quy hoạch hiện có sẽ cần được rà soát, tích hợp và điều chỉnh sao cho đồng bộ, linh hoạt hơn để phát huy tối đa tiềm năng liên vùng. Những điểm mạnh từ mỗi địa phương khi được kết nối và hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, việc sáp nhập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hạ tầng, không chỉ để kết nối các địa phương, mà còn để tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài. Đây chính là cơ hội lớn để xây dựng một vùng phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh thêm, chính quyền địa phương mới cần đặc biệt chú trọng đến việc bám sát quy hoạch đã được phê duyệt, coi đó là nền tảng định hướng xuyên suốt.

Điều quan trọng cần thực hiện việc phát triển kinh tế ở địa phương một cách đồng đều, tránh tình trạng dồn lực phát triển chỉ vào một vài khu vực trung tâm, để rồi bỏ quên các vùng xung quanh cũng đầy tiềm năng.

“Bài học hiện hữu từ Hà Nội, sau khi hợp nhất với Hà Tây, trong nhiều năm qua, thành phố gần như chỉ tập trung vào việc giải quyết bài toán phát triển ở khu vực lõi trung tâm, trong khi các khu vực vùng ven và ngoại thành lại chưa được đầu tư tương xứng”, vị chuyên gia thông tin.

Ngọc Duy

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bat-dong-san-tai-cac-trung-tam-hanh-chinh-cu-tu-hoa-hau-co-the-thanh-gai-e-post561435.html